Thẻ tín dụng tiếp tục được nhiều người sử dụng. Đã từng có người kiếm được hàng chục triệu mỗi năm nhờ thẻ hoàn tiền (cashback).
Theo khảo sát của chúng tôi tại 30 ngân hàng, hơn 50 dòng thẻ tín dụng có hoàn tiền, mức hoàn tiền đang dao động từ 0-20%; có khoảng 60% lượng thẻ đang lưu hành có mức hoàn tiền trong ngưỡng 0-5%; 24% lượng thẻ có mức hoàn tiền từ 10-15%.
Cụ thể, với mức hoàn tiền lớn nhất hiện nay (20%) có 3 dòng thẻ Mastercard mDigi của MSB; MSB Visa Online; OCB MasterCard Lifestyle.
Theo đó, Mastercard mDigi của MSB hoàn 20%, tương đương với 300 nghìn đồng/kỳ sao kê. Khách hàng có thể tự do lựa chọn lĩnh vực hoàn tiền như ăn uống, cà phê; du lịch, khách sạn; ứng dụng giải trí số để hoàn tiền.
Với thẻ MSB Visa Online, hoàn đến 20%, tương đương 300 nghìn đồng/tháng (tối đa 3,6 triệu đồng/năm). Chương trình được áp dụng khi mua vé xem phim trực tuyến tại các cụm rạp phim là đối tác của ngân hàng. Ngoài ra, khác hàng còn có thể được hoàn 10% với mọi chi tiêu mua sắm trực tuyến tại các trang TMĐT: Shopee, Tiki, Lazada, Amazon, Alibaba, Ebay,…
OCB MasterCard Lifestyle cũng áp dụng chương trình hoàn tiền 20% cho các giao dịch mua vé xem phim thông qua hệ thống các rạp phim là đối tác của ngân hàng. Bên cạnh đó, chủ thẻ còn có thể nhận được mức hoàn tiền 3% cho các giao dịch mua sắm trực tuyến.
Một ngân hàng khác cũng đang sở hữu một dòng thẻ tín dụng có tỷ lệ hoàn tiền tương đối cao đó là Sacombank. Cụ thể, loại thẻ JCB Ultimate đang được hoàn 15% đối với các giao dịch chi tiêu ăn uống tại nước ngoài cuối tuần. Nếu thực hiện các giao dịch tương tự ở trong nước vào ngày cuối tuần, khách hàng sẽ được hoàn 10%.
Ngoài ra, hiện cũng đang có một loạt các dòng thẻ tín dụng đang áp dụng tỷ lệ hoàn tiền 10%. Như Visa Platinum/Signature của ACB; MSB (Visa Signature/Signature Mfirst); Happy Digital – NamABank; OCB Mastercard Platinum; TPBank Evo Visa; VPBank (Diamond World/Diamond World lady)…
Với tỷ lệ hoàn từ 0% đến dưới 10%, hiện đang có một số loại thẻ gồm: Visa travel/cashback của ABBank; Các dòng thẻ JCB/Visa của Eximbank đang hoàn từ (0,5%-8%); HDBank VietJet Platinum hoàn 0,3%; SeABank hoàn từ 0,3-8% tùy loại thẻ…
Với các ngân hàng big 4, hiện chỉ có BIDV và VietinBank có thẻ áp dụng hoàn tiền cho thẻ tín dụng. Trong đó, BIDV có 3 loại thẻ gồm: Visa Platinum Cashback (10%); Visa Infinite (6%); Visa Premier Hoàn tiền cao nhất 600,000 VND/tháng/khách hàng. Với VietinBank ngân hàng này đang áp dụng tỷ lệ hoàn từ 0,3-6% cho 2 dòng thẻ MasterCard Platinum Cashback Virtual/ MasterCard Platinum Cashback.
Về vai trò của thẻ tín dụng, chuyên gia kinh tế Ngô Ngọc Quang nhận xét, việc sử dụng thẻ tín dụng kỷ luật và cam kết trả toàn bộ nợ trước hạn hoặc đúng hạn là phương pháp sử dụng nợ thông minh cũng như có nhiều lợi ích. Bên cạnh đó, sử dụng thẻ tín dụng sau một thời gian sẽ tạo ra hạn mức tín dụng tương đối khoảng 3-6 tháng thu nhập, có thể dùng cho các khoản dự phòng khẩn cấp.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lượng người sử dụng phương thức thanh toán qua thẻ tiếp tục tăng lên. Tính đến cuối quý IV/2022, tổng số lượng thẻ nội địa đang lưu hành 112,69 triệu thẻ, tăng 6,04% so với cuối năm 2021 ; lượng thẻ quốc tế đang lưu hành 32,49 triệu thẻ, tăng 28,5%.
Các khảo sát của tổ chức thẻ Visa cho thấy, có khoảng 76% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi đã chuyển sang thanh toán không tiền mặt. Trong đó, có đến 70% đáp viên cho biết, không dùng phương thức thanh toán kể trên vì dùng thẻ tín dụng tiện hơn. Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy người tiêu dùng đang chuyển sang xu hướng tiêu dùng thẻ online và thẻ không tiếp xúc nhiều hơn. Cụ thể, có đến 52% người dùng cho biết đang sử dụng các thẻ tín dụng số; 46% đang sử dụng các phương thức thanh toán thẻ ít tiếp xúc; 38% sử dụng chi trả các hóa đơn, dịch vụ qua điện thoại di động.