Theo công ty quản lý đầu tư hàng đầu nước Mỹ, một cuộc suy thoái sắp xảy ra nhưng các ngân hàng trung ương lần này sẽ không thể hỗ trợ thị trường bằng cách nới lỏng chính sách.
Theo tập đoàn quản lý đầu tư BlackRock, một cuộc suy thoái trên toàn thế giới sắp xảy ra, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất để chế ngự lạm phát. Lần này, cuộc suy thoái sẽ gây ra nhiều bất ổn thị trường hơn bao giờ hết.
Theo nhà quản lý tài sản hàng đầu thế giới, nền kinh tế toàn cầu đã rời khỏi kỷ nguyên tăng trưởng và lạm phát ổn định trong suốt 4 thập kỷ để bước vào thời kỳ bất ổn gia tăng.
Điều đó có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách sẽ không còn có thể hỗ trợ thị trường nhiều như cách họ đã làm trong các cuộc suy thoái trước đây. Dự đoán này được một nhóm các chiến lược gia BlackRock do phó chủ tịch Philipp Hildebrand dẫn đầu viết trong báo cáo có tiêu đề Triển vọng Toàn cầu 2023.
Các chuyên gia viết: “Suy thoái kinh tế được cảnh báo trước khi các ngân hàng trung ương chạy đua để cố gắng chế ngự lạm phát. Điều đó trái ngược với các cuộc suy thoái trong quá khứ. Lần này, các ngân hàng trung ương sẽ không lao vào giải cứu khi tăng trưởng chậm lại, trái ngược với những gì mà các nhà đầu tư mong đợi. Định giá cổ phiếu chưa phản ánh được thiệt hại phía trước”.
Theo BlackRock, triển vọng hỗ trợ chính sách bị hạn chế đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư cần các phương pháp năng động hơn. Chẳng hạn như thay đổi danh mục đầu tư thường xuyên hơn và có cái nhìn chi tiết hơn về các ngành, lĩnh vực và các loại tài sản khác, để đối phó trước những biến động sắp tới.
Các chiến lược gia cho biết: “Những gì hiệu quả trong quá khứ sẽ không còn hiệu nghiệm ở hiện tại”. Lý thuyết bắt đáy không thể áp dụng được trong giai đoạn nhiều biến động vĩ mô hơn. Các chuyên gia không nhìn thấy những điều kiện giúp duy trì “thị trường bò” như những gì họ đã trải qua trong thập kỷ trước.
Các ngân hàng đầu tư Phố Wall, từ Morgan Stanley, Bank of America đến Deutsche Bank đã cảnh báo rằng chứng khoán Mỹ có thể giảm hơn 20% vào năm 2023. Nguyên nhân là do suy thoái kinh tế và rủi ro thanh khoản khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất. CEO David Solomon của Goldman Sachs nhận định nền kinh tế Mỹ chỉ có 35% cơ hội tránh được suy thoái.
Theo BlackRock, thị trường nhà ở chậm lại, các kế hoạch đầu tư của công ty bị trì hoãn, tiền tiết kiệm của người tiêu dùng giảm và niềm tin của các CEO đang bị xói mòn là những dấu hiệu sớm cho thấy suy thoái kinh tế sắp xảy ra.
Tuy nhiên, các chiến lược gia cho biết thị trường chứng khoán vẫn chưa tính đến tầm cỡ tiềm tàng của suy thoái kinh tế.
Họ viết: “Chúng tôi nghĩ rằng cổ phiếu chưa được định giá đầy đủ cho suy thoái. Dự đoán thu nhập của các công ty vẫn chưa phản ánh đầy đủ cho dù là một cuộc suy thoái nhẹ. Điều này khiến chúng tôi đánh giá thấp các cổ phiếu của thị trường phát triển”.
Chỉ số S&P 500 tăng hơn 12% so với mức thấp nhất trong vòng 23 tháng lập vào tháng 10, chủ yếu được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất sau khi lạm phát hạ nhiệt.
Theo Markets Insider