Sự thật về đông trùng hạ thảo: Có thật sự ‘thần thánh’ như lời đồn? Có tác dụng với bệnh ung thư không?

Đông trùng hạ thảo được quảng cáo với nhiều công dụng thần thánh như ngăn ngừa ung thư, chữa bệnh thận và dùng được cả cho bệnh nhân sau khi ghép thận…

TIN MỚI

Cùng với nỗi sợ lạm dụng các loại hóa chất trong thời buổi công nghiệp này, hầu hết mọi người đều muốn tìm các loại thực phẩm hay dược phẩm có nguồn gốc tự nhiên để dùng hàng ngày. Một trong những loại dược phẩm truyền thống có nhiều hoạt tính sinh học tốt cho sức khỏe cực kỳ phổ biến ở châu Á, cũng như trên toàn thế giới là đông trùng hạ thảo.

Không phải với bất cứ bệnh lý nào hay thể trạng nào dùng đông trùng hạ thảo cũng mang lại hiệu quả tốt nhất. Nhưng do sự quý hiếm của nó nên đông trùng hạ thảo bị làm giả rất nhiều và rất tinh vi.

Trân trọng giới thiệu loạt bài phân tích bản chất dược tính của đông trùng hạ thảo và giúp sử dụng đông trùng đúng cách của nhóm các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về thực phẩm và sinh học thuộc Dự án Thực phẩm cộng đồng. Đây là dự án khoa học cộng đồng phi lợi nhuận, với các thành viên là những nhà khoa học và nghiên cứu người Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới.

Bài 1: Sự thật về đông trùng hạ thảo: Không phải cây, chẳng phải con, dược chất nằm ở bộ phận không ai nghĩ đến!

Đông trùng hạ thảo được quảng cáo với nhiều công dụng thần thánh như ngăn ngừa ung thư, chữa bệnh thận và dùng được cả cho bệnh nhân sau khi ghép thận. Tuy nhiên, công dụng chúng ta thường nghe nhắc đến là chúng có khả năng cải thiện phong độ trong vận động thể thao, điều trị rối loạn tình dục ở nam giới, điều trị chứng rối loạn thận, chữa viêm gan… Những công dụng này được cho là tác dụng của hơn 20 thành phần mang hoạt tính sinh học, chủ yếu là polysaccharid, cordycepin, adenosine, cordycepic acid (D-mannitol) và sterol.

Sự thật về đông trùng hạ thảo: Có thật sự thần thánh như lời đồn? Có tác dụng với bệnh ung thư không? - Ảnh 2.

Ảnh: Một người du mục Tây Tạng bày bán nấm đông trùng hạ thảo mình tìm được. Ảnh chụp ngày 22/5/2016 tại Khu tự trị Tây Tạng, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nguồn: Denverpost.com

Các thành phần hoạt tính sinh học khác cũng được tìm thấy, bao gồm hai peptidet (cordymin và myriocin), melanin, lovastatin, axit acid γ-aminobutyric và cordysinin.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi phân tích từng công dụng thực sự của đông trùng hạ thảo thông qua kết quả nghiên cứu khoa học được đăng trên các trang y khoa uy tín như webmd và drug.com, nhằm mục đích giải đáp thắc mắc của quý độc giả.

Cải thiện thể chất giúp tăng phong độ vận động thể thao

Theo kết quả thử nghiệm trên chuột được đăng trên tạp chí International Journal of Medicinal Mushrooms vào năm 2016, sau 3 tuần được cho ăn sản phẩm CS-4, những con chuột lâu bị kiệt sức hơn, nghĩa là có cải thiện sức bền vận động ở chuột. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng lại cho thấy tác dụng cải thiện thể chất ở người không đơn giản như vậy, mà phụ thuộc nhiều vào cách sử dụng, ví dụ liều lượng và thời gian sử dụng.

Cụ thể hơn, một số thử nghiệm lâm sàng mù đôi, ngẫu nhiên, quy mô nhỏ ở những người tình nguyện khỏe mạnh và ở các vận động viên cho thấy dùng đông trùng hạ thảo không ảnh hưởng đến độ bền hoặc hiệu suất khi thi đấu (không tăng, không giảm).

Trong các thử nghiệm riêng biệt nhau, tình nguyện viên sử dụng đông trùng hạ thảo cùng chung với chiết xuất Yohimbe (Yohimbe là hoạt chất chiết xuất từ vỏ cây cùng tên, điều trị rối loạn cương dương ở nam giới) hoặc Rhodiola rosea (loại thảo dược giúp cải thiện sức bền), nhưng kết quả không có sự khác biệt ý nghĩa so với giả dược.

Các kết quả nghiên cứu lâm sàng kể trên lần lượt đăng trên Tạp chí Medicine and Science in Sport and Exercise năm 2004 và tạp chí Journal of Strength of Conditioning Research năm 2005. Đồng thời các kết quả này đều có thể tra cứu trên cơ sở dữ liệu PubMed thuộc Thư viện Y tế Quốc gia của Mỹ.

Tương tự, một thử nghiệm lâm sàng khác đăng trên tạp chí International Journal of Sport Nutrition and Exercise Metabolism năm 2007 cho thấy: sử dụng 3 gam đông trùng hạ thảo (loại CS-4) mỗi ngày trong suốt 5 tuần cũng không có tác dụng so với giả dược.

 Sự thật về đông trùng hạ thảo: Có thật sự thần thánh như lời đồn? Có tác dụng với bệnh ung thư không? - Ảnh 3.

Đông trùng hạ thảo ngoài tự nhiên. Nguồn: npr.org

Tuy nhiên, có một tin vui: một nghiên cứu chi tiết hơn cho thấy hiệu quả của đông trùng hạ thảo phụ thuộc vào liều lượng và thời gian sử dụng.

Đây là một nghiên cứu mù đôi (có đối chứng giả dược) đăng trên tạp chí Journal of Dietary Supplement vào tháng 01/2017. Nghiên cứu chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (có 28 người tham gia trong vòng 1 tuần) và giai đoạn 2 (10 người trong số này tham gia tiếp thêm 2 tuần nữa). Họ được cho dùng tổng cộng 4 gam hỗn hợp nấm có chứa chiết xuất C. militaris mỗi ngày.

Mục đích nghiên cứu chính là đánh giá công dụng của đông trùng hạ thảo khi sử dụng với cùng liều lượng trong thời gian ngắn (1 tuần) và thời gian dài hơn (3 tuần).

Kết quả cho thấy sử dụng hỗn hợp nấm có chứa đông trùng hạ thảo trong một tuần không cải thiện đáng kể so với giả dược. Tuy nhiên, khi tăng thời gian sử dụng lên 3 tuần thì kể các chỉ tiêu đo lường mức độ oxy hóa khi vận động và thời gian kiệt sức cải thiện đáng kể.

 Sự thật về đông trùng hạ thảo: Có thật sự thần thánh như lời đồn? Có tác dụng với bệnh ung thư không? - Ảnh 4.

Nhóm nghiên cứu cho rằng khi sử dụng 4 gam mỗi ngày trong 3 tuần có thể có lợi cho khả năng chịu đựng tập thể dục cường độ cao và trì hoãn sự mệt mỏi. Nhưng vẫn cần thêm các nghiên cứu chi tiết hơn để xác định chiến lược dùng thuốc tối ưu với mục tiêu cải thiện hiệu suất tập thể thao, cũng như xem xét ảnh hưởng sức khỏe nếu sử dụng đông trùng hạ thảo với liều cao hơn trong thời gian dài hơn.

Cải thiện tình trạng rối loạn tình dục ở nam giới

Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí International Journal of Medicinal Mushrooms năm 2008 cho thấy dùng một sản phẩm đông trùng hạ thảo cụ thể mỗi ngày, trong vòng 40 ngày có thể cải thiện ham muốn tình dục ở nam giới có ham muốn tình dục thấp và ở người cao tuổi.

 Sự thật về đông trùng hạ thảo: Có thật sự thần thánh như lời đồn? Có tác dụng với bệnh ung thư không? - Ảnh 5.

Ảnh: Đông trùng hạ thảo thường được người mua bán cân bằng những chiếc cân nhỏ. Cách cân khá chính xác, tuy nhiên giữa các thương nhân thường nảy sinh tranh cãi về độ chính xác của trọng lượng hoặc chất lượng và giá cả của sản phẩm. Những cuộc cãi vã đó thường có thể trở thành những cuộc ẩu đả thực sự. Nguồn: Alessandro Boesi

Còn kết quả của các nghiên cứu sau đây được tổng hợp trên website uy tín WedMD:

Hen suyễn

 Sự thật về đông trùng hạ thảo: Có thật sự thần thánh như lời đồn? Có tác dụng với bệnh ung thư không? - Ảnh 6.

Nghiên cứu ban đầu cho thấy nếu chỉ dùng đông trùng hạ thảo có thể làm giảm các triệu chứng hen suyễn ở người lớn. Nhưng ở trẻ em thì không đạt kết quả như vậy: một nghiên cứu ban đầu khác ở trẻ em cho thấy khi dùng đông trùng hạ thảo kết hợp với các loại thảo mộc khác trong vòng 6 tháng thì không thấy cải thiện triệu chứng bệnh.

Bệnh thận

Với bệnh thận mạn tính (CKD), nghiên cứu ban đầu cho thấy khi dùng đông trùng hạ thảo kết hợp phương pháp điều trị bệnh thận mạn tính, có thể giúp cải thiện chức năng thận. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này đều có chất lượng thấp và chỉ được thực hiện tối đa là 6 tháng.

 Sự thật về đông trùng hạ thảo: Có thật sự thần thánh như lời đồn? Có tác dụng với bệnh ung thư không? - Ảnh 7.

Với tổn thương thận do thuốc Cyclosporine, có bằng chứng ban đầu cho thấy dùng đông trùng hạ thảo với Cyclosporine có thể làm giảm tổn thương thận do Cyclosporine gây ra ở những người được ghép thận. (Thuốc Cyclosporine là một loại thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng để ngăn ngừa thải ghép ở những người ghép gan, thận hoặc cấy ghép tim. Thuốc thường được sử dụng cùng với các thuốc khác để giúp cơ quan mới của bạn hoạt động bình thường.)

Ở những bệnh nhân cấy ghép thận, nghiên cứu ban đầu cho thấy dùng đông trùng hạ thảo kết hợp với thuốc Cyclosporine liều thấp có thể đạt hiệu quả tương đương với dùng thuốc Cyclosporine liều tiêu chuẩn ở những người được ghép thận.

Các hiệu quả này bao gồm tăng thời gian sống của bệnh nhân thêm một năm, ngăn ngừa thải ghép và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Ngoài ra, đông trùng hạ thảo có tác dụng tương tự như Azathioprine khi dùng chung với thuốc điều trị nhằm cải thiện chất lượng sống sau khi ghép thận, ngăn ngừa đào thải thận và nhiễm trùng. Chúng cũng có thể giúp giảm nguy cơ bệnh thận mạn tính/suy giảm chức năng thận trong thời gian dài – nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận ghép.

(Thuốc Azathioprine được sử dụng với các loại thuốc khác để ngăn chặn sự đào thải của cơ thể khi bạn được cấy ghép thận. Thuốc hoạt động bằng cách làm suy yếu hệ miễn dịch để giúp cơ thể chấp nhận quả thận mới. Azathioprine thuộc nhóm thuốc ức chế miễn dịch.)

Bệnh gan

 Sự thật về đông trùng hạ thảo: Có thật sự thần thánh như lời đồn? Có tác dụng với bệnh ung thư không? - Ảnh 8.

Các bằng chứng khoa học ban đầu cho thấy dùng đông trùng hạ thảo bằng đường uống có thể cải thiện chức năng gan ở những người bị viêm gan B. Tuy nhiên, đông trùng hạ thảo dường như kém hiệu quả hơn so với các loại thuốc bổ sung khác.

Ung thư

Nhiều thí nghiệm trong ống nghiệm và trên động vật đã được thực hiện trên chất chiết xuất từ đông trùng hạ thảo với dung môi nước và ethanol. Các chất chiết xuất này có thể tăng cường hoạt động của cytokine (cytokine là các protein đóng vai trò sứ giả của tế bào giúp định hướng phản ứng miễn dịch của cơ thể) và giúp giảm tăng sinh tế bào khối u, kéo dài thời gian sống.

 Sự thật về đông trùng hạ thảo: Có thật sự thần thánh như lời đồn? Có tác dụng với bệnh ung thư không? - Ảnh 9.

Các nghiên cứu lâm sàng quy mô nhỏ cho thấy dùng đông trùng hạ thảo có thể cải thiện các triệu chứng (theo báo cáo của bệnh nhân), tăng khả năng chịu đựng sau hóa trị (có thể do chức năng miễn dịch được tăng cường), và giảm kích thước khối u. Các kết quả này được đăng trên tạp chí Journal of Pharmaceutical and Biomedical Analysis năm 2006 và tạp chí International Journal of Medicinal Mushrooms năm 2008.

Các bệnh khác

Với các triệu chứng như thiếu máu, rối loạn nhịp thở, nhiễm trùng phổi (viêm phế quản), ho, mệt mỏi, chóng mặt, thường xuyên đi tiểu đêm, rối loạn nhịp tim, Cholesterol cao, rối loạn gan, tăng tuổi thọ, ù tai… cần thêm bằng chứng khoa học để đánh giá công dụng của đông trùng hạ thảo trong chữa trị.

Tóm lại, dù đông trùng hạ thảo đã có lịch sử lâu dài trong đông y, nhưng việc sử dụng chúng cho từng loại bệnh cần phải xét đến liều lượng, thời gian sử dụng, cơ địa của từng cá nhân, loại sản phẩm sử dụng, chất lượng sản phẩm… Bên cạnh những công dụng đã được xác minh, vẫn còn nhiều công dụng của đông trùng hạ thảo cần thêm bằng chứng khoa học.

Bên cạnh tác dụng tốt, đông trùng hạ thảo cũng có những tác dụng phụ.

Những ai không nên dùng đông trùng hạ thảo?

Đông trùng hạ thảo có thể an toàn cho mọi người khi dùng bằng đường uống, trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cần lưu ý liều lượng thích hợp phụ thuộc vào một số yếu tố như độ tuổi, sức khỏe của người dùng và một số tình trạng khác. Tại thời điểm này không có đủ thông tin khoa học để xác định phạm vi liều lượng sử dụng đông trùng hạ thảo thích hợp. Quý độc giả cần đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn sản phẩm. Tốt nhất là hỏi ý kiến dược sĩ, bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi sử dụng.

Đông trùng hạ thảo có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ như tiêu chảy, táo bón và khó chịu ở bụng. Ngoài ra, nó cũng không phải là biệt dược quý cho tất cả mọi người.

Không dùng đông trùng hạ thảo trong các trường hợp sau:

Phụ nữ mang thai và cho con bú: Không có đủ thông tin đáng tin cậy để biết liệu đông trùng hạ thảo có an toàn để sử dụng khi mang thai hoặc cho con bú hay không hoặc các tác dụng phụ có thể là gì. Nên tránh sử dụng đông trùng hạ thảo khi mang thai và cho con bú, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

Trẻ em dưới 5 tháng tuổi: Trẻ dưới 2 tuổi cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho dùng.

Các bệnh tự miễn dịch: Các bệnh tự miễn dịch như bệnh đa xơ cứng (Multiple Sclerosis – MS), bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE), viêm khớp dạng thấp (RA) hoặc các tình trạng bệnh khác. Khi uống đông trùng hạ thảo có thể khiến hệ miễn dịch hoạt động mạnh hơn, điều này có thể làm tăng các triệu chứng của các bệnh tự miễn dịch. Nếu mắc phải một trong những tình trạng bệnh trên, tốt nhất nên tránh sử dụng đông trùng hạ thảo.

Rối loạn đông máu: Khi uống đông trùng hạ thảo có thể làm chậm quá trình đông máu vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở những người bị rối loạn đông máu.

Khi phẫu thuật: Đông trùng hạ thảo có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong khi phẫu thuật. Nên ngưng dùng đông trùng hạ thảo 2 tuần trước khi phẫu thuật

Ngoài ra, đông trùng hạ thảo có thể tương tác với một số loại thuốc sau:

Thuốc Cyclophosphamide (Cytoxan và Neosar), Simulect, Neoral, Sandimune, Zenapax, Imuran, Cellcept, Prograf, thuốc chống viêm và ức chế hệ miễn dịch Prednisone.

Đặc điểm chung của các loại thuốc kể trên là làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch. Trong khi đó, trùng thảo có thể làm tăng hoạt động của hệ miễn dịch, do đó làm giảm hiệu quả của thuốc. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý chỉ sử dụng sản phẩm có nguồn gốc đáng tin cậy, do hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm hàng giả tinh vi được làm bằng bột ngô hoặc thạch cao, rất khó phân biệt kể cả lúc sử dụng.

Biên soạn: Trần Lê Kim Ngọc – Thành viên Dự án Thực phẩm cộng đồng.

Hiệu đính: TS. Vương Bảo Thy, Trưởng khoa Khoa học sức khỏe, Trường Đại học Cửu Long – Trưởng nhóm phụ trách nội dung Dự án Thực phẩm cộng đồng; TS. Nguyễn Quốc Thục Phương, Nghiên cứu đáp ứng miễn dịch tại Đại học Rochester, New York (Mỹ) – Trưởng dự án Thực phẩm cộng đồng.

Dự án “Thực phẩm Cộng đồng” https://thucphamcongdong.vn/ cung cấp kiến thức khoa học thường thức, chính xác, khách quan và đáng tin cậy về thực phẩm, dinh dưỡng và sức khoẻ cho người Việt với mong muốn lan tỏa tri thức, chung tay vì sức khỏe cộng đồng.

Hệ thống kiến thức của Dự án được tổng hợp, biên phiên dịch và cập nhật thường xuyên từ nguồn thông tin khoa học uy tín, chuẩn xác bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước đang làm việc trong lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm và các ngành liên quan.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.cell.com/trends/biotechnology/fulltext/S0167-7799(17)30160-9#secsect0005

2. Stone, R. (2008). MYCOLOGY: Last Stand for the Body Snatcher of the Himalayas? Science, 322(5905), 1182–1182. doi:10.1126/science.322.5905.1182

3. Caihong Dong, Suping Guo, Wenfeng Wang & Xingzhong Liu (2015) Cordyceps industry in China, Mycology, 6:2, 121-129, DOI: 10.1080/21501203.2015.1043967

4. Lo HC, Hsieh C, Lin FY, Hsu TH. A Systematic Review of the Mysterious Caterpillar Fungus OphioCordyceps sinensisCordyceps sinensisCordyceps sinensis in Dong-ChongXiaCao ( Dōng Chóng Xià Cǎo) and Related Bioactive Ingredients. J Tradit Complement Med. 2013;3(1):16-32. doi:10.4103/2225-4110.106538https://blog.freshcapmushrooms.com/learn/cordyceps-mushroom-health/

5. https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-602/cordyceps

6. https://www.drugs.com/npp/cordyceps.html#fandc-np5407.b4

7. Xu YF. Effect of Polysaccharide from Cordyceps militaris (Ascomycetes) on Physical Fatigue Induced by Forced Swimming. Int J Med Mushrooms. 2016;18(12):1083-1092. doi: 10.1615/IntJMedMushrooms.v18.i12.30. PMID: 28094746.

8. Earnest CP, Morss GM, Wyatt F, Jordan AN, Colson S, Church TS, Fitzgerald Y, Autrey L, Jurca R, Lucia A. Effects of a commercial herbal-based formula on exercise performance in cyclists. Med Sci Sports Exerc. 2004 Mar;36(3):504-9. doi: 10.1249/01.mss.0000125157.49280.af. PMID: 15076794.

9. Colson SN, Wyatt FB, Johnston DL, Autrey LD, FitzGerald YL, Earnest CP. Cordyceps sinensis- and Rhodiola rosea-based supplementation in male cyclists and its effect on muscle tissue oxygen saturation. J Strength Cond Res. 2005 May;19(2):358-63. doi: 10.1519/R-15844.1. PMID: 15903375.

10. Parcell AC, Smith JM, Schulthies SS, Myrer JW, Fellingham G. Cordyceps Sinensis (CordyMax Cs-4) supplementation does not improve endurance exercise performance. Int J Sport Nutr Exerc Metab. 2004 Apr;14(2):236-42. doi: 10.1123/ijsnem.14.2.236. PMID: 15118196.

11. Holliday, John & Cleaver, Matt. (2008). Medicinal Value of the Caterpillar Fungi Species of the Genus Cordyceps (Fr.) Link (Ascomycetes). A Review. International Journal of Medicinal Mushrooms – INT J MED MUSHROOMS. 10. 219-234. 10.1615/IntJMedMushr.v10.i3.30.

12. Li SP, Yang FQ, Tsim KW. Quality control of Cordyceps sinensis, a valued traditional Chinese medicine. J Pharm Biomed Anal. 2006 Aug 28;41(5):1571-84. doi: 10.1016/j.jpba.2006.01.046. Epub 2006 Feb 28. PMID: 16504449.

13. Hirsch KR, Smith-Ryan AE, Roelofs EJ, Trexler ET, Mock MG. Cordyceps militaris Improves Tolerance to High-Intensity Exercise After Acute and Chronic Supplementation. J Diet Suppl. 2017;14(1):42-53. doi:10.1080/19390211.2016.1203386

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin