Dữ liệu chính thức cho thấy, giá nhà mới tại Trung Quốc đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 9 năm qua do các biện pháp hỗ trợ không thể giúp bất động sản phục hồi.
Giá nhà mới giảm trong tháng thứ 14 liên tiếp
Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), giá nhà mới trong tháng 8/2024 đã giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm nhanh nhất kể từ tháng 5/2015, so với mức giảm 4,9% vào tháng 7/2024.
Cuộc khủng hoảng địa ốc cùng với việc đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy yếu từ tháng 3 đến nay. Ngân hàng Thụy Sỹ UBS hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay và năm 2025.
UBS dự báo GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng 4,6% trong năm 2024. Con số này giảm từ mức dự báo 4,9% mà UBS đưa ra trước đó. Với năm 2025, UBS hạ mức dự báo tăng trưởng từ 4,6% đưa ra trước đó xuống còn 4%
Đáng chú ý, tính theo tháng, giá nhà mới đã giảm trong tháng thứ 14 liên tiếp, giảm 0,7%, bằng mức giảm vào tháng 7/2024.
Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục suy giảm trầm trong khi mà nhiều chủ đầu tư đang phải vật lộn với nợ nần chồng chất, nhiều căn hộ chưa hoàn thiện và lòng tin của người mua giảm sút. Thực trạng này gây căng thẳng cho hệ thống tài chính và đe dọa mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, các chuyên gia dự đoán giá nhà tại Trung Quốc sẽ giảm 8,5% vào năm 2024 và giảm 3,9% vào năm 2025.
Ông Zhang Dawei, chuyên gia phân tích trưởng tại công ty môi giới bất động sản Centaline cho biết, thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn đang trong quá trình dần dân chạm đáy vì nhu cầu, thu nhập và niềm tin của người mua nhà sẽ cần một thời gian để phục hồi.
Theo các nhà kinh tế của Ngân hàng Thụy Sỹ UBS, những năm gần đây, các yếu tố cơ bản về cung và cầu trên thị trường bất động sản Trung Quốc đã thay đổi. Niềm tin của người mua nhà đang ở mức thấp trong bối cảnh tăng trưởng thu nhập hộ gia đình yếu. Lượng nhà tồn kho trên thị trường ở mức cao kỷ lục trong khi việc triển khai các giải pháp giải phóng nhà tồn kho diễn ra chậm chạp…
Thị trường mong đợi một chính sách mạnh mẽ hơn
Thị trường bất động sản của Trung Quốc đang từ từ chạm đáy bất chấp một loạt biện pháp kích thích từ chính phủ. Ảnh: TL
Theo số liệu chính thức cũng được công bố vào sáng nay, 14/9, đầu tư bất động sản đã giảm 10,2% và doanh số bán nhà giảm 18,0% so với cùng kỳ năm trước trong 8 tháng đầu năm.
Trên thực thế, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực hỗ trợ lĩnh vực này, bao gồm giảm lãi suất thế chấp và giảm chi phí mua nhà. Theo đó, hiện nhu cầu thị trường đã được cải thiện phần nào, phục hồi dần ở các thành phố lớn.
Vào tháng 5/2024, Trung Quốc công bố chương trình hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và một số ngân hàng quốc doanh lớn sẽ triển khai gói tín dụng lên tới 500 tỷ nhân dân tệ (70 tỷ USD), cho các chính quyền địa phương vay để mua lại nhà ế trên thị trường và chuyển đổi thành nhà ở xã hội. Tuy nhiên, số liệu chính thức từ PBOC cho thấy, đến nay chương trình này mới chỉ giải ngân được 24 tỷ nhân dân tệ, một số con khiêm tốn so với quy mô toàn bộ chương trình cũng như nhu cầu vốn lớn để giải quyết lượng bất động sản tồn kho trên thị trường.
Còn tại các thành phố nhỏ hơn, nơi ít bị hạn chế mua nhà hơn và có lượng hàng tồn kho chưa bán được cao vẫn đang đối diện với nhiều thách thức. Chính quyền ở nới đây đang phải nỗ lực cân bằng cung – cầu trên khắp các khu vực quản lý.
Đáng chú ý, trong số 70 thành phố được NBS khảo sát, chỉ có hai thành phố báo cáo giá nhà tăng theo cả tháng và năm vào tháng 8.
Nhận định về thực trạng này, nhiều nhà phân tích cho rằng, với những trở ngại mới trong nửa cuối năm, Nhà nước sẽ buộc phải đóng vai trò là người xây dựng cuối cùng bằng cách trực tiếp cung cấp vốn cho các dự án nhà ở bị trì hoãn đã được bán trước”.
Còn theo Bloomberg News, Trung Quốc có thể cắt giảm lãi suất đối với hơn 5.000 tỷ USD tiền thế chấp chưa thanh toán ngay trong tháng này.
Trong khi đó, các nhà kinh tế tại ANZ cho biết trong một lưu ý phát đi ngày 13/9 rằng, để hỗ trợ cho việc cắt giảm lãi suất thế chấp, việc cắt giảm Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm có thể diễn ra vào tháng 9, kèm theo việc cắt giảm 20 điểm cơ bản đối với cơ sở cho vay trung hạn (MLF) và cắt giảm 50 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR)…
Thực tế cho thấy, dù Bắc Kinh đã bắt đầu nới lỏng chính sách cho thị trường bất động sản từ cuối năm 2022, bao gồm giảm yêu cầu đặt cọc bắt buộc, hạ lãi suất vay thế chấp mua nhà và bỏ một số hạn chế với giao dịch mua nhà, nhưng việc triển khai các chính sách này trong thực tế diễn ra ì ạch. Do đó, các chính sách đã công bố không mang lại nhiều hiệu ứng tích cực với thị trường.