(VNF) – Trong kế hoạch tái cấu trúc, chuyên môn hóa đối với mảng ống thép từng công bố, Tập đoàn Hoa Sen muốn cổ phần hoá và IPO doanh nghiệp này.
Ngày 22/11 vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) đã công bố nghị quyết thông qua việc góp thêm 320 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ lên mức 700 tỷ đồng. Đây là công ty con do Tập đoàn Hoa Sen sở hữu 100% vốn điều lệ.
Được biết, Hoa Sen Phú Mỹ, thành lập ngày 8/8/2016, có trụ sở tại đường số 1A, Khu công nghiệp Phú Mỹ I, phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Công ty đóng vai trò sản xuất và cung ứng sản phẩm tôn kẽm nhúng nóng mang thương hiệu Hoa Sen.
Trong kế hoạch kinh doanh niên độ tài chính 2023-2024, Hoa Sen Phú Mỹ từng được xem xét chuyển đổi thành Công ty CP Ống thép Hoa Sen, do Tập đoàn Hoa Sen sở hữu 99% vốn điều lệ. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ tiếp nhận toàn bộ hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ống thép (đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị, dây chuyền…) và trở thành đơn vị chủ quản trong mảng sản xuất kinh doanh ống thép của Tập đoàn.
Sau khi Công ty CP Ống thép Hoa Sen đi vào hoạt động ổn định, nếu điều kiện thuận lợi, Hoa Sen sẽ xây dựng phương án IPO và niêm yết cổ phiếu của đơn vị này.
Cần biết, Tập đoàn Hoa Sen hiện nắm giữ hơn 30% thị phần tôn mạ và 20% thị phần ống thép cả nước với hệ thống 10 nhà máy sản xuất gia công, cho ra thị trường các sản phẩm tôn mạ, ống thép, ống nhựa và các phụ kiện.
Cùng ngày, Tập đoàn Hoa Sen cũng quyết định gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2024-2025. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế ngành thép đang biến động phức tạp và khó lường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến Tập đoàn cần thêm thời gian để đánh giá tình hình, dự đoán các kịch bản có thể xảy ra, đồng thời xây dựng kế hoạch kinh doanh cho niên độ 2024-2025 cùng các định hướng chiến lược phù hợp, sát với thực tế khách quan.
Xét về hoạt động kinh doanh, Hoa Sen ghi nhận tổng doanh thu đạt 39.271,89 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2023-2024, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 510,12 tỷ đồng, tăng 15,97 lần so với khoản lãi 30,06 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Trong niên độ tài chính 2023-2024, tập đoàn đặt kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản. Theo kịch bản 1, doanh thu dự kiến đạt 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng. Trong kịch bản 2, tổng doanh thu ước tính đạt 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc niên độ tài chính 2023 – 2024, tập đoàn đã vượt kế hoạch lợi nhuận của cả 2 kịch bản.
Mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, tuy nhiên cổ phiếu HSG lại diễn biến không mấy khả quan trên thị trường chứng khoán.
Chốt phiên giao dịch 22/11, cổ phiếu HSG đóng cửa tại mức giá 18.800 đồng/cp, giảm 30% so với vùng đỉnh 26.000 đồng/cp. Tính theo mức giá trên, vốn hóa của tập đoàn hiện chỉ còn hơn 11,6 nghìn tỷ đồng.
Xét trên góc độ phân tích kỹ thuật, cổ phiếu HSG hiện đã có tín hiệu chững lại sau nhịp giảm mạnh. Đáng chú ý, đây cũng là vùng giá mà CTCP Chứng khoán DSC đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.
Trong báo cáo phát hành gần đây, Chứng khoán DSC dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen trong năm 2025 sẽ tăng lần lượt 5% và 29% so với năm 2024. Dự đoán trên của DSC dựa trên cơ sở giá thép sẽ phục hồi và nhu cầu nội địa duy trì ổn định.
Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn đến từ khả năng áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng nhập khẩu, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh cốt lõi. DSC đánh giá việc áp thuế chống bán phá giá sẽ khiến cho giá HRC đầu vào dần tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất tôn mạ như Hoa Sen, Nam Kim,…
Lũy kế 9 tháng năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 8,8 triệu tấn thép HRC vượt qua công suất sản xuất trong nước với 5,1 triệu tấn. Từ những cơ sở trên, DSC đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu HSG quanh vùng giá 19.000-20.000 đồng/cp, tương ứng với tỷ lệ P/B hiện tại là 1,1 lần. Đồng thời, DSC xác định giá trị hợp lý của cổ phiếu HSG là 23.000 đồng/cp.