Nhiều bạn trẻ không xác định mình phải học tiếng Anh mà thường chỉ xác định mình đang luyện thi tiếng Anh.
Vài ba năm trở lại đây, việc xét chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL, TOEIC nổi lên như một cơn sốt. Không riêng trường đại học mà cấp phổ thông cũng thông báo tuyển thẳng nếu có chứng chỉ ngoại ngữ này. Điều này khiến người người, nhà nhà đổ xô luyện thi IELTS. Ngoài phí ôn luyện đắt đỏ thì phí thi Ielts cũng không hề rẻ, lên tới 5 triệu đồng, có thời hạn 2 năm.
Theo thầy giáo Đỗ Cao Sang – một giáo viên tiếng Anh với 15 năm kinh nghiệm thì nhiều bạn trẻ không xác định mình phải học tiếng Anh mà thường chỉ xác định mình đang luyện thi tiếng Anh. Đương nhiên bạn xác định thế nào thì cũng đều là học tiếng Anh cả, nhưng cảm giác mình đang luyện thi sẽ không đem lại cho bạn sự thoải mái và an lạc.
“Thực tế thì bất cứ ai giỏi tiếng Anh đều phải luyện thi nếu muốn thi IELTS. Có điều họ chỉ cần dùng 2 giờ để nghiên cứu cấu trúc và cách làm bài. Những người khác mất 20 giờ, 2 tuần, 2 tháng hoặc 2 năm. Trình độ tiếng Anh càng cao siêu thì thời gian luyện thi càng ngắn lại.
Không mong cầu quả thì quả sẽ đến. Vậy thay vì đi luyện thi IELTS, tại sao ta không học tiếng Anh một cách đàng hoàng, chăm chỉ để đạt đến một cảnh giới cao siêu và quên việc thi IELTS đi? Vì lúc đó, IELTS “8 chấm” sẽ tự về với ta như lẽ đương nhiên vậy. Dĩ nhiên là học theo định hướng học thuật (academic orientation).
Đi đúng hướng là phải tu bổ tiếng Anh cho chắc và vững
Theo thầy Sang, “ném” con cái hoặc bản thân vào những lò luyện thi là một trò chơi thiếu thông minh của cha mẹ. Hãy để chữ học hiện hình với đúng nghĩa của nó, đừng bóp méo đi ý nghĩa cao cả của nó.
Vì lợi ích kinh doanh, các trung tâm và các thầy IELTS không bao giờ nói ra cho bạn rằng: Muốn làm chủ được tiếng anh, người học phải phải tu luyện cho chắc và vững kiến thức gốc chứ không phải chỉ nhảy bổ vào luyện chiêu thức, tiểu xảo để đi thi.
Ngoài ra, để câu kéo học viên, các trung tâm hứa hẹn đầu ra mấy chấm sau bao nhiêu tháng theo học. Nhưng đầu ra phụ thuộc đầu vào và phẩm chất của học viên. Học viên lười, tư duy chậm, không nghiêm túc thì muôn kiếp cũng đừng nghĩ đến chấm nào. Ngược lại, nếu đã có nền tiếng Anh giỏi, bạn chỉ cần 4 hoặc 2 tuần để làm quen với mô thức thi là quá đủ. Làm nhiều tự khắc quen, khắc giỏi.
Luyện IELTS hay TOEFL cũng thế, đi đúng hướng là phải tu luyện tiếng Anh cho chắc và vững chứ không phải nhảy bổ vào luyện chiêu thức.
“Hãy tự học, tự nghiên cứu IELTS. Các bạn đừng sợ hãi tiếng Anh mà hãy học từng chút nhỏ với lòng kiên trì. Cuộc chiến đó là cuộc chiến dữ dội để vượt lên sự lười nhác và thỏa hiệp. Không ít người ban đầu náo nhiệt đi học ầm ầm, được 2 tuần thì bỏ cuộc. Người ta thất bại do thiếu kiên nhẫn bền bỉ để học chứ không phải do dốt không học được.
Luyện IELTS có thể chia làm hai giai đoạn. Một là giai đoạn học bình thường, thủng thẳng. Hai là giai đoạn học nước rút. Thủng thẳng học thì nên là 2 năm. Nước rút thì nên là một hoặc hai tháng. Hai năm đó bạn phải học thật nhiều tài liệu hàn lâm (các bài báo khoa học, các bài giảng của giáo sư, các bài diễn văn). Hai năm đó, bạn đọc và nghe thật nhiều, chừng 70% thời gian học. Nói và viết chỉ nên 30% thời gian thôi.
Vì sao thế? Vì nghe nhiều thì khắc giỏi nói. Đọc nhiều thì khắc giỏi viết. Làm thế nào cũng được, miễn là có được nhiều cụm từ vựng hay cao cao cấp trong đầu. Và từ đó, bước vào giai đoạn nước rút. Đó là học cách viết bài thi IELTS, cách làm bài nói IELTS, cách xử lý bài đọc IELTS, làm trực tiếp bài thi mẫu, có tính giờ.
Bí quyết luyện gốc rễ của IELTS chính nằm ở các collocations (sự kết hợp các từ với nhau thành những cụm từ một cách tự nhiên theo thói quen của người bản xứ). Bạn biết càng nhiều Collocations thì việc thi nghe, nói, đọc, viết của bạn càng trở nên đơn giản. Collocations càng khó thì điểm thi của bạn càng cao”, thầy Sang nói.