Không quân Mỹ cho biết họ đang mở rộng một chương trình mà trong đó sử dụng các tên lửa tái sử dụng như của SpaceX để vận chuyển hàng hóa tới khắp thế giới.
Lầu Năm Góc cho biết, chương trình có tên gọi Rocket Cargo sẽ nằm dưới quyền quản lý của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ. Chương trình này sẽ nghiên cứu và phát triển các khả năng như hạ cánh tên lửa “trên nhiều vật liệu và bề mặt phi truyền thống, cho phép bốc dỡ hàng nhanh chóng hay thậm chí là thả hàng từ trên không ở những nơi tên lửa hoặc máy bay không thể hạ cánh.
Đề xuất ngân sách năm 2022 của Quân đội Mỹ dành 50 triệu USD cho Rocket Cargo để tiếp tục nghiên cứu ý tưởng mà họ bắt đầu vào năm ngoái thông qua các hợp đồng nhỏ với SpaceX và Exploration Architecture Corporation (XArc).
Rocket Cargo lấy dẫn chứng từ tên lửa Starship mà SpaceX đang phát triển. Đối với chương trình quân sự, họ xem xét khả năng sử dụng các nhà thầu tư nhân với các loại tên lửa tái sử dụng, có thể phóng được 30 tới 100 tấn hàng. Hiện tại, Starship của Elon Musk là tên lửa tái sử dụng duy nhất có thể mang theo khối lượng khổng lồ như vậy.
Vận chuyển hàng hóa qua không gian đang là một hình thức khả thi. Tên lửa sẽ được phóng vào vũ trụ trước khi quay trở lại ở một điểm khác. Theo lý thuyết, một quả tên lửa có thể thực hiện việc đưa người và hàng hóa đi từ bên này sang bên kia quả địa cầu chỉ trong chưa đầy một giờ.
SpaceX đã thử nghiệm các nguyên mẫu Starship tại cơ sở của họ ở Texas. Trong lần gần nhất, tàu đã hạ cánh thành công trước khi bốc cháy trên mặt đất. Hiện tại, SpaceX đang đạt được những thành tựu vượt trội với các tên lửa tái sử dụng. Đây là điểm mấu chốt nhằm làm cho việc đi lại trong không gian giống với việc di chuyển bằng đường hàng không.
Trước Elon Musk, các tên lửa thường bị loại bỏ sau lần phóng vào vũ trụ duy nhất. Tuy nhiên, Tàu Starship vẫn còn cách mục tiêu này khá xa. Dù đã hạ cánh thành công trong lần thử nghiệm gần nhất nhưng con tàu vẫn chưa bay vào không gian và nó lại bị bốc cháy trên bệ hạ cánh. Dẫu vậy, đây vẫn được coi là một thành tựu.
Trước quân đội Mỹ, Elon Musk cũng công bố về tham vọng đưa người từ New York đến Thượng Hải trong 40 phút. Tuy nhiên, mục tiêu của Elon Musk là đưa người lên mặt trăng và sao Hỏa. Hiện tại, SpaceX cũng đang chế tạo tàu đổ bộ mặt trăng cho NASA. Tuy nhiên, cuộc đua này còn có Blue Origin của Jeff Bezos và công ty con Dynetics thuộc Tập đoàn quốc phòng Leidos.
Lầu Năm Góc cho biết dù SpaceX đang là cái tên lớn nhất trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ tư nhân nhưng việc cất và hạ cánh trên trái đất là công nghệ mà nhiều công ty có khả năng làm chủ.Hiện tại, Quân đội Mỹ không cho biết về các công ty họ đàm phán trong chương trình Rocket Cargo. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẵn sàng chấp nhận việc Rocket Cargon chưa thực sự tái sử dụng hoàn toàn (hạ cánh ở điểm đến và cất cánh bay trở lại điểm xuất phát).