Dự trữ ngoại hối tăng đang khiến dư luận lo ngại liệu lạm phát có quay lại.
Bởi mô hình kinh tế Việt Nam chưa phát triển bền vững, đồng thời trước nhiều dự báo về tỷ giá đã làm nhiều người băn khoăn thời gian tới sẽ diễn biến như thế nào. TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ của Chính phủ, chia sẻ vấn đề này với chúng tôi.
PHÓNG VIÊN: –Thưa ông, ông nhận định thế nào về dự trữ ngoại hối của Việt Nam?
–TS. LÊ XUÂN NGHĨA: –Thời điểm 2011, kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ khủng hoảng: lạm phát ở mức cao 18%, lãi suất trên 20%/năm; khả năng thanh toán của các NHTM rất yếu; nợ xấu bộc lộ với con số rất lớn khiến các nhà hoạch định chính sách choáng váng. Thị trường bất động sản đóng băng, suy giảm mạnh và có nguy cơ sụp đổ.
Đặc biệt, đầu năm 2011, tỷ giá hối đoái biến động mạnh, chúng ta đã phải điều chỉnh đến 9% và cả năm 2011 điều chỉnh tổng cộng 10%. Dự trữ ngoại tệ sụt giảm mạnh từ 23 tỷ USD năm 2008 xuống còn 7 tỷ USD.
Thời điểm này Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo dự trữ ngoại tệ của Việt Nam không đủ để trang trải khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp cũng như NHTM đối với nước ngoài. Đặc biệt, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam thâm hụt rất lớn. Nền kinh tế thực sự bước vào một giai đoạn tăng trưởng thấp. Tôi đánh giá cao việc chống lạm phát nhưng tăng được dự trữ ngoại hối của NHNN.
Thời điểm 2007, NHNN chỉ mua được trên thị trường 10 tỷ USD. Lần này, NHNN mua gấp đôi số đó nhưng không làm lạm phát tăng lên mà kéo xuống 7% bởi NHNN đã đưa ra các công cụ chính sách tiền tệ để điều hòa lượng tiền VNĐ cung ứng khi mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, nhìn vào lạm phát để bơm hút. Do vậy, tăng dự trữ ngoại hối không gây áp lực lên lạm phát và không ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá.
– Chủ trương chống đô la hóa được khởi động thập niên 80 và kéo dài cho đến nay. Ông có thể cho biết hiện nay chống đô la hóa nền kinh tế được thực hiện ra sao?
– Những năm qua, Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng vàng hóa và đô la hóa nền kinh tế. Hiện nay, về cơ bản đã chống được vàng hóa và chúng ta cũng sẽ chống đô la hóa tương tự chống vàng hóa. Lộ trình chống đô la hóa kéo dài đến năm 2020.
Chính phủ đã bắt tay thực hiện thông qua việc tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ, giảm tỷ lệ trạng thái vàng của NHTM từ ±30% xuống còn ±20%, đưa ra danh mục không được phép cho vay ngoại tệ và đề nghị giảm lãi suất huy động tiền gửi bằng ngoại tệ đối với cá nhân và doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu năm 2017-2018 không còn tiền gửi ngoại tệ và cho vay ngoại tệ trong hệ thống NHTM Việt Nam, chính thức đoạn tuyệt với tình trạng đô la hóa kéo dài suốt 30 năm qua.
–Nhiều dự báo đến cuối năm 2013 tasẽ phá giá VNĐ 1-2%, nếu vậy sẽ có lợi thế gì khi áp lực, nhu cầu không lớn?
– Các dự báo phá giá VNĐ cũng chỉ là dự báo. Tuy nhiên, khi tính toán tỷ giá thực hợp lý, so sánh VNĐ với 23 đồng tiền Việt Nam có quan hệ thương mại, 23 đồng tiền chiếm 91% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam thì vào năm tới phải phá giá 1%.
Đồng thời, chúng ta cũng cần đề phòng năm tới lãi suất của Hoa Kỳ sẽ tăng lên và USD cũng tăng giá. Vì vậy, ra dự báo sẽ phá giá VNĐ khoảng 2%. Còn lợi ích của việc phá giá có thể nhìn rõ là Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn rất nhiều lần đề xuất tăng tỷ giá để có lợi cho xuất khẩu, bởi xuất khẩu chủ yếu của nước ta là nông nghiệp, tiếp đến là các ngành chế biến, chế tạo, dệt may.
Đương nhiên nới lỏng tỷ giá sẽ có lợi cho xuất khẩu. Nhưng nước ta đang trong giai đoạn chống lạm phát, nên sợ rằng nâng tỷ giá hối đoái, cộng với việc kinh tế thế giới phục hồi, lạm phát thế giới tăng, Việt Nam sẽ nhân đôi hiệu ứng nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài vào, khiến công cuộc chống lạm phát gặp trở ngại lớn. Đó là điều Chính phủ và NHNN rất cân nhắc.
Nhưng tôi nghĩ đối với vấn đề này nên “dĩ nhất biến, ứng vạn biến”, cứ ổn định rồi tính dần. Trong trường hợp tốt có thể tăng lên một chút để có lợi cho xuất khẩu. Còn trong trường hợp không tốt nên để ổn định trước đã.
– Xin cảm ơn ông.
Theo Đỗ Linh