Bên cạnh dự trữ ngoại hối kỷ lục, thành công nữa của NHNN được nhiều người nhắc tới là việc tăng được tỷ giá mua ngoại tệ mà có một mục tiêu quan trọng là để hỗ trợ XK. Nhưng có thực sự như vậy?
Ngay đầu tuần này (ngày 14/7), NHNN bất ngờ nâng giá mua ngoại tệ tại Sở Giao dịch lên tới 21.200 đồng/USD (tăng gần 100 đồng/USD), duy trì giá bán ra ở mức 21.400 VND/USD để “đỡ” tỷ giá không giảm thêm.
Trước đó gần 1 tháng, ngày 18/6, NHNN đã quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD, tương ứng tăng thêm 1% sau gần 1 năm “neo” tỷ giá.
Tỷ giá VND/USD niêm yết tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank… cũng quanh quẩn mức 21.035 – 21.036 đồng/USD (mua vào – bán ra), chỉ chênh lệch đúng 1 đồng so với giá của NHNN.
Tăng tỷ giá có lợi cho ai?
Tăng tỷ giá là một mục tiêu hoạt động của ngành ngân hàng. Năm 2013, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng cam kết tỷ giá tăng không quá 2% và thực tế đã hoàn thành nhiệm vụ ấy.
Bước sang năm 2014, Thống đốc tiếp tục cam kết tỷ giá sẽ không tăng quá 2% và quyết định tăng 1% vừa qua là lần đầu tiên NHNN tiến hành điều chỉnh tỷ giá của năm 2014.
Có thực tế là tỷ giá ngoại tệ nhiều năm qua thường được tăng đều đặn và tăng “theo kế hoạch” – ngược lại với đà giảm tỷ giá nhất thời, không theo kế hoạch – là để hỗ trợ XK, các doanh nghiệp (DN) XK.
Đó là cách giải thích của nhà điều hành mỗi lần tỷ giá “nhúc nhích” từ 1 – 2%, được khá nhiều chuyên gia, DN tán thành, thậm chí còn yêu cầu tỷ giá phải được điều chỉnh ở biên độ cao hơn.
Những ngành hàng chủ lực của Việt Nam như XK thủy sản, gạo, cafe, cao su… mong muốn tỷ giá được điều chỉnh tăng ở mức 3 – 5%/năm để gia tăng lợi nhuận hoạt động đến mức cao nhất có thể.
Tuy nhiên, cách giải thích ấy có thể là một chiều về “thành tích” tăng tỷ giá của NHNN. Khi tỷ giá ngoại tệ tăng, các DN XK sẽ được thêm lợi nhuận, nhưng ngược lại, họ sẽ phải mất nhiều VND hơn để mua USD phục vụ nhập khẩu (NK) nguyên vật liệu, thiết bị…
Khi cán cân XNK của Việt Nam là tương đối cân bằng, thì việc tăng tỷ giá không có nhiều ý nghĩa. Nói cách khác, tăng tỷ giá để hỗ trợ XK cũng không khác gì “móc túi” DN NK để làm lãi cho DN XK.
Còn chưa rõ DN XK sẽ có phần lãi từ chênh lệch tỷ giá cao hơn chi phí tăng thêm hay không? Qua nhiều đợt tăng tỷ giá, đến giờ, chưa có báo cáo nào của cơ quan chuyên trách đánh giá tác động của việc tăng tỷ giá tới kết quả kinh doanh của DN, trong khi thực tế có khá nhiều DN bị lỗ nặng vì chênh lệch tỷ giá. Đó là mặt trái của câu chuyện tỷ giá mà ít người chú ý tới.
Xem ra, để hỗ trợ XK, công cụ của NHNN không phải là nhiều. Nhưng vì sao hoạt động NK – chủ yếu là NK nguyên liệu – không được hỗ trợ cũng bằng chính sách tỷ giá, hoặc giá USD rẻ thì lại không thấy ai – bao gồm cả NHNN – đề cập tới?
>> Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Nếu không có kiều hối…
Theo Thu Hằng