UBND TP Hà Nội đã đưa ra phương án quy hoạch hệ thống đường sắt Quốc gia trên địa bàn đến năm 2045, tầm nhìn 2065.
UBND TP Hà Nội đã đưa ra phương án quy hoạch hệ thống đường sắt Quốc gia trên địa bàn đến năm 2045, tầm nhìn 2065.
UBND TP Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến người dân về dự thảo Đề án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065, trong đó có đưa ra phương án quy hoạch hệ thống đường sắt Quốc gia trên địa bàn.
Đối với đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch như sau: Cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các nội dung về hướng tuyến đã được thống nhất; mở rộng tổ hợp nhà ga Ngọc Hồi để tích hợp nhà ga, Depot, trạm bảo dưỡng… của các tuyến đường sắt Quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.
Đường sắt tốc độ cao chỉ dừng ở ga Ngọc Hồi (không đi vào ga Hà Nội). Bổ sung một vị trí khu vực đô thị vệ tinh Phú Xuyên để phục vụ kết nối cảng hàng không thứ hai.
Sau khi tổ chức lấy ý kiến người dân, dự thảo Đề án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 sẽ được hoàn thiện trình Chính phủ xem xét cho ý kiến vào tháng 12 và trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2024.
Ảnh minh họa. MRB.
Trước đó, hồi tháng 8, Bộ Giao thông Vận tải đã xin ý kiến về phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, trạm bảo dưỡng thuộc Dự án đường sắt tốc độ cao đi qua Hà Nội. Theo đó, Bộ đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam xuất phát từ ga Hà Nội, tàu đi đoạn ga Ngọc Hồi – ga Hà Nội có tốc độ thấp như tàu đô thị.
Bên cạnh đó, liên danh tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển giao thông vận tải (CCTDI) cũng đã hoàn tất báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội; trong đó, đề xuất đường sắt tốc độ cao vào đến ga Hà Nội.
Theo đó, tư vấn đề xuất ga đầu mối phía nam là ga Ngọc Hồi, chuyển depot Thường Tín (nơi lập tàu, tập kết tàu, thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật khác) về khu vực ga Ngọc Hồi. Ga đầu mối phía đông là ga Lạc Đạo (Hưng Yên).
Ngoài ra, ga Hà Nội là ga có chức năng phục vụ hành khách đường sắt đô thị kết hợp với hành khách đường sắt tốc độ cao.
Theo lý giải của các đơn vị tư vấn, quy hoạch mạng lưới bố trí ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam tại Ngọc Hồi cách xa trung tâm TP Hà Nội khoảng 10km sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu, đặc biệt là các khu vực phía bắc sông Hồng.
Với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam xuất phát từ ga Hà Nội, lãnh đạo Hà Nội cho biết quá trình thẩm tra, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, thành phố đã thống nhất hướng tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu từ ga Ngọc Hồi đi xuống phía nam; đồng thời mở rộng tổ hợp ga này để tích hợp nhà ga, depot, trạm bảo dưỡng của các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, tốc độ cao.
Đối với phương án sử dụng chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi) để tổ chức vận tải vào ga Hà Nội, thành phố khẳng định chưa phù hợp định hướng Quy hoạch mạng lưới đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt.
Do đó, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu lập dự án tuyến đường sắt vành đai phía Đông, bàn giao quỹ đất, cơ sở vật chất tuyến đường xuyên tâm Yên Viên – Ngọc Hồi để địa phương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1.
Về vị trí nhà ga, theo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam do Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND TP Hà Nội góp ý trước đây, dự kiến bố trí depot đầu tuyến tại huyện Thường Tín, cách ga Ngọc Hồi khoảng 3,6km về phía Nam, quy mô diện tích đất dự kiến 85ha. Từ đó có thể tích hợp nhà ga, depot – nơi lập tàu, tập kết tàu, thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật khác của các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và hình thành trong tương lai tổ hợp công nghiệp đường sắt quốc gia.
Theo quy hoạch, ga Ngọc Hồi sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 151,8 ha trong tổng diện tích 171 ha quy hoạch, với mục tiêu trước mắt đảm bảo hoàn trả chức năng của ga Hà Nội và ga Giáp Bát. Dự án ga Ngọc Hồi đã được thực hiện từ năm 2009, đến nay đã giải phóng được khoảng 55 ha mặt bằng.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đề xuất Bộ GTVT bố trí thêm một nhà ga đường sắt tốc độ cao tại khu vực đô thị vệ tinh Phú Xuyên, phía Nam Hà Nội vì trong tương lai nơi đây sẽ xây dựng sân bay thứ 2 Vùng thủ đô Hà Nội và xây dựng các khu đô thị vệ tinh, với 127.000 người dân sinh sống.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm dài 1.545 km, đường sắt đôi khổ 1.435 mm.
Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 sẽ hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam và khởi công năm 2030, ưu tiên đoạn Hà Nội – Vinh và TP HCM – Nha Trang.
Năm 2045, Việt Nam sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Đề án đang được Bộ GTVT lấy ý kiến các bộ, ngành với 2 phương án:
Phương án 1: Xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với đường đôi, khổ ray 1.435 mm, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác 320 km/giờ, chỉ chạy tàu khách; kết hợp cải tạo đường sắt hiện hữu để chuyên chở hàng. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 58,71 tỉ USD. Dự án sẽ giúp người dân đi từ Hà Nội đến TP.HCM trong thời gian khoảng 5 giờ 20 phút.
Phương án 2: Xây dựng tuyến đường sắt Bắc – Nam mới, đường đôi, khổ ray 1.435 mm, kết hợp khai thác cả tàu chở khách và chở hàng; tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180 – 250 km/giờ, tàu hàng tối đa 120 km/giờ. Tổng mức đầu tư khoảng 64,9 tỉ USD. Nếu chọn phương án 2, theo tính toán từ đề xuất trước đó của Bộ KH-ĐT, hành trình Bắc – Nam từ TP.HCM ra Hà Nội sẽ mất khoảng 7-8 giờ.