Theo các chuyên gia, nhiều nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng vào chính sách tiền tệ nới lỏng, giúp thị trường chứng khoán tăng điểm trong ngắn hạn…
GDP sẽ thấp hơn dự báo
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 8/2021, trong đó, có những số liệu cần quan tâm là: Dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam sẽ đạt khoảng 4,8%; Thặng dư tài khoản vãng lai giảm từ 4,6% xuống 0,5% GDP; Bội chi ngân sách tăng từ 4,7% lên 6% GDP. Như vậy, trong ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam đang có những chỉ số hoàn toàn dưới dự báo so với trước đây.
Hiện rủi ro nợ xấu đang chuyển từ các khu vực kinh tế thực sang khu vực kinh tế tài chính (ảnh: Internet)
Còn trong trung hạn, theo Tổng Cục thống kê, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và WB tổng hợp, tăng trưởng GDP kỳ vọng năm 2022 của Việt Nam sẽ giữ ở mức 6,5%. Tuy nhiên trong năm 2021, Chỉ số cân đối ngân sách thâm hụt 6% GDP và nợ công có xu hướng tăng từ 55% đến 55,3% và lên 58,3% là điều cần chú ý.
Về lĩnh vực bán lẻ hàng hóa dịch vụ so với GDP đang ở mức -17%, đây là mức âm rất cao so với thời điểm làn sóng COVID-19 lần đầu tiên xảy ra vào tháng 4/ 2020. Về lĩnh vực công nghiệp, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam đang trong đà giảm sâu so với các nước Đông Nam Á, trong khi những nước này đang dần phục hồi và tăng trưởng.
Ngoài ra, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số ngành công nghiệp xây dựng IIP tháng 7 là -0,35%, tháng 8 là -7,4%, nếu tháng 9 tiếp tục con số âm thì ngành công nghiệp và xây dựng sẽ có con số âm toàn quý, trong khi ngành này chiếm khoảng 40% GDP. Về dịch vụ, tháng 7 cũng -28%, tháng 8 là -33,7%. Tương tự, nếu tháng 9 nếu tiếp tục âm, thì lĩnh vực chiếm 30% GDP này của Việt Nam cũng có khả năng âm cả quý.
Ông Nguyễn Minh Tuấn
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital phân tích, từ những số liệu cập nhật được sẽ thấy toàn cảnh GDP của Việt Nam trong 8 tháng qua. Đặc biệt, nếu GDP một quý bị âm thì tổng thể nền kinh tế 2021 sẽ đạt được con số thấp so với kế hoạch mà Chính phủ đề ra.
“Tuy nhiên, một điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm vì tác động nghiêm trọng của COVID-19, đó là yếu tố lạm phát của Việt Nam vẫn đang trong mức có thể kiểm soát, dưới 4%. Mặc dù GDP rất đáng quan ngại nhưng riêng phần lạm phát có thể yên tâm phần nào”, ông Tuấn cho biết.
Tác động đến thị trường chứng khoán
Cũng theo vị CEO, khi nhìn vào chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, sẽ xem các chính sách này còn dư địa hay không? Cụ thể, nếu ở các nước khác tăng trưởng tín dụng không bị kiểm soát thì là một câu chuyện khác, nhưng ở Việt Nam tăng trưởng tín dụng đang tăng lên khá nhanh và cao, ở mức 15% của tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của tiền gửi đang tăng cao, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đang không hoạt động sản xuất, kinh doanh mà gửi tiền vào ngân hàng, đây cũng là những điều hoàn toàn phải lưu ý.
Ngoài ra, vấn đề nợ xấu đã tăng dần từ 1,63% trong tháng 12/ 2019 đến 2,14% trong năm 2020, trong khi đó tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lại giảm từ 11,95% xuống còn 11,1%. Nếu Chính phủ tiếp tục bơm tiền ra nền kinh tế thì cần hết sức lưu ý việc các chỉ số nợ xấu cũng như tỷ lệ an toàn vốn gây rủi ro cho khối tài chính trong thời gian tới.
Về chính sách tài khóa, phần ngân sách đang có một số điểm như tốc độ thu và chi ngân sách tuy có vẻ cân bằng, nhưng phần giải ngân đang tập trung vào đầu tư công trình theo kế hoạch đang rất cao. Thực tế, giải ngân chuyển nguồn từ năm 2020 sang năm 2021 lại rất thấp và khi chính sách tiền tệ không đủ dư địa, thì phải tập trung vào chính sách tài khóa để thúc đẩy sự tăng trưởng. Tuy vậy, các yếu tố về kế hoạch cũng như tác động của dịch bệnh khiến hoạt động đầu tư công chỉ thực hiện được 28%. Một số chính sách khác như hoãn nộp thuế, hay phê duyệt có gói hỗ trợ xã hội lần hai trị giá 26.000 tỷ đồng vẫn đang được triển khai,…
“Với tác động của đợt dịch lần thứ tư bùng phát, có ba vấn đề chính cần phải lưu ý đó là:
Thứ nhất, xử lý hệ quả xã hội trong khủng hoảng, khi COVID-19 xảy ra, tác động rất khác nhau đối với từng nhóm ngành, lĩnh vực,cũng như tăng cường sự bất bình đẳng giữa các nhóm trong xã hội.
Thứ hai, rủi ro nợ xấu đang chuyển từ các khu vực kinh tế thực sang khu vực kinh tế tài chính.Nghĩa là chính sách tiền tệ phảilàm sao tác động được đến hai cấu phần bao gồm tăng trưởng số lượng tín dụng sẽ gặp hạn chế,thì chỉ còn cách giảm lãi suất cho vay.
Thứ ba, chính sách tiền tệ cần hết sức cảnh giác với rủi ro tài khóa, vì như số liệu đã nêu, tỷlệ nợ công trên GDP đã tăng đến gần 59%.Trong giai đoạn này, mặc dù đang được kiểm soát nhưng vẫn tồn tại rủi ro”, ông Nguyễn Minh Tuấn khuyến nghị.
Ông Phan Lê Thành Long
Nhận định về thị trường chứng khoán , ông Phan Lê Thành Long, Chuyên gia tài chính cho rằng, trong ngắn hạn, mọi người đang kỳ vọng vào chính sách tiền tệ nới lỏng thêm, giúp thị trường có thể tăng điểm trong vài ba phiên, nhưng xét trong trung hạn, thì chúng ta sẽ không thấy một bức tranh quá sáng sủa.
Theo vị chuyên gia, trong 4 tháng cuối năm, nhà đầu tư cần lưu ý một số ngành sẽ khó có triển vọng bao gồm: Bán lẻ không thuộc loại mặt hàng thiết yếu như vàng bạc đá quý, điện thoại di động, đồ điện tử,… Những ngành nghề liên quan đến chuỗi cung ứng, những doanh nghiệp sản xuất, với việc nguyên liệu đầu vào bị đứt quãng, những doanh nghiệp như dệt may mặc dù đã rất cố gắng nhưng thực sự khó khăn.
Cuối cùng là ngành ngân hàng, bắt đầu từ tháng 8, tháng 9 sẽ bớt lạc quan hơn bởi độ trễ khi phản ánh vào báo cáo tài chính. Đặc biệt là báo cáo tài chính quý 3 sẽ phản ánh được tình trạng nợ xấu cũng như vấn đề khó khăn của nền kinh tế.
“Tuy nhiên, vẫn có một số ngành có dấu hiệu khả quan như chứng khoán, vận tải biển và công nghệ thông tin. Hiện trên thị trường có những mã cổ phiếu đã tăng trưởng về giá quá lớn so với năng lực tạo ra lợi nhuận từ tài sản của công ty. Nhà đầu tư nên ưu tiên vào công ty có chỉ số P/B thấp, giá cổ phiếu chưa tăng quá mạnh, đó là những công ty có cơ hội”, ông Long khuyến nghị.