Tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’: ‘Nếu tôi phá sản, ngân hàng cũng sẽ phá sản’

Robert Kiyosaki có những quan điểm riêng về tiền bạc.

TIN MỚI

Nhà đầu tư, doanh nhân kiêm nhà văn người Mỹ Robert Kiyosaki nổi tiếng với cuốn sách ‘Cha giàu, cha nghèo’; từ lâu đã được coi là người có triết lý riêng biệt về nợ và đầu tư. Mới đây, trong một bài chia sẻ của mình, ông Kiyosaki đã trình bày chi tiết về triết lý nợ, đồng thời nhấn mạnh sự khác biệt quan trọng giữa tài sản và nợ phải trả.

Tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’ cho biết nhiều người dùng nợ để mua nợ, trong khi ông dùng nợ để mua tài sản. Diễn giải cụ thể, ông Kiyosaki lấy ví dụ về những chiếc xe sang của mình. Chúng đều được thanh toán đầy đủ để được coi là tài sản thay vì nợ phải trả.

Cũng trong bài chia sẻ, Kiyosaki cũng bày tỏ sự hoài nghi đối với việc nắm giữ tiền mặt, đồng thời ủng hộ đầu tư vàng, bạc vì đây chính là cách chống lại lạm phát và mất giá tiền tệ.

Tuy nhiên, Kiyosaki từng thừa nhận chiến lược này đã dẫn đến khoản nợ tích lũy 1,2 tỷ USD. Dẫu vậy, ông cho hay mình muốn mắc nợ vì “nếu tôi phá sản, ngân hàng cũng phá sản, đó không phải vấn đề của tôi”.

Cách tiếp cận của ông liên quan đến việc sử dụng nợ một cách khôn ngoan để nâng cao sự giàu có. Nợ tốt giúp tạo dựng sự giàu có, chẳng hạn vay để mua tài sản, kinh doanh hoặc đầu tư. Ông ủng hộ việc sử dụng nợ làm đòn bẩy trong đầu tư, đặc biệt là bất động sản vì đây là cách hiệu quả giúp chúng ta vượt qua những biến động của thị trường.

Chiến lược đầu tư của Kiyosaki rất đa dạng. Ông gọi Bitcoin, vàng. bạc, thậm chí bò Wagyu là tài sản thực – thứ mà ông coi như một hàng rào chống lại sự suy giảm giá trị của đồng USD. Doanh nhân người Mỹ này sẵn sàng tăng lượng vàng nắm giữ ngay cả khi giá sụt giảm. Bạc cũng là một phần quan trọng trong chiến lược đầu tư của ông. Cách tiếp cận nợ và đầu tư của Kiyosaki bắt nguồn từ quan điểm rộng lớn hơn về tài chính và sự giàu có. Ông xem tiền mặt như một hình thức nợ hoặc nghĩa vụ, một công cụ có thể được sử dụng để thu thập tài sản và tạo ra của cải.

Mặc dù các quan điểm trên mang lại nhiều thành công cho Kiyosaki, song đôi khi chúng cũng khiến ông khốn đốn. Đơn cử nhất là những rắc rối tài chính vào năm 2012 – thời điểm Kiyosaki nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Được biết, ‘Rich Dad, Poor Dad’ (Cha giàu, cha nghèo) là một trong những tác phẩm về tài chính cá nhân bán chạy nhất trên toàn thế giới. Cuốn sách không dạy bạn cách làm giàu, song sẽ đưa ra cái nhìn khách quan về sức mạnh của đồng tiền cũng như tác động của tư duy, suy nghĩ mỗi cá nhân.

Thông qua những trang sách, Robert Kiyosaki nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân biệt và hiểu rõ tài sản và tiêu sản. Tài sản là những thứ đem lại tiền cho bạn còn tiêu sản thì ngược lại, khiến bạn phải chi nhiều tiền hơn.

Nhiều người không phân biệt được điều này, và do đó, cột tài sản ngày càng giảm, trong khi tiêu sản lại tăng lên. Chính điều này đã dẫn đến bi kịch của tầng lớp trung lưu, khi nguồn thu nhập duy nhất chỉ đến từ tiền lương.

Theo: BI

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin