Tăng tỷ giá là điều tất yếu

Trong bối cảnh USD mạnh lên, việc neo tỷ giá VND vào USD rõ ràng là một việc làm dại dột vì làm ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam, trong khi các nước khác đều hoặc là chủ động phá giá bản tệ hoặc là chấp nhận để bản tệ bị phá giá.

Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD tăng thêm 1% – lần điều chỉnh đầu tiên trong vòng 6 tháng.Với biên độ điều chỉnh + 1%, tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD mới là 21.458 VND/USD.

Trước đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được duy trì trong suốt một thời gian dài ở mức 21.246 VND/USD, một mức xem ra được hình thành mà không dựa trên bất cứ cái gì ngoài ý muốn chủ quan của NHNN, đơn giản vì nó luôn ở mức này, bất kể thị trường trồi sụt thế nào (có lẽ nó chỉ có chức năng như một mốc tham chiếu để hình thành biên độ biến động giá trần và sàn theo định hướng).

Trong khi đó, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng được duy trì ở mức cao hơn, nhưng cũng lại gây sự chú ý khi gần như đi ngang, thành một đường thẳng, ở mức sát trần cho phép, bất chấp thực tế là tỷ giá thị trường tự do đã vọt lên mức cao hơn nhiều (ở mức trên 21.600). Điều này làm người ta buộc phải nghi ngờ rằng tỷ giá niêm yết đó cũng chỉ để cho có, chứ còn việc mua và bán USD trên thực tế hoặc là không diễn ra (người có USD không muốn bán, người cần USD lại không mua được với tỷ giá bị khống chế này), hoặc là lại dựa vào một tỷ giá thỏa thuận ngầm gần sát với tỷ giá trên thị trường tự do.

Bởi vậy, đợt tăng tỷ giá mới này là điều tất yếu và tích cực, phản ánh gần sát hơn cán cân cung cầu trên thị trường ngoại hối đang nghiêng về phía cầu. Điều đáng nói còn lại chỉ là thời điểm và mức độ.

Về thời điểm, tại sao NHNN lại chọn thời điểm ngay đầu năm này để phá giá, trong khi mới trước đó không lâu, quan điểm ổn định tỷ giá (thậm chí là không cần phá giá) vẫn thắng thế, và tỷ giá biến động nhỏ còn được ca ngợi là một thành công, một điểm sáng trong điều hành của NHNN?

Lý do đầu tiên có thể nghĩ đến là chuyện thành tích. NHNN rõ ràng đã thấy áp lực phải phá giá hơn nữa sau đợt phá giá 1% hồi tháng 6/2014, đặc biệt là trong quý 4, với tỷ giá đã nhiều lần áp sát và kịch mức trần. Nhưng trước đó, do NHNN luôn khẳng định không có lý do gì để phá giá, không cần phá giá, với hàng loạt dữ liệu cụ thể minh chứng rất hùng hồn cho lập trường của mình, nên một đợt phá giá mới, dù là nhỏ, sẽ là điều có hại cho uy tín của, cho lòng tin vào NHNN, làm tiêu tan thành tích “ổn định vĩ mô” của họ. 

Do đó, lựa chọn thời điểm sang năm mới, sau khi đã rào trước đón sau rằng năm 2015 cũng có thể phá giá, là một lựa chọn khá khôn ngoan của NHNN, khi vừa kịp thời giải tỏa được một phần áp lực phá giá đang tăng cao, vừa tiếp tục cho thị trường thấy rằng họ vẫn đang đi đúng, thực hiện đúng định hướng của mình đề ra từ đầu (không phá giá quá 2% trong năm 2014).

Lý do thứ hai có thể có đằng sau đợt tăng tỷ giá lần này là diễn biến bất ngờ về tỷ giá của các ngoại tệ mạnh trên thị trường ngoại hối quốc tế. Đồng USD đã đột ngột mạnh lên đáng kể so với các đồng tiền chủ chốt khác trong thời gian gần đây do nền kinh tế Mỹ tiếp tục khởi sắc ngoài dự đoán trong khi châu Âu và Nhật tiếp tục tăng trưởng trì trệ và buộc phải (cân nhắc) dùng đến các gói kích thích, nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương. 

Trong bối cảnh USD mạnh lên đáng kể như vậy, việc neo tỷ giá VND vào USD rõ ràng là một việc làm dại dột vì làm ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam, trong khi các nước khác đều hoặc là chủ động phá giá bản tệ (để bản tệ yếu đi so với USD), hoặc là chấp nhận để bản tệ bị phá giá. Trên ý nghĩa này, việc phá giá VND thêm một lần nữa cho thấy là việc tất yếu và tích cực.

Hai lý do trên và bản thân việc phá giá lần này cũng cho thấy những căn cứ mà NHNN cũng như của nhiều người đưa ra để chứng minh rằng không cần phải phá giá, phá giá không có lợi, không có lý do gì để phá giá v.v… thực ra chẳng có giá trị gì, hoặc không xác đáng, không đúng vấn đề.

Về mức độ phá giá 1%, có thể thấy đây là một bước đi mang tính thận trọng, để đảm bảo nó không gây ra một cơn hoảng loạn như đã từng xảy ra vài năm trước đây khi NHNN phá giá tới 9%. Mức độ này cũng là hợp lý nếu xét đến định hướng phá giá của NHNN không quá 2% trong năm nay.

Nhưng cũng ngay ở định hướng phá giá không quá 2% này ta có thể thấy một bất ổn lớn ở đây. NHNN đã tự trói mình bằng cái định hướng và định mức phá giá này. Ngay đầu năm đã dùng hết 1% trong room cho phép phá giá là 2%, vậy điều gì làm NHNN có thể chắc chắn và tự tin khẳng định rằng từ nay đến cuối năm (hơn 11 tháng nữa!), nếu có phải phá giá thì họ cũng sẽ chỉ cần phá không quá thêm 1% nữa là đủ để lập lại cân bằng cung cầu USD và ổn định tỷ giá?

Do đó, như người viết đã đề cập đến đôi lần, trong bối cảnh nhiều bất trắc, nhiều biến cố không thể dự đoán được, một lập trường chính sách tỷ giá khôn ngoan phải là một lập trường có lối thoát, không để thị trường dự đoán được và đi trước chính sách tỷ giá của NHNN. Xét trên khía cạnh này, việc bất ngờ phá giá ngay từ đầu năm này là điều đáng hoan nghênh khi nó tạo bất ngờ cho thị trường, tránh được đầu cơ nhưng cũng đồng thời tránh được hoảng loạn. 

Nhưng điều cần tránh lặp lại, và cần sửa sai ngay sau đây là NHNN bằng cách nào đó rút lại hoặc làm nhẹ đi cái định hướng không phá giá quá 2% nói trên, chỉ để ngỏ cho thị trường thấy rằng NHNN sẵn sàng điều chỉnh linh hoạt tỷ giá theo biến động của thị trường và các cân đối vĩ mô khác (và không đưa ra bất cứ định hướng nào bằng con số, như cách làm của các ngân hàng trung ương khác trên thế giới).


TS Phan Minh Ngọc

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin