(VNF) – Trong một tuần mà dòng tiền vẫn đang “xoay tua” với tâm lý thận trọng, một số mã “đầu cơ” như CIG, PSH, TPH đã trở thành “điểm đến” hấp dẫn với thanh khoản vượt trội, đồng thời lọt top cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn chứng khoán.
Tuần vừa qua, tại vùng điểm 1.250 – ngưỡng hỗ trợ cứng của VN-Index, thị trường chứng khoán bắt đầu phát đi tín hiệu hồi phục với sự xuất hiện của lực cầu bắt đáy. Mặc dù áp lực bán đã dần hạ nhiệt nhưng tâm lý thận trọng đè nặng khiến cho dòng tiền vẫn chưa thể “nhập cuộc” một cách mạnh mẽ và đưa VN-Index thoát khỏi trạng thái giằng co.
Thanh khoản yếu ớt, động lực bứt phá chưa rõ ràng, chỉ sau phiên giao dịch cuối tuần giảm sâu, thành quả tích luỹ trước đó gần như đã bị “cuốn trôi”. VN-Index đóng cửa ở mức 1.254,89 điểm, “nhích” nhẹ 0,17%.
Trong bối cảnh thị trường vẫn đang trong quá trình tìm điểm cân bằng, dòng tiền có xu hướng tìm tới những cổ phiếu nhỏ, có tính đầu cơ cao. Dẫu vậy, đa phần các mã đều ghi nhận khối lượng giao dịch không mấy nổi trội.
HoSE: CIG toả sáng, PSH gây bất ngờ
Ngược dòng thị trường, cổ phiếu CIG của Công ty CP COMA18 đã một tuần giao dịch khởi sắc với 4/5 phiên tím trần, dẫn đầu sàn HoSE với mức tăng 27,24%. Tính đến ngày 1/11/2024, mã này đạt 8.220 đồng/cp, vốn hoá thị trường của doanh nghiệp được nâng lên mức 259 tỷ đồng.
Đáng nói, CIG cũng là cổ phiếu hiếm hoi thu hút sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền. Khối lượng giao dịch trung bình tuần qua lên tới hơn 1 triệu đơn vị, cao gấp 2,3 lần mức trung bình một tháng.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn kỹ thuật, chỉ báo Stochastic Oscillator đã tiến sâu vào vùng quá mua (overbought), cho thấy tín hiệu bán có thể xuất hiện trong thời gian tới. Mặt khác, cổ phiếu CIG vẫn đang bị giữ trong diện kiểm soát do doanh nghiệp chưa khắc phục được tình trạng lỗ luỹ kế.
Xếp ở vị trí thứ hai với mức tăng 23,81% là cổ phiếu PNC của Công ty CP Văn hoá Phương Nam. Sau ba phiên đầu tuần tăng trần với thanh khoản đột biến, lên tới 46.600 – 47.800 đơn vị/phiên (cao nhất kể từ đầu năm), mã này đã ghi nhận tín hiệu “giảm tốc”. Khối lượng giao dịch hai phiên cuối tuần cũng trở lại tình trạng “lẹt đẹt”, chỉ vài trăm, vài nghìn đơn vị.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/11/2024, cổ phiếu PNC đạt 18.200 đồng/cp, cao gấp đôi mức 8.664 đồng/cp trong phiên khai xuân. Theo quan sát, mã này đã “lình xình” dưới ngưỡng 10.000 đồng/cp trong suốt 9 tháng trước khi bật lên. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, cổ phiếu PNC hầu như không ghi nhận thông tin tích cực hỗ trợ và giao dịch cũng khá ảm đạm, với nhiều phiên “trắng” thanh khoản.
Tăng 20% sau một tuần, cổ phiếu SC5 của Công ty CP Xây dựng Số 5 xếp thứ ba trong danh sách các mã tăng mạnh nhất sàn HoSE. Tương tự PNC, đây cũng là một mã cổ phiếu khá “ế ẩm” khi mức thanh khoản tốt nhất tuần qua chỉ rơi vào khoảng 8.400 đơn vị/phiên. Trước đó, cổ phiếu SC5 thường xuyên không ghi nhận giao dịch.
Xếp sau SC5 lần lượt là PSH (+19,2%), PTL (+14,57%), KPH (+14,22%), HPX (+13,56%), TDW (+13,51%), VRC (+13,40%) và TCO (+11,95%).
Trong số này, cổ phiếu PSH của Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu và HPX của Công ty CP Đầu tư Hải Phát là hai mã thu hút sự quan tâm của dòng tiền hơn cả với khối lượng giao dịch áp đảo so với phần còn lại.
Tuy nhiên, diễn biến của cổ phiếu PSH gây ngỡ ngàng khi có một cú “quay xe cực mạnh”. Bất chấp việc từng là mã giảm mạnh nhất HoSE vào tuần trước và áp lực nặng nề sau khi báo lỗ quý thứ 4 liên tiếp vào tuần này, cổ phiếu PSH ghi nhận tới 3/5 phiên tăng trần.
Về phần HPX, diễn biến tích cực của mã này có phần dễ lý giải hơn khi báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 cho thấy Hải Phát đã có một kỳ kinh doanh hiệu quả.
Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE là: HRC (-14,00%), DSC (-12,09%), DTL (-10,87%), DPG (-9,60%), SMA (-7,84%), TTE (-7,69%), AAM (-7,43%), SKG (-7,42%), FIR (-7,03%).
Với trường hợp của HRC, phiên tăng trần cuối tuần là không đủ để vực dậy thị giá khi trước đó cổ phiếu này đã có ba phiên nằm sàn. Đáng chú ý, cổ phiếu HRC đã ở trong tình trạng “trắng thanh khoản” trong vòng hơn 1 tháng (từ ngày 17/9 đến tận 28/10) và việc doanh nghiệp báo lãi đột biến trong quý III hôm 17/10 cũng không khiến mã này trở nên “hấp dẫn” hơn trong mắt nhà đầu tư.
HNX và UPCoM: Cổ phiếu nhỏ lại “nổi sóng”
Trên HNX, cổ phiếu TPH của Công ty CP In Sách giáo khoa TP. Hà Nội (Hapco) dẫn đầu tăng trưởng khi có thêm 41,59 điểm % trong tuần vừa qua. Mặc dù bỏ xa những mã còn lại về tốc độ tăng giá nhưng mã này lại tỏ ra “lép về” về mặt thanh khoản.
Tuần vừa qua là tuần duy nhất trong tháng 10 cổ phiếu này ghi nhận giao dịch, nhưng khối lượng khớp lệnh trung bình vẫn rất thấp, chỉ đạt 231 đơn vị mỗi phiên. Điều này không có gì bất ngờ khi TPH hoàn toàn thiếu vắng thông tin hỗ trợ tích cực. Thậm chí, báo cáo tài chính quý III mới đây của Hapco còn ghi nhận lợi nhuận sau thuế bằng 0.
Ở vị trí thứ hai, cổ phiếu TFC của Công ty CP Trang tăng 32,29%, đạt 32.900 đồng/cp, mức cao nhất trong lịch sử. Giá trị vốn hoá thị trường tương ứng đạt xấp xỉ 554 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch trung bình 5 phiên rơi vào khoảng 51.835 đơn vị, cao gấp 3,4 lần mức trung bình từ đầu năm.
Theo sau là cổ phiếu CMC của Công ty CP Đầu tư CMC với mức tăng 26,32%. Với thị giá ở mức 7.200 đồng/cp, vốn hoá doanh nghiệp đạt 32 tỷ đồng. Cũng như nhiều mã penny khác, thanh khoản cổ phiếu chỉ ở mức “nhỏ giọt”.
Các vị trí còn lại trong danh sách 10 mã cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX lần lượt thuộc về: HMH (+26,19%), PGN (+25,37%), VNF (+19,44%), BKC (+18,28%), KSV (+15,68%), VC2 (+15,12%), PV2 (+13,04%).
Đáng chú ý, dẫn đầu nhóm giảm điểm trong tuần vừa qua cũng là một cổ phiếu sách: HEV của Công ty CP Sách Đại học – Dạy nghề (Hevobco). Với ba phiên nằm sàn và hai phiên không có giao dịch, mã này giảm 27%, xuống còn 21.900 đồng/cp.
Chín cái tên còn lại trong nhóm này gồm: THS (-25,87%), VLA (-19,21%), AMV (-19,05%), SPI (-18,18%), BST (-15,34%), SDG (-15,00%), GKM (-14,47%), VC1 (-14,29%), VMC (-12,70%).
Trên UPCoM, 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất gồm có: IN4 (+51,67%), PBT (+50,00%), DWC (+48,84%), VLP (+40,00%), TQN (+39,80%), PCM (+37,50%),, VIH (+31,50%), VBH (+29,47%), PLO (+28,57%), TPS (+27,14%).
Trong khi đó, danh sách 10 mã giảm mạnh nhất gọi tên: LMC (-39,88%), VDT (-39,50%), VIM (-38,64%), TA6 (-38,07%), DCF (-31,72%), MRF (-27,24%), BBH (-24,29%), BTB (-19,70%), NJC (-19,58%), HAV (-19,57%). Nhìn chung, các mã không có điểm nhấn nào đáng kể, khi giao dịch ảm đạm, thanh khoản rất thấp trong các phiên.