VDSC cho rằng sự thận trọng là điều cần thiết khi trạng thái tĩnh hiện tại vẫn khá mỏng manh…
Báo cáo chiến lược tháng 5 do Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố đã có những nhận định rất mới về tỷ giá nói riêng và thị trường ngoại hối nói chung.
Theo nhóm phân tích, kể từ đầu năm tới nay, áp lực lên các đồng tiền mới nổi và đang phát triển nhìn chung không lớn. Tỷ giá giao dịch USDVND gần như ít thay đổi trong khi một số đồng tiền khác như CNY tăng giá trở lại so với đồng USD, và thị trường ngoại hối thực sự đã có “sự yên bình” lạ thường.
Tuy nhiên, sự yên bình đó không đồng nghĩa với sự an toàn. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nỗ lực mua vào ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối sau giai đoạn “xả quỹ” cuối năm trước. Theo công bố, NHNN đã mua được 8,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm và đưa dự trữ ngoại hối lên trên 65 tỷ USD. Đây có thể là con số mua ròng ấn tượng nhất đã từng được thực hiện chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo nhóm phân tích, việc tăng quy mô dự trữ ngoại hối bởi nhà điều hành hiểu rõ quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam thấp hơn tương đối so với các nước trong khu vực. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997/1998, các nước Đông Nam Á hiểu được vai trò và đẩy mạnh tích luỹ dự trữ ngoại hối. Họ coi đó như tấm khiêng giúp duy trì ổn định vĩ mô khi hội nhập với thế giới. Và rõ ràng Việt Nam mới chỉ thực hiện tốt điều đó trong các năm gần đây.
VDSC cũng cho rằng sự thận trọng là điều cần thiết khi trạng thái tĩnh hiện tại vẫn khá mỏng manh. Có 3 con số mang ý nghĩa cảnh báo cần được quan tâm. Đầu tiên, chỉ số USD, đo lường sức mạnh đồng bạc xanh, đang ở quanh mức đỉnh do số liệu kinh tế Mỹ tốt hơn tương đối so với kỳ vọng và phần còn lại của thế giới. Thứ hai, Chính quyền Tổng thống Trump mới đây công bố có thể tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đàm phán thương mại vẫn đang diễn ra và bất cứ rạn nứt nào cũng có thể khiến thị trường biến động hơn. Cuối cùng, thặng dư thương mại của Việt Nam đang giảm mạnh khi nhu cầu nhập khẩu tăng nhanh hơn nguồn thu từ xuất khẩu. Bên cạnh mặt hàng máy móc thiết bị để phục vụ các dự án lớn, nhập khẩu hàng tiêu dùng, đặc biệt ô tô và linh kiện, tăng đột biến, bên cạnh đó là dầu thô, than đá.
Nhóm phân tích cũng lưu ý, trong bối cảnh một lượng tiền đồng lớn được đưa ra nền kinh tế, việc NHNN liên tục hút ròng qua kênh Thị trường mở (OMO) và Kho bạc Nhà nước (KBNN) đẩy mạnh phát hành trái phiếu ngay trong thời điểm đầu năm góp phần vào việc kiểm soát dòng tiền trong hệ thống. Với kế hoạch huy động 80 nghìn tỷ trong quý 2, khả năng KBNN sẽ hút về gần 150 nghìn tỷ đồng thông qua công cụ Trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong nửa đầu năm 2019.
Từ đây, câu chuyện huy động nhiều nhưng giải ngân thấp vẫn là vấn đề nhức nhối. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm chạp, chỉ đạt trên 15% kế hoạch trong quý I/2019. Lượng tiền gửi của KBNN tại hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục được sử dụng như một công cụ điều tiết thanh khoản thị trường. Tăng trong quý 4/2018 và giảm đột ngột trong quý 1/2019. Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công có thể sẽ tăng từ quý 3 khi các dự án cơ sở hạ tầng lớn đi vào xây dựng và Quốc hội thông qua Luật đầu tư công sửa đổi trong kỳ họp cuối tháng 5 này.