Thu hút bởi chiếc camera hành trình ôtô chỉ 71.000 đồng, anh Lê Hưng đặt mua trên Temu – sàn bán lẻ online xuyên biên giới của Trung Quốc – và nhận hàng tại Hà Nội sau 3 ngày.
Anh Lê Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) biết đến Temu khi thấy trang này quảng cáo trên mạng xã hội. Khi nhấp vào, liên kết hướng dẫn anh tạo tài khoản để trải nghiệm mua sắm với nhiều ưu đãi lớn. Anh mua chiếc camera hành trình giá 71.000 đồng vào chủ nhật (13/10) và được giao 3 ngày sau đó.
“Giá camera hành trình bình thường vài trăm đến hơn triệu đồng, thấy giá quá rẻ, tôi mua thử”, anh Hưng cho biết. Mua kèm vài vật dụng khác thanh toán tối thiểu 120.000 đồng, anh được miễn phí vận chuyển, nhưng phải thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple Pay.
Gần đây, nhiều người tiêu dùng Việt biết đến Temu qua hàng loạt quảng cáo trên mạng xã hội, tương tự anh Hưng. Chị Bích Phương (quận 8, TP HCM) cũng nhấp vào quảng cáo và quay số trúng phiếu giảm giá 94% cho đơn hàng “làm quen” đầu tiên.
Định mua tháp xông trầm hương, chị chủ động tìm mặt hàng này trên Temu và được chào giá ưu đãi 50.000 đồng. “Loại này tôi tìm trên Shopee, các shop bán từ 100.000 đến 150.000 đồng. Mẫu mã cùng loại, rẻ, lại được ‘free ship’ nên tôi mua luôn 2 chiếc”, chị Phương nói.
Temu là nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới của PDD Holdings (Trung Quốc) – tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo chuyên hàng giá rẻ. Colin Huang, nhà sáng lập PDD Holdings hiện là người giàu thứ 3 nước này, tổng tài sản 44,9 tỷ USD, tính đến ngày 17/10, theo Bloomberg Billionaires Index.
Nền tảng này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ, theo hãng dịch vụ tư vấn và đầu tư startup Momentum Works (Singapore). Nửa đầu năm nay, tổng giá trị giao dịch (GMV) trên sàn này đạt 20 tỷ USD, vượt năm 2023 (18 tỷ USD).
Tấp nập đổ bộ
Temu mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ đến người dùng tuần gần đây. Momentum Works xác nhận đây là thị trường thứ 5 của sàn này tại Đông Nam Á. Tờ SCMP cho biết Việt Nam và Brunei là hai thị trường mới nhất khu vực, sau Thái Lan hồi tháng 6 và Philippines, Malaysia vào 2023.
Sự xuất hiện của Temu nối dài cuộc đổ bộ của các sàn thương mại điện tử bán lẻ xuyên biên giới đến Việt Nam thời gian qua. Trước đó, từ 2018, người Việt có thể mua hàng trực tiếp trên AliExpress của Alibaba.
Năm ngoái, gã khổng lồ “thời trang siêu nhanh” Shein cũng tiếp cận thị trường Việt Nam. Chị Như Mai (quận 8, TP HCM) được đồng nghiệp giới thiệu về ứng dụng này để mua ốp lưng điện thoại, quần áo miễn phí ship vào tháng 11/2023. “Mua trên 200.000 đồng là được miễn phí ship, chính sách này đến nay vẫn còn”, chị kể.
Bên cạnh AliExpress, Temu và Shein, một số sàn nội địa Trung Quốc như Taobao, 1688, Pinduoduo hay JD đang tạo điều kiện cho người Việt nhập hàng trực tiếp. Một hãng chuyển phát lớn gần đây được cho là đang nghiên cứu thử nghiệm mua hộ, giao hàng xuyên biên giới cho các nền tảng này.
Ngoài ra, thị trường cũng xuất hiện những ứng dụng trung gian, cho phép người Việt tìm sản phẩm, đặt hàng, thậm chí có tính năng trợ lý trí tuệ nhân tạo (AI) gợi ý sản phẩm đang bán chạy và lợi nhuận dự kiến trên các kênh.
Thị trường bán lẻ Việt tiềm năng và chính sách cởi mở là lý do hàng đầu khiến các sàn lương mại điện tử lớn liên tiếp thâm nhập. Báo cáo Thương mại điện tử ở Đông Nam Á 2024, Momentum Works đánh giá Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất vào năm ngoái, với GMV tăng gần 53% so với 2022.
Theo công ty dịch vụ dữ liệu chuyên về thương mại điện tử ECDB (Hong Kong), Việt Nam là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 21 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan, quy mô năm nay ước đạt 23,8 tỷ USD. Trong 4 năm tới, dự báo thị trường tăng 12,6% mỗi năm, đạt quy mô hơn 38,2 tỷ USD vào 2028.
Nói với VnExpress, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết việc Việt Nam là điểm đến mới của Temu hay các nền tảng xuyên biên giới khác là “điều dễ hiểu trong bối cảnh hội nhập kinh tế”.
Theo số liệu của cơ quan này, thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình 25% một năm. Hơn 61 triệu người Việt mua sắm online và giá trị mua bình quân mỗi người khoảng 336 USD. “Dữ liệu này cho thấy Việt Nam đang trở thành quốc gia tiềm năng với các nhà đầu tư, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới”, đại diện Cục nêu.
Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Điều này nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý cho hay thực tế vẫn có nền tảng chưa tuân thủ quy định này. “Bộ Công Thương đang tăng giám sát và làm việc với các bên để đảm bảo các nền tảng tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước”, cơ quan này cho biết.
Bán lẻ trong nước trước áp lực cạnh tranh
Những nền tảng như Temu giúp người tiêu dùng Việt có thêm kênh mua hàng “made in China” tận xưởng với giá rẻ, nên theo ông Trần Lâm – chuyên gia về đào tạo bán hàng trực tuyến kiêm CEO Julyhouse, các shop nhập hàng Trung Quốc về kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng lập tức.
“Không chỉ Temu, các sàn như Shopee, Lazada, TikTok Shop cũng đang phân phối tận xưởng hàng Trung Quốc, khiến nhà bán cùng mua nguồn này chịu ảnh hưởng nặng nề”, ông Lâm nói.
Cùng với đó, hàng hóa nội địa chịu cạnh tranh cao hơn. “Các sản phẩm đặc sắc riêng bị ảnh hưởng, tùy khác biệt giá và chất lượng với sản phẩm tương tự từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường”, ông nói.
Quan ngại cũng là điều giới chức một số nước đưa ra khi Temu lần lượt đặt chân đến. Đầu tháng 10, Indonesia cấm nền tảng này để bảo vệ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trước hàng giá rẻ nước ngoài tràn vào. Temu cũng đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng ở Liên minh châu Âu và Mỹ. Ủy ban Châu Âu đang nghiên cứu việc áp thuế nhập khẩu với các mặt hàng giá trị dưới 150 euro. Trong khi, tháng trước, Washington công bố các biện pháp nhằm lấp lỗ hổng các lô hàng có giá trị dưới 800 USD được miễn thuế nhập khẩu.
Với Việt Nam, ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (Ngân hàng HSBC) cho rằng việc cấm cửa hoàn toàn những sàn như Temu, Shein không phải ý tưởng hay.
Theo ông, những nền tảng này có điểm tích cực là giúp người tiêu dùng hưởng giá thấp. Cạnh tranh mà họ mang lại cũng buộc các nhà sản xuất trong nước nâng cao chất lượng. Ngoài ra, sự xuất hiện của các ông lớn nước ngoài thúc đẩy đầu tư vào logistics, mang lại lợi ích chung, nhất là cho người tiêu dùng.
“Một số quốc gia áp dụng cách tiếp cận cứng rắn, nhưng chúng ta tìm cách tích hợp họ vào hệ sinh thái mà không gây ra quá nhiều xáo trộn, là kết quả tốt nhất”, ông khuyến nghị.
Chuyên gia từ HSBC gợi ý nhà chức trách có thể đưa ra quy định chi tiết để thúc đẩy các nhà sản xuất Việt được tham gia vào nền tảng như Temu và đảm bảo không có sự phân biệt về thuế giữa hàng ngoại và nội. Ví dụ, Thái Lan trước đây miễn thuế nhập khẩu và VAT với các gói hàng dưới 1.500 baht, nhưng từ tháng 5 tất cả phải chịu thuế VAT 7%. Việc này để bảo vệ sản xuất trong nước trước hàng nhập giá rẻ qua mua sắm online.
“Điều quan trọng là tạo ra sân chơi công bằng”, ông Frederic Neumann nói.
Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới là thách thức với Việt Nam và nhiều nước trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý hải quan với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử, để cơ chế tách bạch luồng hàng thông thường và online, tăng quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.
Họ cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hướng các sản phẩm bán trên nền tảng số không được hưởng thuế 0%, để chống thất thu, gian lận trong hoàn thuế VAT.
Viễn Thông – Phương Dung