Sức ép của thị trường thế giới gây áp lực điều chỉnh tỷ giá

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại tiếp tục nâng lãi suất (ngày 16/3), phản ứng của thị trường tại Việt Nam nhìn chung vẫn ổn định trong hai ngày qua.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc điều chỉnh tỷ giá để giữ lợi thế cho xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc Fed tăng lãi suất cũng có ảnh hưởng tương tự như những lần trước, đồng USD sẽ mạnh lên và nó ảnh hưởng nhiều đến tâm lý cũng như động thái của thị trường Việt Nam.

Ông Thành dẫn chứng, bối cảnh của nước Mỹ hiện nay đang ổn định và Mỹ sẽ tăng dần lãi suất trong năm, điều này sẽ làm thay đổi cục diện của đồng USD, đồng thời nó làm thay đổi sức mạnh của đồng tiền và là luồng vốn đi ra đi vào.

“Đối với Việt Nam, để ứng xử với những trường hợp như thế này thì phải thay đổi tỷ giá, tức là làm cho VND yếu đi một chút để giữ lợi thế về xuất nhập. ​Cũng có thể chúng ta vẫn chọn theo hướng là giữ đồng USD để tỷ giá ổn định, nhưng như vậy chúng ta sẽ phải tăng lãi suất huy động đối với VND. Tuy nhiên, nếu tăng lãi suất huy động thì nó sẽ ảnh hưởng đến một loạt thị trường khác, đặc biệt là thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Đó là những điều Việt Nam phải chấp nhận,” ông Thành phân tích.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, nếu VND không tăng nhiều so với USD thì hàng xuất khẩu sẽ mất sự cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, ông Hiếu kiến nghị, từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh tỷ giá khoảng 3% để làm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thế giới.

Ông Hiếu lý giải cho kiến nghị của mình, lãi suất tiền gửi bằng USD tại nước ngoài được nâng lên và do đó, có thể có sự chuyển dịch ngoại tệ ra nước ngoài. Chính vì vậy, việc điều chỉnh tỷ giá là cần thiết trong năm nay.

Còn chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực lại phân tích sâu hơn về vấn đề này, theo ông Lực, chắc chắn năm nay tỷ giá chịu áp lực khá nhiều.

Vị chuyên gia này phân tích: Với việc Fed tăng lãi suất USD cũng đã ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá của Việt Nam. Ngoài ra áp lực đối với câu chuyện về lạm phát của Việt Nam cũng tạo áp lực lên tỷ giá vì muốn giữ lạm phát thì phải tăng lãi suất vì giữa lạm phát và lãi suất có sự tác động qua lại nhất định. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều nước đang theo dõi động thái của chính quyền Mỹ và sẽ có những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách về tỷ giá và như vậy cũng sẽ tạo áp lực lên VND.

“Theo tính toán của chúng tôi, nếu chúng ta kiểm soát tốt thì mức độ mất giá của VND cũng vào khoảng từ 2-3%, tôi thấy mức là là hợp lý trong bối cảnh hiện nay vì trong cuộc chiến tranh về tiền tệ ở nhiều nước cũng đã và đang giảm giá tiền. Tất nhiên, chúng ta cần phả tính toán tổng hòa lợi ích của toàn bộ nền kinh tế để quyết định về vấn đề tỷ giá vì đây là vấn đề nhậy cảm chứ không chỉ riêng về lĩnh vực thương mại hay đầu tư,” ông Lực chia sẻ

Ông Lực cũng chia sẻ thêm, dù USD có tăng 2-3% vẫn không có lợi bằng gửi ngân hàng với lãi suất 7%/năm vì gửi tiền tại các ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn và hiệu quả nhất./.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin