Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: “Hiện nay tiền lương chưa trở thành động lực, chưa kích thích được người lao động làm việc, đặc biệt là khối làm công ăn lương nhà nước”
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng với hai phương án tăng: Phương án thứ nhất: Nếu điều chỉnh từ ngày 1/7, Bộ kiến nghị tăng 10%.
Phương án thứ 2: Nếu điều chỉnh từ 1/1/2022, mức tăng kiến nghị là 15%. Nếu chính sách này được thông qua sẽ có khoảng 426 nghìn người thuộc 8 nhóm thụ hưởng, gồm công chức, viên chức, người lao động; quân nhân; công an…Chúng tôi trao đổi với ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.
PV: Thưa ông! Đang có nhiều ý kiến khác nhau về 2 phương án tăng lương hưu và trợ cấp xã hội của Bộ LĐTH&XH là tăng 10% từ đầu tháng 7 năm nay và tăng 15% từ đầu năm tới. Ông thiên về phương án nào?
Ông Sinh: Chúng ta muốn xây dựng thị trường lao động thì tiền lương ít nhất phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động. Cả năm ngoái, chúng ta không tăng và chỉ số CPI của chúng ta là gần 4%. Năm nay, chỉ số này khoảng 4% nữa thì đã mất 8% trong 2 năm rồi. Vậy chúng ta tăng thì phải là phương án tăng cao 15% để ít nhất bù được trượt giá. Nhu cầu con người luôn luôn tăng. Tăng thấp thì người ta sống bằng cái gì?
PV: Một số ý kiến cho rằng mức tăng như vậy là còn khiêm tốn, nhất là trong bối cảnh hậu đại dịch ở nước ta, đời sống của nhiều người rất khó khăn. Quan điểm của ông như thế nào về nhận định này?
Ông Sinh: Hiện nay chúng ta có 2 khu vực tăng lương. Một là tăng lương đối với khu vực sản xuất thì có lương tối thiểu vùng. Hai là tăng lương đối với khu vực làm công ăn lương của nhà nước. Rõ ràng chúng ta phải tiến hành song song với nhau. Tôi vẫn nói rằng phải có 2 phần tăng là tăng để bù đắp phần trượt giá, tức là để giữ được tiền lương thực tế. Hai nữa, khi năng suất lao động tăng thì lương phải được cải thiện. Cái này là xu hướng chung. Ai cũng muốn được cải thiện nhiều hơn thì rõ ràng phải tăng lương cho người ta.
PV: Thực tế cho thấy, với mức lương chung hiện nay, nhiều người lao động đang có cuộc sống khá chật vật. Theo ông, chính sách tiền lương nên thay đổi như thế nào để người lao động có thể “sống bằng đồng lương”?
Ông Sinh: Tôi cho rằng, quan trọng nhất là chúng ta phải cải cách hệ thống tiền lương, chứ như hiện nay tiền lương chưa trở thành động lực, kích thích đối với người lao động, đặc biệt là khối làm công ăn lương nhà nước. Một người học đại học ra đi làm, lương hệ số 2,34 thì có sống được không? Tôi nghĩ là không. Rõ ràng chúng ta phải có cải cách. Ai cũng muốn năng suất lao động cao hơn mà tiền lương như thế thì có thu hút được không? Rõ ràng là không. Chúng ta phải có lộ trình. Chúng ta có Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, lẽ ra năm 2021 chúng ta có chính sách cải cách toàn diện nhưng bây giờ chúng ta đã làm đâu. Quá chậm!
PV: Xin cảm ơn ông!./.