Làm việc chăm chỉ vốn không hề dễ dàng, đừng khiến cuộc sống của mình thêm túng quẫn vì sự thiếu hiểu biết. Hãy là chủ của tấm thẻ tín dụng và đừng trở thành nô lệ của nó.
Có một sự thật là càng ngày, tỷ lệ người trẻ mắc nợ càng cao. Nguyên nhân lớn nhất được chỉ ra là vì thói quen tiêu dùng một cách mù quáng, tiền đáng ra để dành cho ngày mai thì hôm nay đã tiêu hết. Và nếu phải chọn ra một “thủ phạm” để chịu trách nhiệm phần nào cho chuyện này thì thẻ tín dụng chắc chắn sẽ bị nhiều người gọi tên. Rất nhiều người trẻ hiện tại dùng thẻ dụng không khác gì tự đào hố chôn mình, càng tiêu càng nợ nhiều.
Vậy thẻ tín dụng là một tài sản hay một khoản nợ? Điều này phụ thuộc vào việc nó nằm trong tay ai. Những người khăng khăng nói thẻ tín dụng có hại như thế này như thế kia, tất cả chỉ là quan điểm của riêng họ. Thực tế là mỗi người lại dùng thẻ tín dụng theo một cách khác nhau. Giống như con dao trong nhà bếp vậy, có người dùng nó để nấu ăn, cũng có người dùng nó vào việc khác, bản chất con dao chẳng có gì sai, vấn đề hoàn toàn nằm ở con người. Tương tự như với tấm thẻ tín dụng, thẻ tín dụng trong tay người có tiền và người không có tiền, sẽ phát huy tác dụng hoàn toàn trái ngược nhau.
Thẻ tín dụng trong tay người không có tiền
Thẻ tín dụng sẽ nhanh chóng trở thành món nợ trong tay người không có tiền, đó là một thảm họa. Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến điều này là vì người không có tiền thường không hiểu thẻ tín dụng dùng để làm gì. Họ không hiểu mục đích thực sự của nó mà chỉ biết cách sử dụng nó như một khoản vay thấu chi tiêu dùng.
Đối với một số người, làm được tấm thẻ tín dụng là cảm giác hạnh phúc vô cùng, cảm giác như ngân hàng tự động gửi tiền vào ví bạn vậy. Và đây chính là bước đầu tiên khiến người không có tiền lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, bởi lẽ thẻ tín dụng đã làm sai lệch quan điểm tiêu dùng của họ. Điều này thực sự rất đáng sợ.
Ví dụ, nếu một người bình thường có tấm thẻ tín dụng với hạn mức 100 triệu trong tay, nó sẽ sản sinh ra ảo giác “mình không hề thiếu tiền”. Ảo giác này khiến chúng ta đưa ra một loạt quyết định sai lầm nối tiếp nhau, chẳng hạn như quẹt thẻ tín dụng để mua điện thoại, mua đồ nội thất, trả góp xe ô tô hay thậm chí là mua nhà trả góp trả bằng thẻ tín dụng… Khi chúng ta làm như vậy, ngân hàng đang âm thầm cười, bởi chúng ta đã vô tình rơi vào cái bẫy được sắp đặt trước.
Có một lẽ thường ở đây, đó chính là các ngân hàng phát hành thẻ tín dụng vì lợi nhuận chứ không phải để làm từ thiện, trên đời này không có bữa ăn nào là miễn phí. Người bình thường có ít tiền sẽ “ngoan ngoãn” gửi tiền vào ngân hàng. Ngân hàng sử dụng tiền gửi của người bình thường để chơi trò “tiền đẻ ra tiền”, và rồi dòng tiền này sẽ chảy vào tay một nhóm người bình thường khác thông qua hình thức cấp thẻ tín dụng. Sau đó, họ tiếp tục thu lãi suất và các khoản phí khác nhau từ người bình thường.
Ngân hàng đang dùng tiền của người bình thường để kiếm tiền từ những người bình thường khác. Có một sự thật chúng ta cần biết: Ngân hàng không phải là tổ chức từ thiện, về bản chất nó là một doanh nghiệp và mục đích của doanh nghiệp là kiếm tiền.
Ngay từ khoảnh khắc bạn cầm được tấm thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ khuyến khích bạn tiêu tiền theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như tiêu ở đâu, tiêu bao nhiêu tiền thì sẽ nhận được điểm tích lũy hay các món quà tặng hấp dẫn. Trên thực tế, hầu hết mọi người rất dễ bị cám dỗ bởi những món lợi nhỏ như thế mà không biết chúng chỉ là “thấu chi phát sinh” của ngân hàng và con mồi hướng đến lúc nào cũng là các khách hàng bình thường.
Theo công bố mới nhất của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, tính đến 30/6/2020, tổng số lượng thẻ đang lưu hành trên thị trường đã đạt đến con số trên 100 triệu thẻ (đang lưu hành bao gồm cả thẻ không hoạt động). Trong đó số lượng thẻ nội địa chiếm 86%, thẻ quốc tế chiếm 14%. Điều đó có nghĩa là lượng người sở hữu thẻ tín dụng hiện tại rất đông đảo. Đáng tiếc là không phải ai trong số họ cũng sở hữu kiến thức tài chính đủ nhiều để có thể sử dụng thẻ tín dụng đúng cách, thay vào đó, sự mù mờ trong cách sử dụng thẻ đã khiến nhiều người đang từng bước từng bước đến gần hơn với cơn ác mộng nợ nần.
Trong tay người bình thường, thẻ tín dụng về cơ bản đã trở thành một món nợ bắt buộc phải trả, chỉ là vấn đề thời gian. Khi chúng ta gặp khó khăn về kinh tế, thẻ tín dụng như một cọng rơm cứu mạng nhưng đồng thời, chúng ta cũng đã vô tình gieo xuống một quả bom vô hình.
Thẻ tín dụng trong tay người có tiền
Bản thân thẻ tín dụng chỉ là một công cụ thanh toán, và người có tiền rất giỏi sử dụng công cụ này. Một số người nghĩ rằng người có tiền không bao giờ làm thẻ tín dụng, tất nhiên là không rồi, có rất nhiều triệu phú, tỷ phú vẫn sử dụng thẻ tín dụng hàng ngày. Chỉ là họ không dùng thẻ tín dụng để thấu chi, mà dùng nó để tích lũy tài sản cho bản thân, hoặc tạo quỹ dự phòng một là cho bản thân, hai là cho doanh nghiệp họ điều hành.
Mỗi người đều có hồ sơ tín dụng của riêng mình. Quy mô hồ sơ tín dụng mà bạn có trong ngân hàng quyết định việc ngân hàng có cấp tiền cho bạn hay không và số tiền bạn được cấp là bao nhiêu. Tại sao giá trị cá nhân càng cao càng được ngân hàng yêu thích? Không nợ thì thôi, đã nợ là nợ cả trăm triệu, cả tỷ mỗi lần, nguyên cớ đằng sau nghịch lý này nằm ở tác dụng mà hồ sơ tín dụng mang đến. Nhìn chung, thẻ tín dụng trong tay người có tiền có thể sẽ trở thành một phần tài sản của chính họ.
Làm chủ thẻ tín dụng
Câu hỏi được đặt ra ở đây là vì sao người bình thường lại khó lấy được tiền từ ngân hàng. Câu trả lời đơn giản lắm, bởi vì có rất ít người bình thường như chúng ta biết đến khái niệm “hồ sơ tín dụng”, chứ đừng nói đến việc để ý tới nó. Thẻ tín dụng được cấp cho một người bình thường nên được sử dụng để tạo uy tín đối với ngân hàng và tăng tài sản tín dụng của họ trong ngân hàng, để ngân hàng có thể dễ dàng cung cấp tiền cho bạn khi bạn cần trong tương lai.
Ví dụ, bạn có thể lập kế hoạch hợp lý dòng tiêu dùng của thẻ tín dụng, trả nợ đúng hạn hoặc trả trước. Trong khi đạt được mục đích tăng số tiền càng nhiều càng tốt, bạn cũng đã thiết lập hồ sơ tín dụng của riêng mình tại ngân hàng, điều này sẽ giúp bạn chống lại nhiều rủi ro không xác định.
Trên mạng có lan truyền một câu nói vui thế này: nợ càng lớn thì năng lực càng mạnh. Ý nghĩa thực sự đằng sau câu này là ám chỉ về tài sản và hồ sơ tín dụng mà một người sở hữu. Khi một người có thể mắc nợ hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng tại ngân hàng thì điều đầu tiên cho thấy là hồ sơ tín dụng của người này trước đó phải rất tốt. Bởi lẽ nếu một người thực sự không có tiền, chỉ có 2 bàn tay trắng thì kể cả họ có muốn nợ cũng không có chỗ để mà vay nợ.
Thẻ tín dụng chỉ là tài sản khi nó nằm trong tay một người hiểu nó, có thể dùng nó để tạo ra giá trị cho bản thân. Còn nếu nó nằm trong tay những người không hiểu nó, nó nhất định sẽ trở thành một món nợ. Cầm thẻ tín dụng trong tay mà dám mua ô tô, mua nhà, đó là một loại dũng cảm không phải ai cũng có. Đáng buồn là vẫn có rất nhiều người đang mù quáng như vậy, thậm chí con số còn đang tăng lên từng ngày.
Làm việc chăm chỉ vốn không hề dễ dàng, đừng khiến cuộc sống của mình thêm túng quẫn vì sự thiếu hiểu biết. Hãy là chủ của tấm thẻ tín dụng và đừng trở thành nô lệ của nó.