Một cuộc chiến giá cả khi cầu sụt giảm không phải là “công thức” cho sự ổn định của dầu, và thật khó để thấy được người thắng cuộc trong cuộc chiến này.
Giá dầu đã hứng chịu đợt sụt giảm lớn nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 khi Mỹ tiến hành các cuộc công kích quân đội Iraq.
Sự sụt giảm hôm 9/3 đã khiến cho các thị trường vốn đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch virus Covid-19 nay lại càng hoảng loạn hơn. Dầu thô Brent đã giảm 22%, giao dịch cuối ngày 9/3 ở mức 35,45 USD/thùng. Dầu của Mỹ giao dịch ngày 9/3 ở mức 33,15 USD/thùng, giảm gần 20%.
Tại sao giá dầu giảm?
Ả Rập Xê Út, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã phát động cuộc chiến giá cả vào cuối tuần qua. Động thái này diễn ra sau thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm ổn định giá dầu giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), dẫn đầu là Ả Rập Xê Út và Nga đã thất bại.
OPEC và nước đồng minh là Nga, cùng nhau thành lập liên minh được gọi là OPEC+ vào năm 2016 sau khi giá dầu giảm xuống mức 30 USD/thùng. Kể từ đó, hai nhà xuất khẩu hàng đầu đã cắt giảm nguồn cung 2,2 triệu thùng/ngày. Ả Rập Xê Út muốn tăng con số đó lên 3,6 triệu thùng cho đến năm 2020.
Nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không còn quá nhiều hứng thú với việc cắt giảm sản lượng để ổn định giá cả và cho rằng chính sách hạn chế nguồn cung đã tạo thêm cơ hội cho các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ mở rộng thị phần. Đáng chú ý, thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại giữa OPEC và các đồng minh sẽ kết thúc vào cuối tháng 3. Không có thỏa thuận mới nào đạt được sự đồng thuận, đồng nghĩa với việc tất cả các quốc gia đều có khả năng trở lại sản xuất như bình thường, khiến tình trạng dư cung càng thêm nặng nề.
Tại sao Ả Rập Xê Út lại phát động cuộc chiến giá cả?
Tại cuộc họp giữa OPEC và Nga ở Vienna vào ngày 06/03, theo các nguồn tin tham dự cuộc họp trả lời CNN Business, sau khi Nga tuyên bố sẽ từ bỏ liên minh, Ả Rập Xê Út cảnh báo rằng Nga sẽ hối hận về quyết định này.
Trong động thái đáp trả Nga vào cuối tuần qua, Ả Rập Xê Út đã quyết định giảm giá từ 6 – 8 USD/thùng dầu cho các khách hàng ở châu Á, châu Âu và Mỹ. Quốc gia này cũng lên kế hoạch tăng sản lượng dầu thô trên 10 triệu thùng/ngày vào đầu tháng 4 sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC kết thúc, bất chấp tình hình kinh tế thế giới suy thoái và nhu cầu dầu thô sụt giảm.
Tuyên bố này được coi là dấu hiệu cho một cuộc chiến giá cả sau khi Ả Rập Xê Út và Nga không thể thống nhất về một thỏa thuận mở rộng sản lượng dầu mỏ cắt giảm. Chiến lược tăng sản lượng gây sốc của Ả Rập Xê Út được đưa ra trong nỗ lực gây ra tổn thất lớn nhất và nhanh nhất đến Nga cũng như nhiều nước sản xuất năng lượng khác trên thế giới nhằm buộc các nước này quay trở lại bàn đàm phán, đảo chiều chính sách tăng sản lượng và cắt giảm sản lượng, nếu có thể đạt được một thỏa thuận giữa các bên.
Giới phân tích cho rằng việc Nga từ chối cắt giảm sản lượng là để gây áp lực gia tăng lên các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ vốn cần giá dầu cao để tồn tại. Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu số một trên thế giới và dự kiến sẽ sản xuất khoảng 13 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên của năm nay. “Nga hàm ý rằng mục tiêu chính là những nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Tuy nhiên, sự công kích như thế sẽ thất bại nếu như giá dầu không duy trì ở mức thấp trong thời gian dài”, CNN dẫn phân tích của Công ty tư vấn năng lượng FGE (Anh).
Covid-19 đã gây ra những gì với giá dầu?
Virus Covid-19 đã làm suy yếu nhu cầu năng lượng trên toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi hiện là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới với mức tiêu hao khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày.
Các nhà máy đã không hoạt động và hàng ngàn chuyến bay bị hủy trên toàn thế giới kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán trở thành đại dịch toàn cầu.
Hôm 9/3, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu về dầu của thế giới sẽ giảm khoảng 90.000 thùng/ngày trong năm nay và là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Đâu là những quốc gia sẽ bị thiệt hại nhiều nhất?
Một cuộc chiến giá cả khi cầu sụt giảm không phải là “công thức” cho sự ổn định của dầu. Thật khó để thấy được người thắng cuộc: các nước sản xuất dầu lớn sẽ mất tiền bất kể rằng họ có thể lấy lại thị phần. Nga tuyên bố giảm giá vì ngân sách hàng năm của họ dựa trên mức giá trung bình khoảng 40 USD/thùng. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã buộc nó phải trở nên hiệu quả hơn.
Các quốc gia vùng Vịnh sản xuất dầu với chi phí thấp nhất – ước tính khoảng 2 – 6 USD/thùng ở Ả Rập Xê Út, Kuwait và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất – nhưng do chi tiêu chính phủ cao và trợ cấp cho công dân, họ cần một mức giá trong khoảng 70 USD/thùng hoặc cao hơn để cân bằng ngân sách của họ.
Các quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ đã phải chịu đựng nhiều năm xung đột, nổi dậy hay trừng phạt là những nước phải trả giá đắt nhất, như Iraq, Iran, Libya và Venezuela. Và Mỹ cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng này. Sự bùng nổ dầu đá phiến đã mang lại một cơn gió cho nền kinh tế của một số bang, và việc sụt giảm mạnh trong giá dầu sẽ làm tổn thương các công ty dầu mỏ.
Liệu sự sụt giảm này có tác động đến người tiêu dùng?
Các quốc gia nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Đức sẽ được xoa dịu từ những hóa đơn năng lượng rẻ hơn.
Và người tiêu dùng nói chung được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm và kết quả là giá xăng tại các máy bơm cũng sẽ giảm, đặc biệt là tại thị trường Mỹ – thị trường bán lẻ phản ứng một cách trực tiếp với nguồn cung và cầu. Thuế và phụ phí chiếm tỷ trọng cao hơn trong giá máy bơm ở châu Âu, do đó ở đây sẽ nhìn thấy hiệu quả thấp hơn.
Và sau đó, tác động của cuộc chiến giá cả này sẽ xảy ra đối với các nhà sản xuất dầu và ngành nghề về năng lượng của Mỹ ở các bang như Texas, Louisiana, Oklahoma, New Mexico và North Dakota, nơi mà đã “tận hưởng” sự bùng nổ của những ngành nghề này trong suốt thập kỷ qua.
Tham khảo: CNN