Thị trường hàng hoá: Ca cao, khí đốt tăng phi mã
Nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch cùng với sự suy giảm nguồn cung đã đẩy giá hàng hóa lên cao trong vài tháng gần đây, với giá ca cao và khí đốt tăng phi mã.
Trong đó, giá ca cao đã đạt mức kỷ lục, còn khí đốt chuẩn châu Âu cũng tăng mạnh do sự cố giàn khoan Na Uy, cho thấy tính dễ tổn thương của thị trường khi phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt. Trong khi đó, giá đồng, vàng và bạc cũng chứng kiến những bước tăng ấn tượng nhờ sự hồi phục kinh tế và biến động địa chính trị.
Diễn biến giá hàng hóa
Nguồn: TradingEconomics. Tính tới ngày 06/06
|
Giá ca cao lập đỉnh mọi thời đại
Giá ca cao dù giảm 25% trong tháng gần nhất, nhưng vẫn còn tăng 170% so với đầu năm 2024. Có lúc, giá nông sản này đạt mức cao nhất mọi thời đại trên 11,000 USD/tấn.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự giảm mạnh về nguồn cung trong bối cảnh mưa ít, cây trồng nhiễm bệnh và già yếu đã dẫn đến vụ mùa đáng thất vọng ở Bờ Biển Ngà và Ghana vào năm 2023. Hai nước này sản xuất khoảng 2/3 lượng cacao của thế giới nên tình trạng thiếu hụt ảnh hưởng nặng nề đến thị trường toàn cầu.
Nguồn cung không phải là yếu tố duy nhất, mà còn do làn sóng đầu cơ tài chính. Từ mức giá 4,000 USD/tấn, các nhà đầu cơ đã đẩy giá lên 11,000 USD/tấn vào giữa tháng 4/2024. Đến ngày 9/5, giá hạt cacao đã quay đầu giảm mạnh 30% về mức 8,699 USD/tấn.
Các giám đốc điều hành ở các công ty sôcôla lớn như Hershey, Nestle SA và Mondelez International vẫn cho rằng mức giá hiện tại của ca cao không phản ánh tình hình thực tế.
Giá khí sốt nóng
Giá khí đốt chuẩn của châu Âu cũng tăng mạnh lên 38.56 Euro/MWh, mức cao nhất kể từ đầu tháng 12/2023 và tăng hơn 50% so với đầu năm 2024.
Reuters đưa tin, xuất khẩu khí đốt của Na Uy sang châu Âu đã giảm mạnh do giàn khoan Sleipner ngoài khơi Na uy đóng cửa, dẫn tới nhà máy Nyhamna phải ngừng hoạt động. Điều này khiến giá khí đốt châu Âu tăng vọt lên mức cao nhất trong năm nay.
Công ty vận hành đường ống Gassco cho biết, sự cố ngừng hoạt động liên quan tới một vết nứt được phát hiện trên đường ống dài 5cm của giàn khoan Sleipner Riser ngoài khơi.
Hiện vẫn chưa biết việc sửa chữa sẽ mất bao lâu nhưng Gassco khẳng định tình hình không quá nghiêm trọng.
Vào năm 2022, Na Uy đã vượt Nga để trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu sau khi quan hệ năng lượng kéo dài hàng thập kỷ giữa Moscow và châu Âu bị cắt đứt do xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, Sleipner Riser là điểm kết nối của các đường ống dẫn khí Langeled North và Langeled South nối nhà máy Nyhamna trên bờ biển phía Tây của Na Uy với kho cảng Easington ở Đông Bắc nước Anh. Cả 2 cảng đều đóng cửa, khiến lượng cung cấp khí đốt của Na Uy giảm xuống 255 triệu m3/ngày từ mức 300 m3/ngày trước đó.
Người phát ngôn của Gassco cho hay, công ty đang làm việc với nhà điều hành Sleipner Equinor để giải quyết tình huống này.
Đồng thời, những sự cố ngừng hoạt động bất ngờ này còn cho thấy rõ tính dễ bị tổn thương của châu Âu khi phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên.
Giá đồng lập kỷ lục mới
Một loại hàng hóa khác cũng tăng mạnh không kém là đồng, với mức tăng hơn 35% so với đầu năm.
Tính tới ngày 31/5, giá đồng dao động ở mức 4.7732 USD/pound trên sàn COMEX.
Giá đồng đã tăng mạnh từ đầu năm 2024 khi triển vọng kinh tế toàn cầu không xấu như dự báo của các chuyên gia và nguồn cung cũng khan hiếm. Trong đó, sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc – đất nước chiếm 50% lượng tiêu thụ đồng của thế giới – đã thúc đẩy nhu cầu của kim loại công nghiệp này.
Theo các chuyên viên phân tích tại UBS, tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể thúc đẩy giá đồng tiếp tục tăng. Theo ước tính của UBS Global Wealth, thế giới sẽ thiếu hụt 390,000 tấn đồng trong năm 2024 và 2025.
“Dường như chẳng có tiến triển gì trong việc giải quyết thách thức về nguồn cung đồng, trong khi các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản của Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu về đồng”, các chuyên viên phân tích tại UBS cho biết.
Vàng, bạc “lấp lánh”
Cũng đáng chú ý không kém là bước tăng ấn tượng của vàng và bạc trong năm nay.
Giá vàng tăng mạnh lên mức kỷ lục mới 2,400 USD do nhiều yếu tố kinh tế và tài chính. Trước hết, lạm phát tăng cao khiến sức mua của tiền tệ giảm, đẩy nhà đầu tư tìm kiếm tài sản an toàn như vàng để bảo vệ giá trị tài sản. Kế đó, kỳ vọng Fed giảm lãi suất cũng làm tăng tính hấp dẫn tương đối của vàng – vốn là kim loại không mang lại lợi suất.
Ngoài ra, bất ổn địa chính trị, gần đây nhất là cuộc chiến Israel – Hamas, và kinh tế toàn cầu cũng góp phần làm tăng giá vàng. Nhu cầu từ các quỹ ETF, nhà đầu tư cá nhân và ngân hàng trung ương tăng cao, đáng chú ý nhất là từ Trung Quốc giữa bối cảnh các kênh đầu tư khác gặp vấn đề (chứng khoán giảm liên tục, bất động sản đang gặp khủng hoảng).
Tỷ giá hối đoái cũng ảnh hưởng, khi đồng USD yếu đi, giá vàng tăng do vàng được định giá bằng USD, làm cho vàng trở nên rẻ hơn với các nhà đầu tư sử dụng các loại tiền tệ khác. Cuối cùng, tâm lý an toàn trong bối cảnh kinh tế bất ổn đã khiến nhà đầu tư tăng cường mua vàng như một tài sản bảo đảm an toàn và giữ giá trị lâu dài.
Sánh đôi cùng vàng, bạc tăng còn mạnh hơn thế. Từ đầu năm đến nay, giá bạc tăng 33%, nằm trong top hàng hoá tăng mạnh nhất.
Có rất nhiều lý do đằng sau sự tăng giá đột biến của bạc: Các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang chậm lại, kỳ vọng lãi suất giảm, cơn sốt cổ phiếu meme gần đây, thị trường tài chính sáng sủa lên và lĩnh vực công nghiệp khởi sắc… Tất cả những điều đó nhìn chung đều thúc đẩy kim loại này tăng giá.
Bên cạnh đó, các vấn đề về nguồn cung cũng thúc đẩy giá bạc tăng. Năm 2024 đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp thị trường bạc trong tình trạng thiếu hụt, đặc biệt năm nay lại là một trong những năm thiếu hụt nghiêm trọng nhất.
Mới đây, dự đoán nhu cầu ở Trung Quốc sẽ gia tăng sau khi nước này công bố các biện pháp mạnh mẽ nhằm ổn định lĩnh vực bất động sản cũng tiếp thêm động lực cho bạc. Sự hồi phục của nền kinh tế sẽ kéo theo sự hồi phục của ngành công nghiệp – lĩnh vực sử dụng nhiều bạc.
Thiên Vân
FILI