Tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế Việt Nam

Trong bối cảnh BĐKH ngày càng gia tăng thì mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực cho 120 triệu người sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

TIN MỚI

Nước mắt Philippines sau siêu bão Haiyan còn đang chảy. Thế giới vẫn chưa quên thảm hoạ sóng thần ở Nhật năm 2011. Nỗi đau nhiều gia đình miền Trung mất người thân, nhà cửa sau những trận bão lũ gần đây vẫn làm nhói tim cả cộng đồng…

Sau mỗi cơn cuồng phong do biến đổi khí hậu gây nên là những nỗi đau thương, mất mát và thiệt hại nặng nề về kinh tế. Nhóm tác giả GS.TS Trần Thọ Đạt (Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân), TS. Đinh Đức Trường, ThS. Vũ Thị Hoài Thu vừa gửi tới chúng tôi bài nghiên cứu mang tên “Tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế Việt Nam”chỉ ra những tác động của thiên tai lên một số ngành/lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế. Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bài nghiên cứu của các tác giả để độc giả cùng theo dõi.

………………………….

1. Tác động của biến đổi khí hậu đến tăng trưởng kinh tế

Xét trên phạm vi toàn thế giới, BĐKH sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và tạo nên các chu kỳ tăng trưởng không bền vững. Sử dụng các mô hình đánh giá hiệu ứng kinh tế toàn cầu, các nghiên cứu chỉ ra rằng, BĐKH sẽ tác động nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng và làm giảm tốc độ tăng trưởng ở các nước chịu tác động mạnh của BĐKH, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ở các nước đang phát triển chịu tác động mạnh nhất của BĐKH sẽ giảm từ 1% đến 2,3%/năm.

Ở Việt Nam, thiên tai đang ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại, từ đó làm mất đi nhiều thành quả của quá trình phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Trong giai đoạn 2002-2010, thiệt hại do thiên tai gây ra trên phạm vi cả nước thấp nhất là 0,14% GDP (năm 2004) và cao nhất là 2% GDP (năm 2006). Tính bình quân trong 15 năm qua, thiên tai đã gây tổn hại khoảng 1,5% GDP hàng năm.

Theo các kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường (năm 2012), đến cuối thế kỷ 21, sự gia tăng 1 m của mực nước biển có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của khoảng 20% dân số và tổn thất có thể lên tới 10% GDP mỗi năm.

Báo cáo kết quả nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương do BĐKH của tổ chức DARA International (năm 2012) chỉ ra rằng, BĐKH có thể làm Việt Nam thiệt hại khoảng 15 tỉ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP. Nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do BĐKH ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Thế giới và Đại học Copenhaghen (năm 2012) cho biết, nếu kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 5,4%/năm trong giai đoạn 2007-2050 thì tốc độ tăng trưởng bị tác động bởi BĐKH (cụ thể là bão) có thể ở mức 5,32% đến 5,39% – tức là tốc độ tăng trưởng có giảm nhưng không đáng kể. Nếu GDP vào năm 2050 của Việt Nam đạt trên 500 tỷ USD thì thiệt hại do BĐKH có thể lên đến khoảng 40 tỷ USD vào năm 2050 – một thiệt hại tương đối lớn về giá trị tuyệt đối và có thể giảm xuống nếu Việt Nam có chính sách ứng phó với BĐKH phù hợp và hiệu quả.

2. Tác động của biến đổi khí hậu đến một số ngành/lĩnh vực chủ chốt

2.1. Tác động của biến đổi khí hậuđến ngành nông nghiệp và thuỷ sản

Hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên như: đất đai, nguồn nước, khí hậu, chế độ thủy văn, nhiệt độ, độ ẩm… nên sẽ là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH ở Việt Nam.

Thứ nhất, tình trạng ngập lụt do nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác trong nông nghiệp. Nếu mực nước biển dâng thêm 1m, ước tính khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Ngập lụt sẽ làm mất đất canh tác ở hai khu vực nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng vì khoảng 80% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và 30% diện tích đồng bằng sông Hồng có độ cao dưới 2,5 m so với mực nước biển. Hiện tại, diện tích đất gieo trồng của Việt Nam là khoảng 9,4 triệu ha (trong đó có 4 triệu ha đất trồng lúa). Tính trên phạm vi cả nước, Việt Nam sẽ bị mất đi khoảng hơn 2 triệu ha đất trồng lúa (khoảng 50%) nếu mực nước biển dâng thêm 1m.

Thứ hai, tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều là những vùng đất thấp so với mực nước biển. Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Ngập mặn sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở đồng bằng sông Cửu Long và ước tính rằng, có khoảng 85% người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cần được hỗ trợ về nông nghiệp.

Thứ ba, nhiệt độ tăng, hạn hán (và thiếu nước tưới) sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất, cụ thể là năng suất lúa của vụ xuân có xu hướng giảm mạnh hơn so với năng suất lúa của vụ mùa; năng suất ngô vụ đông có xu hướng tăng ở đồng bằng Bắc Bộ và giảm ở Trung Bộ và Nam Bộ. Ước tính rằng, năng suất lúa xuân ở vùng đồng bằng sông Hồng có thể giảm 3,7% vào năm 2020 và giảm tới 16,5% vào năm 2070; năng suất lúa mùa sẽ giảm 1% vào năm 2020 và giảm 5% vào năm 2070 nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Mất đất canh tác trong nông nghiệp và năng suất cây trồng suy giảm sẽ đặt ra những thách thức và đe dọa đến đời sống của nông dân, vấn đề xuất khẩu gạo và an ninh lương thực quốc gia đối với một quốc gia mà nông nghiệp đóng vai vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân như Việt Nam: nông nghiệp chiếm 52,6% lực lượng lao động và 20% GDP của cả nước. Dự báo đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng 1m, vựa lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ bị mất đi khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với 40,5% sản lượng lúa của cả vùng. Do đó, Việt Nam sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng vào năm 2100 vì mất đi khoảng 21,39% sản lượng lúa (mới tính riêng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long). Trong một tương lai gần hơn, dự báo đến năm 2020, dân số Việt Nam sẽ đạt khoảng 120 triệu người. Trong bối cảnh BĐKH ngày càng gia tăng thì mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực cho 120 triệu người sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Đối với ngành thuỷ sản, Việt Nam hiện có khoảng 480.000 người trực tiếp tham gia vào đánh bắt; 100.000 người làm việc ở ngành chế biến thủy sản và khoảng 2.140.000 người tham gia vào các dịch vụ nghề cá. Các sinh kế thủy sản, bao gồm đánh bắt và nuôi trồng, là những sinh kế phụ thuộc vào nguồn nước và sự phong phú của nguồn lợi ven biển, nên là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất và dễ bị tổn thương nhất trước tác động của BĐKH.

Nhìn chung, BĐKH có xu hướng làm thay đổi môi trường sống của các loài thuỷ sản, dẫn đến thay đổi trữ lượng các loài thuỷ hải sản do di cư hoặc do chất lượng môi trường sống bị suy giảm; từ đó làm thu hẹp ngư trường đánh bắt, sản lượng đánh bắt và sản lượng nuôi trồng. Kết quả khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2011 cho thấy, các địa phương được khảo sát đều có tỷ lệ lao động đang làm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản khá cao, dao động từ trên 50% đến 90% lực lượng lao động. Do hạn chế về vốn đầu tư và kiến thức/kỹ thuật nên hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân hầu như phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, thời tiết,… Thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây do ảnh hưởng của nước biển dâng, khô hạn, xâm nhập mặn, mưa lũ trái mùa, thay đổi môi trường nước. Thiệt hại về sản lượng nuôi trồng thủy sản ở một số tỉnh, ví dụ như Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau,… đã tăng tới 30-40%/năm.

2.2. Tác động của biến đổi khí hậu đến ngành công nghiệp

Các ngành công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp ven biển, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH:

· Nước biển dâng khoảng 1m vào cuối thế kỷ 21 sẽ làm cho hầu hết các khu công nghiệp bị ngập, thấp nhất là trên 10% diện tích, cao nhất là khoảng 67% diện tích.

· Nguồn nguyên liệu cho công nghiệp, đặc biệt là nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, dệt, may mặc sẽ bị suy giảm đáng kể vì không được tiếp ứng từ các vùng nguyên liệu ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long vốn bị ngập lụt nặng nề nhất ở Việt Nam. Điều này càng gây sức ép đến việc chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp về loại hình công nghiệp, tỷ lệ công nghiệp chế biến, công nghệ cao.

· Nhiệt độ tăng làm tăng tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp: tăng chi phí thông gió, làm mát hầm lò khai thác và làm giảm hiệu suất, sản lượng của các nhà máy điện. Tiêu thụ điện cho sinh hoạt gia tăng và chi phí làm mát trong các ngành công nghiệp thương mại cũng gia tăng đáng kể khi nhiệt độ có xu hướng ngày càng tăng.

· Mưa bão thất thường và nước biển dâng sẽ tác động tiêu cực đến quá trình vận hành, khai thác hệ thống truyền tải và phân phối điện, dàn khoan, đường ống dẫn dầu và khí vào đất liền, cấp dầu vào tàu chuyên chở dầu; làm gia tăng chi phí bảo dưỡng và sửa chữa các công trình năng lượng; ảnh hưởng tới việc cung cấp, tiêu thụ năng lượng, an ninh năng lượng quốc gia.

2.3. Tác động của biến đổi khí hậu đến một số lĩnh vực lao động và xã hội

BĐKH tác động đến lao động, việc làm theo hai xu hướng rõ rệt là: (i)BĐKH làm cho việc làm trong nông nghiệp trở nên bấp bênh hơn, rủi ro hơn và điều kiện làm việc tồi tệ hơn; (ii) BĐKH làm cho một bộ phận lao động phải chuyển đổi việc làm (ví dụ từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ), làm giảm thời gian làm việc, giảm thu nhập và làm tăng lượng lao động di cư của địa phương. Nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (năm 2011) về tác động của BĐKH đến việc làm của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2006-2010 cho thấy, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm giảm tiềm năng tạo việc làm bình quân khoảng 0,22%/năm (tương đương với khoảng 1.400 việc làm mỗi năm bị mất đi).

Tác động của BĐKH đến nghèo đói thường được thể hiện thông qua tác động đến các nguồn lực sinh kế của hộ gia đình có các sinh kế nhạy cảm với khí hậu như nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, … BĐKH sẽ là trở ngại lớn đối với những nỗ lực giảm nghèo của quốc gia và từng người dân. Nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (năm 2011) cho thấy, tại Sơn La, khi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh BĐKH giảm đi 1% thì tỷ lệ nghèo tăng thêm 0,51%; còn ở Hà Tĩnh, khi tăng trưởng kinh tế giảm đi 1% thì tỷ lệ nghèo tăng thêm thêm 0,74%. Nhìn chung, BĐKH sẽ kéo lùi những thành quả về phát triển và giảm nghèo, làm tăng số đối tượng phải được trợ giúp trong ngắn hạn và dài hạn.

2.4. Tác động của biến đổi khí hậu tới hạ tầng kỹ thuật

Hệ thống đê biển: mực nước biển dâng cao có thể làm hệ thống đê biển không thể chống chọi được nước biển dâng khi có bão, dẫn đến nguy cơ vỡ đê trong các trận bão lớn.

Hệ thống đê sông, đê bao và bờ bao: mực nước biển dâng cao làm cho khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, kéo theo mực nước ở các con sông trong nội địa dâng lên, kết hợp với sự gia tăng dòng chảy lũ từ thượng nguồn sẽ làm cho đỉnh lũ tăng lên, ảnh hưởng đến sự an toàn của các tuyến đê sông ở các tỉnh phía Bắc, đê bao và bờ bao tại các tỉnh phía Nam.

Các công trình cấp nước: Mực nước biển dâng làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn của biển vào đất liền, làm cho các tầng nước dưới đất vùng ven biển cũng có nguy cơ bị nhiễm mặn, gây khó khăn cho công tác cấp nước phục vụ sản xuất.

Cơ sở hạ tầng đô thị: Nước biển dâng và triều cường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng các khu đô thị ven biển, gây ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt và các hoạt động sản xuất.

Tác giả:

GS.TS Trần Thọ Đạt

TS. Đinh Đức Trường

ThS. Vũ Thị Hoài Thu

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà nội

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin