Thời Hoàng hậu Nam Phương, chắc chưa có cố vấn truyền thông để quản lý hình ảnh phát ra cho báo chí, nhưng có vẻ như Hoàng hậu có tài năng bẩm sinh về việc này.
Cuối năm 1935, triều đình Huế chờ đón một tin vui: Hoàng hậu sắp sinh con đầu lòng. Sau đó, người ta thấy Hoàng hậu tuy đang mang thai nhưng vẫn xuất hiện bên cạnh Hoàng đế Bảo Đại trong những buổi lễ chính thức, như trong một tấm hình cho thấy Hoàng hậu mang khăn trùm đầu đứng gần Vua Bảo Đại và vợ chồng Khâm sứ Trung Kỳ trong một dịp lễ nào đó.
Hoàng hậu Nam Phương, Hoàng tử Bảo Long và Công chúa Phương Mai. Nguồn: manhhai/flickr. |
Đêm 4-1-1936 tại điện Kiến Trung, nhằm ngày 10 tháng chạp âm lịch năm Ất Dậu, Hoàng hậu đã hạ sinh một hoàng tử, bên cạnh có mẹ, bà Lê Thị Bình, chị Agnès Didelot và Bác sĩ Paul Pradal được mời từ Sài Gòn ra. Bác sĩ Pradal sang phục vụ tại Nam Kỳ từ năm 1923, lúc đầu trong ngành y tế nhà nước thuộc địa, nay hành nghề bác sĩ tự do ở Sài Gòn.
Hoàng tử được đặt tên là Bảo Long.
Đến sáng, từ trong Đại Nội, các khẩu súng thần công bắn ra bảy phát, báo cho thần dân biết Hoàng hậu đã sinh con trai. Triều đình Huế chắc hẳn rất mừng khi biết Hoàng hậu có con đầu lòng là hoàng tử và triều đại nhà Nguyễn đã có người nối dõi. Nhân dịp chính quyền Pháp vừa xây cất xong một sân động động lớn ở Huế và đặt tên Stade Olympique de Hué (Sân Thế Vận Hội Huế), triều đình đặt tên lại là Sân vận động Bảo Long.
Nhân dịp đầy tháng của Hoàng tử Bảo Long, một buổi lễ long trọng được tổ chức tại điện Kiến Trung để giới thiệu Hoàng tử với triều đình. Trong tấm hình do nhà nhiếp ảnh Tăng Vinh chụp, bà Khâm sứ Graffeuil bồng Hoàng tử, đứng giữa Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Đứng cạnh Vua Bảo Đại là Khâm sứ Trung Kỳ Maurice Graffeuil; tiếp đến là các quan Nam triều:
1. Bửu Thạch, Tổng đốc Nghệ An, hàm Thượng thơ kiêm nhiếp Tôn Nhơn phủ vụ Đại thần, Đại Nội Nghi lễ Đại thần kể từ năm 1933. Hoàng thân Bửu Thạch là con của Ưng Phò, em ruột vua Dục Đức.
2. Nguyễn Khoa Toàn, Tham tri Bộ Lại.
3. Hồ Đắc Khải, Thượng thơ Bộ Hộ.
4. Nguyễn Khoa Kỳ, Thượng thơ Bộ Xã dân Kinh tế.
5. Tôn Thất Quảng, Thượng thơ Bộ Lễ, kiêm Bộ Công.
6. Đại thần Tôn Thất Hân, đã về hưu nhưng được mời tham dự mọi sự kiện quan trọng diễn ra trong triều đình. Buổi lễ thiếu Thượng thơ Bộ Lại Thái Văn Toản, Thượng thơ Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn và Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh.
Bà Marguerite Graffeuil, phu nhân Khâm sứ Trung Kỳ, thường xuyên đi cùng Hoàng hậu Nam Phương trong các công tác xã hội suốt thời gian ông Maurice Graffeuil giữ chức khâm sứ Trung Kỳ, từ năm 1934 đến 1940.
Về mặt chính trị, người có uy quyền lớn nhất ở Trung Kỳ là khâm sứ. Mọi quyết định của triều đình Huế phải được sự chấp thuận của khâm sứ, mọi chi tiêu ngoài ngân sách do chính quyền bảo hộ cấp cho triều đình cũng phải được tòa Khâm sứ duyệt.
Trong khi đó, bà Graffeuil sau mấy lần tháp tùng Hoàng hậu Nam Phương, bà hoàn toàn bị nhân cách và đức độ của Hoàng hậu chinh phục. Bà sẵn sàng đi lui về phía sau vài bước, để Hoàng hậu giữ vai trò chính, chuyện trò với các viên chức, nhân viên hay thăm hỏi bệnh nhân, học sinh…
Trong buổi trình diện Hoàng tử Bảo Long, bà Khâm sứ giữ phần bồng Hoàng tử để trình cho mọi người, trong vai trò của một người thân tín trong gia đình, hơn là phu nhân một nhân vật uy quyền nhất của chính quyền bảo hộ. Trong khi đó, Hoàng hậu thì có thái độ an nhiên, tự tại của một “bà chủ”.
Nhân dịp Hoàng tử Bảo Long chào đời, nhà nhiếp ảnh Tăng Vinh chụp một loạt ảnh rất mới lạ – những hình chụp trong phòng ngủ của Hoàng hậu, bên cạnh Hoàng tử khi mới sinh. Đó là cảnh chưa bao giờ thấy trong triều đình Huế, mà cũng rất hiếm thấy ở những nơi khác trên thế giới.
Khoảng những năm 1950, ta mới thấy những nhân vật nổi tiếng, gia đình hoàng gia hay minh tinh điện ảnh, mở cửa cho phép nhiếp ảnh gia vào nhà chụp cảnh sinh hoạt hàng ngày, với mục đích cho Hoàng hậu thấy nhân vật nổi tiếng cũng có đời sống gia đình bình thường như mọi người.
Hoàng hậu Nam Phương thích chụp ảnh. Chúng ta có những tấm ảnh của Hoàng hậu thời còn là nữ sinh bên Pháp, những ảnh chụp rất nghệ thuật với trang phục triều đình sau ngày cưới, và rất nhiều hình ảnh Hoàng hậu viếng thăm trường học, bệnh viện, các cơ sở xã hội đăng trên báo, nay có thêm những cảnh chụp bà trên giường bên cạnh hoàng tử hay công chúa mới sinh.
Năm 1938, sau khi sinh Công chúa Phương Liên, có tấm hình Hoàng hậu nằm trên giường, tay cầm một bình sữa cho Công chúa mới sinh bú, bên cạnh còn có Hoàng tử Bảo Long và Công chúa Phương Mai. Hay một tấm ảnh khác với Hoàng hậu nằm trên giường và Vua Bảo Đại ngồi bên cạnh.
Mục đích của những tấm ảnh này phải chăng là truyền đi thông điệp rằng Hoàng hậu không phải chỉ là nhân vật của công chúng, hiện diện trong những buổi lễ chính thức và dấn thân trong những công tác xã hội, mà còn là một người vợ, một người mẹ gần gũi với mọi người dân bình thường?
Dưới thời Hoàng hậu Nam Phương, chắc hẳn chưa có cố vấn truyền thông để quản lý hình ảnh phát ra cho báo chí trong và ngoài nước, nhưng có vẻ như Hoàng hậu có tài năng bẩm sinh về việc truyền thông, và thật là một Hoàng hậu đi trước thời đại.