Tại sao tỷ giá lại biến động mạnh?

Hiện tượng găm giữ USD ở quy mô lớn sẽ không diễn ra, bởi mức điều chỉnh tỷ giá nếu có vẫn nhỏ hơn so với mức lãi suất tiết kiệm và mọi người không biết cụ thể khi nào tỷ giá được điều chỉnh.

Mấy ngày gần đây, tỷ giá USD ở Việt Nam đang có diễn biến theo chiều hướng tăng khá mạnh. Theo thống kê, tính từ thời điểm sáng ngày 1/10 tới nay (tức chiều ngày 3/10), tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng đã tăng khoảng 50 – 60 đồng – mức tăng mạnh hiếm thấy… Xoay quanh biến động này chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến như sau:

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Độ – Viện khoa học tài chính: Những biến động về tỷ giá trong mấy ngày gần đây, về cơ bản, là phản ứng của thị trường trước phát biểu của Thống đốc NHNN về khả năng điều chỉnh tỷ giá ở mức 1-1,43% trong năm nay. Phản ứng này, xét trên một số khía cạnh, có tính hợp lý bởi:

Thứ nhất, người phát biểu là Thống đốc NHNN nên có độ tin cậy rất cao.

Thứ hai, mức điều chỉnh tối đa 0,43% (tháng 6/2014 đã điều chỉnh 1%) trong khoảng từ nay đến cuối năm là không lớn và không ảnh hưởng nhiều đến sự ổn định của thị trường tiền tệ, nhất là khi hiện nay các NHTM đang rất dồi dào về thanh khoản.

Thứ ba, trong bối cảnh tổng cầu trong  nước, nhất là cầu đầu tư, còn chưa mạnh (vẫn ở dưới mức tăng trưởng tiềm năng), việc điều chỉnh tỷ giá ở mức độ vừa phải để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu là hợp lý xét trong tương quan với các chi phí khác như ảnh hưởng đến khả năng trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp.

Thứ tư, điều chỉnh nhẹ tỷ giá cũng giúp giảm bớt kỳ vọng VND sẽ bị mất giá trong tương lai, tạo điều kiện cho sự ổn định tỷ giá trong dài hạn. 

Tuy nhiên, chúng ta cần phải thấy rằng, tỷ giá đang hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN. Với việc lạm phát thấp, cán cân thương mại và cán cân thanh toán thặng dư, nếu NHNN không mua USD nữa, VND sẽ lên giá, nhưng khả năng này không lớn, vì khu vực sản xuất trong nước đang gặp nhiều khó khăn. 

Với những phân tích ở trên, khả năng tỷ giá được điều chỉnh 0,43% trong khoảng từ nay đến cuối năm là rất lớn.

Tuy nhiên, hiện tượng găm giữ USD ở quy mô lớn sẽ không diễn ra, bởi mức điều chỉnh này vẫn nhỏ hơn so với mức lãi suất tiết kiệm và mọi người không biết cụ thể khi nào tỷ giá được điều chỉnh.

Công ty chứng khoán SHS: Chúng tôi cho rằng giá USD tăng khá mạnh vài ngày trở lại đây có thể xuất phát từ một số nguyên nhân: 

Theo chu kỳ thì cuối năm lượng hàng nhập khẩu sẽ tăng kéo theo nhu cầu về ngoại tệ tăng theo.

Bên cạnh đó, NHNN cho biết năm nay nếu có điều chỉnh tỷ giá thì cũng chỉ từ 1% – 1,43%, như vậy trong giai đoạn còn lại nếu điều chỉnh thì sẽ khoảng 0,43%.

Chính do 2 yếu tố này nên có thể một số đối tượng có nhu cầu về ngoại tệ tranh thủ mua trước để đề phòng trường hợp điều chỉnh tỷ giá dẫn đến cầu gia tăng.

Về tác động, chúng tôi cho rằng đây chỉ là sự biến động trong ngắn hạn và mức độ cũng không lớn hơn nữa với việc cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng lên mức cao (35 tỷ USD) thì NHNN có khả năng và sẽ sớm có động thái can thiệp để bình ổn tỷ giá do vậy không đáng lo ngại.

Ông Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia: Tôi cho rằng, đợt biến động tỷ giá lần này không có gì đáng lo ngại. Giá USD biến động trong vài ngày trở lại đây có thể do tâm lý của người dân trước việc Thống đốc NHNN nói sẽ nới biên độ tỷ giá trong năm năm nay.

Tuy nhiên, trên thực tế thì nhu cầu của thị trường vẫn bình thường, các ngân hàng vẫn thừa ngoại tệ và bán nhiều cho ngân hàng nhà nước.

Đặc biệt, các yếu tố cơ bản như: Cán cân thanh toán, xuất nhập khẩu, xuất siêu, kiều hối, đặc biệt là dự trữ ngoại hối vẫn đang tăng lên từng ngày.

>>> USD ngân hàng tiếp tục tăng mạnh lên 21.330 đồng


Khánh Nhi

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin