Cần bình tĩnh phân tích kỹ lưỡng những lợi thế cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để có chính sách điều chỉnh từ từ, thay vì bị cuốn theo cơn “hoảng loạn” phá giá đồng NDT của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng NDT được PGS. TS. Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (Đại học Ngoại thương) đánh giá là sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Lâu nay hàng xuất khẩu Việt Nam không phải cạnh tranh với Trung Quốc bằng giá, mà bằng chất lượng. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng động thái liên tục phá giá đồng NDT của Trung Quốc là bình thường và không khiến cho hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp thêm khó khăn tại các thị trường truyền thống.
Vấn đề là trước “cú sốc” của Trung Quốc, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý cần thận trọng phân tích đánh giá lại năng lực sản phẩm xuất khẩu để từ đó có chính sách nâng cao sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Đồng thời giảm lệ phụ thuộc vào nước này, đặc biệt là nhập khẩu để giảm nhập siêu.
Hôm nay (13/8) là ngày thứ ba liên tiếp Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng NDT. Ông nhìn nhận thế nào về động thái này?
Tôi cho rằng Trung Quốc điều chỉnh như vậy là hơi chậm, bởi lẽ động tác phá giá NDT phải làm từ lâu rồi. Chỉ có điều cách làm hơi “sốc”, có chút bất ngờ và hoảng loạn, là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế nước này đang có nhiều vấn đề lo ngại.
Có thể do nước này bị ảnh hưởng bởi đình trệ kinh tế, thị trường chứng khoán liên tục giảm mạnh, kết quả xuất khẩu giảm, nên Trung Quốc muốn chặn ngay tức thì. Tức là họ muốn đưa ra “liều” đủ mạnh để trị ngay từ đầu, không để tình trạng đi quá thì sẽ không cứu vãn được.
Do đó, cần nhìn nhận rằng việc nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc là bình thường. Mỹ, Nhật Bản hay EU cũng làm vậy, để tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.
Trung Quốc trước đây chưa sử dụng công cụ đó vì họ có thể tin vào năng lực cạnh tranh xuất khẩu tốt. Nhưng trước tình thế xuất khẩu giảm mạnh thì họ phá giá đồng NDT là bình thường.
Song nếu hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm giá thì sẽ là một nỗi lo cho hàng xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới?
Chắc chắn DN xuất khẩu của mình sẽ bị tác động và gặp khó khăn hơn. Song việc Trung Quốc giảm giá đồng tiền, và họ có đạt được mong muốn thúc đẩy xuất khẩu hay không, còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Đặc biệt là kỳ vọng thị trường, nếu hàng hóa Trung Quốc có thể rẻ đi, nhưng thị trường không chấp nhận đây cũng là bài toán khó với họ.
Về mặt lý thuyết trượt giá đồng tiền thì hàng xuất khẩu sẽ có lợi thế hơn, và DN bị cạnh tranh về giá. Song cần nhìn nhận lại, từ trước đến nay hàng Việt Nam không còn cạnh tranh với hàng Trung Quốc về giá nữa.
Đặc biệt ở thị trường khó tính, là những nước nhập khẩu chủ lực của ta như Mỹ, EU, Nhật Bản, họ đang chú trọng nhiều đến chất lượng và mình đang có ưu thế. Do đó, dù Trung Quốc có phá giá đồng tiền hơn nữa thì khó khăn của mình cũng không phải được đẩy lên quá cao.
Nhiều ý kiến cho rằng sau khi đồng NDT phá giá mạnh thì động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN là cần thiết song chưa đủ để hỗ trợ cho xuất khẩu. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Việc điều chỉnh tỷ giá với biên độ +/-2 ngay sau khi đồng NDT phá giá cho thấy NHNN hơi bị động, khi không tính được yếu tố Trung Quốc sẽ phá giá mạnh đồng tiền của họ trong thời gian ngắn đến vậy.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh của NHNN là kịp thời. Song không nên vì vậy mà ta bị “hoảng loạn” theo, và phải có biện pháp để bảo vệ cho mình. Cần chú ý xem sắp tới Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) làm gì. Tôi nghĩ FED sẽ tiếp tục lộ trình nâng lãi suất để tăng giá của đồng USD, vì nền kinh tế Mỹ đang đi lên.
Cũng cần bình tĩnh để xem động thái tiếp theo của Trung Quốc. Phân tích kỹ lưỡng vấn đề là khi hàng của họ xuất khẩu rẻ hơn, thì có làm cho kinh tế của ta khó khăn hơn hay không? Mình cạnh tranh không phải bằng giá thì bằng lợi thế gì? Lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ là gì?
Liệu sau câu chuyện này thì bài toán giảm phụ thuộc với Trung Quốc càng phải được nhìn nhận đầy đủ hơn để giảm bớt rủi ro?
Trong quan hệ kinh tế, phải tạo sự độc lập là cần thiết. Song ở bên cạnh một láng giềng khổng lồ, có trình độ phát triển, cơ cấu, mô hình cũng na ná như mình thì chuyện “đụng hàng” là bình thường.
Vấn đề là muốn có nền kinh tế độc lập, thì phải có nền kinh tế thực sự mạnh. DN sẽ sản xuất được cái gì, phải thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước, và nhìn Trung Quốc giống như một cơ hội hơn là nguy cơ.