Trước khi có ý định bỏ học để đi theo ước mơ làm giàu như Bill Gates hay Mark Zuckerberg, hãy dừng lại một chút và suy nghĩ thật kỹ đã nhé.
Bill Gates và Mark Zuckerberg – hai tỷ phú công nghệ sừng sững chiếm vị trí thứ 2 và 3 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới – đều chưa từng tốt nghiệp và sở hữu một tấm bằng đại học chính quy.
Thông tin đó chắc hẳn vẫn khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ khi nghĩ về khối tài sản của họ. Chưa hết, theo một nghiên cứu từ Adview – trang thông tin định hướng nghề nghiệp tại Anh – thì trong số 400 người nhiều tiền nhất thế giới theo công bố của Forbes, cứ 8 người sẽ có 1 người trở thành tỷ phú mà không cần tốt nghiệp. Tương tự như 2 cái tên trên, chúng ta còn có Michael Dell (sáng lập thương hiệu máy tính Dell), Paul Allen (đồng sáng lập ra Micorosft cùng Bill Gates), Steve Jobs (cựu CEO và sáng lập Apple)…
Bill Gates đã rất nhiều lần được mời về Harvard phát biểu sau này.
Tuy nhiên, đừng bao giờ coi việc bỏ học là một yếu tố có thể tồn tại hoặc biện hộ cho việc muốn trở thành vĩ nhân hay tỷ phú. Đó chưa từng là một lý do được Bill Gates hay Mark Zuckerberg lôi ra để bao biện hoặc chứng minh cho thành công ngày hôm nay của mình.
Trên thế giới hiện nay, gánh nặng tài chính về học phí cũng có thể được coi là một phần lý do “khuyến khích” người trẻ bỏ học để làm theo những dự định cá nhân từ sớm. Theo thống kê từ Business Insider, một sinh viên tại Mỹ trung bình phải trả tới 17.126 USD tiền học và các khoản phụ phí giáo dục (tương đương gần 400 triệu đồng). Thậm chí, Peter Thiel – doanh nhân nổi tiếng và đồng sáng lập PayPal – còn lập ra một chương trình vào năm 2011 với mục đích gây quỹ 100.000 USD, hỗ trợ cho cộng đồng người trẻ dám bỏ học để tự tin theo đuổi ước mơ kinh doanh làm giàu. “Đại học là một nơi tốt để học những gì đã cũ và từng được khám phá ra từ trước, nhưng nó sẽ là một trở ngại trên con đường tìm kiếm những kiến thức mới mẻ của bạn,” trích lời Peter.
Nhưng bỏ học cũng đồng nghĩa với việc đương đầu với biết bao rủi ro mà bản thân mỗi người chưa chắc đã chuẩn bị đủ hành trang đương đầu và xử lý nó đúng cách. Các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong ngành nghiên cứu và cố vấn cũng đồng ý với quan điểm này, không ủng hộ xu hướng bỏ học Đại học.
“Thời nào cũng sẽ có những tên tuổi như Jay-Z, Kobe Bryant hay Mark Zuckerberg, thậm chí họ vẫn sẽ bỏ học mà còn thành công hơn những gì chúng ta đang thấy bây giờ,” phát biểu bởi Scott Galloway, giáo sư marketing tại NYU Stern. “Nhưng chúng ta không nên cho rằng mình ở vị thế giống như những người đó. Hãy hoàn thành cấp Đại học của mình đã.”
Chúng ta thường có xu hướng nhìn nhận một chiều và rất dễ đưa ra quan điểm sai nếu không được định hướng đúng cách. Một vài tỷ phú bỏ học mà vẫn kiếm tiền như nước, điều đó không sai. Nhưng phần lớn tất cả những cái tên còn lại đều có bằng cấp nghiêm túc thì sao, hơn nữa chúng đều đến từ những trường Đại học danh tiếng top đầu. Harvard, Stanford là những cái tên quen thuộc nhất trong hồ sơ của các tỷ phú, doanh nhân thành đạt, nhất là ở lĩnh vực công nghệ.
Nếu vẫn chưa cảm thấy thuyết phục, sau đây là một con số cụ thể hơn: Theo điều tra của 2 nhà nghiên cứu Jonathan Wai và Heiner Rindermann, 94% thuộc các lãnh đạo trong mọi ngành nghề (từ báo chí, chính trị, công nghệ…) đều học xong đại học. Một nửa trong số đó đều được nhận vào các trường danh tiếng bậc nhất. Ngoài ra, những người bỏ học thì hầu như đều có bố mẹ làm việc ở tầng lớp trí thức bậc cao, có thể coi như đó là một “cửa sau” hỗ trợ cho việc họ vẫn nắm chắc được nhiều kiến thức và kỹ năng hơn người khác dù không đi học.
Chính nhân vật nổi tiếng cổ vũ cho trào lưu bỏ học đề cập bên trên – Peter Thiel – cũng là một ví dụ khá ngược đời khi đi khuyên người khác làm vậy: Ông cũng tốt nghiệp từ Stanford rồi thành công như ngày hôm nay, chứ không hề là một tấm gương bỏ học như Bill Gates hay Mark Zuckerberg.