Nhịp sống gấp gáp của cuộc sống hiện đại cuốn con người vào vòng xoáy bận rộn khiến ta quên những điều thật nhỏ nhặt nhưng rất đỗi cần thiết để có thể gìn giữ ngọn lửa hạnh phúc.
Khi nào ta quên hỏi những đứa con “một ngày của con thế nào?”. Có lúc nào cảm giác xa lạ với người bên gối vì ta đã “giải quyết những nút thắt trong lòng nhau bằng cách im lặng, tặc lưỡi cho qua”? Hay khi tuổi ba mươi đã qua, bốn mươi chưa tới, ta lần đầu về ngủ với mẹ một đêm, dẫu nhà mẹ chẳng cách trở gì, hằng tuần vẫn tạt qua mấy bận.
Thủ thỉ những câu chuyện đời thường bé xíu xiu, cuốn tản văn Nhà lúc đông lúc vắng của tác giả Hoàng My (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh) đưa độc giả vào nhiều cung bậc cảm xúc của một người con gái, một người vợ, một người mẹ. Nhiều tản văn trong Nhà lúc đông lúc vắng mang đậm màu sắc truyện ngắn với hình ảnh những người phụ nữ từng đổ vỡ, từng đau khổ, từng oán hận, nhưng thời gian sẽ là liều thuốc kỳ diệu để con người ta học được cách chấp nhận rằng có những người chỉ có thể cùng nhau một đoạn đường.
Dẫu “là bạn bè, là tình nhân, là vợ chồng, là mẹ con, là đồng nghiệp, là gì đi nữa, thì trong kiếp người tưởng dài mà ngắn ngủi, tưởng nhanh mà dằng dặc hỷ nộ ái ố này, ta cũng không thể giữ lại điều gì vĩnh cửu”.
56 tản văn là 56 lát cắt cuộc sống muôn màu muôn vẻ về tình cảm gia đình với những câu chuyện giản dị mà khiến người đọc phải ngẫm ngợi: “Hôm nay, tới lượt ai đón con?!”, “Đi ăn với điện thoại”, “Ta đối với người thân khá tệ”, “Một đời rồi rất vội”, “Tết, mười năm”, “Ta đã khen nhau chưa?”, “Sự lãng quên của thành đạt”, “Chúng ta cùng một mái nhà”, “Phòng khách có còn đón khách?”, “Cuối tuần, vào bếp hay ra quán?”… Để rồi nhận ra, “dù ở thời đại nào, có ra ngoài hô mưa gọi gió tới đâu, thì phụ nữ vẫn luôn là người giữ lửa trong gia đình, cũng là trái tim của một ngôi nhà.
Có yên ổn nhẹ nhõm hay không, có no đủ an lành hay không, đều do thái độ sống của người đàn bà quyết định”. Ngay cả khi có biến cố, có trắc trở thì chính người phụ nữ cũng hoàn toàn có thể lựa chọn “tự mình tha thứ hay buông bỏ, và chờ đợi cánh cửa khác mở ra, cơ hội khác, hạnh phúc khác, tình cảm khác”.
Đặc biệt, tập tản văn có nhiều trang viết xúc động về các bậc sinh thành như “Nhà lúc đông lúc vắng”, “Về ngủ với mẹ”, “Đời bà tôi, mẹ tôi, rồi con gái tôi”, “Nhà có người già”, “Đường về nhà ngoại”, “Dè chừng mẹ chồng”, “Chạm tuổi hưu”, “Bà già ở vườn tiêu”, “Đưa má đi xem phim”, “Vì đời có ba”, “Người già đi du lịch”, “Bà mẹ trong truyền thuyết”, “Người già giữ chặt cái nhà”, “Bố mẹ sẽ sống cùng ai?”…
Tác giả chia sẻ: “Người ta bảo, khi mất đi rồi, thì mới bàng hoàng nhận ra mình từng có. Giống như tôi, khi ba chẳng còn bên đời, mới khổ tâm nhận ra, bản thân mình day dứt và hối tiếc bao điều. Khoảng trống không chỉ hiện diện trong căn nhà lúc đông lúc vắng, mà cả trong lòng người ở lại”.
“Nhà lúc đông lúc vắng”, bởi thế, là một lời nhắn nhủ của tác giả đến bạn đọc, rằng “hãy cố gắng để những ngày bên nhau, dưới một mái nhà thật nhiều ấm êm, sum vầy nhất. Ta hãy bớt những cáu gắt đành hanh bận bịu, để lắng nghe người thân yêu của mình với sự kiên nhẫn dịu dàng nhất có thể”.