Tôi vốn không nghĩ rằng mình sẽ bền bỉ luyện tập thiền hàng ngày, nhưng thử thách này chắc chắn đã khiến tôi muốn thực hiện nó thường xuyên hơn. Nó khơi dậy niềm khao khát của tôi đối với sự bình tĩnh và thư thái, bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới quá xô bồ.
Tôi bắt đầu quan tâm đến thiền từ vài năm trước, thời điểm đó công việc của tôi khá căng thẳng. Lúc đó, tôi vẫn luôn cố tìm kiếm sự tĩnh tâm và chánh niệm, ít nhất một vài lần trong tuần. Tôi muốn có một vài khoảnh khắc mà trong đó bản thân có thể để mặc mọi thứ, ngồi bình yên và không làm gì cả.
Tôi đã thiền khoảng 2,5 năm nay. Mặc dù có một quãng thời gian thức dậy và thiền trong 5 phút mỗi buổi sáng, tôi vẫn chưa bao giờ nhất quán trong việc tập luyện của mình, cả về tần suất hay thời gian. Tôi muốn thay đổi điều đó và xem nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của tôi như thế nào.
Thách thức đặt ra
Ý định của tôi là thiền hàng ngày trong một khoảng thời gian dài hơn nhiều so với những gì mình đã quen. Tôi vừa muốn thoát ra khỏi vùng an toàn, vừa muốn xem liệu thời gian thiền có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày hay không.
Tôi có một người bạn thiền rất nhiều, và anh ấy làm điều đó trong 30 phút. Đó dường như là một khoảng thời gian rất dài đối với tôi. Tôi cũng đã nói chuyện về thiền với Giám đốc điều hành của mình và tôi biết anh ấy đã từng tham gia một khóa tu Vipassana trong 10 ngày, đó là điều mà tôi chắc chắn chưa sẵn sàng. Tôi đã cân nhắc và quyết định tăng gấp 4 lần những gì tôi đã quen (5 phút). Nghĩa là thực hiện các phiên tập kéo dài 20 phút.
Các quy tắc xung quanh thử thách:
Hãy dõi theo suy nghĩ của bạn. Mục tiêu chính của thiền định là để có thể nhìn ra suy nghĩ của bạn mà không cần thực sự can thiệp vào chúng. Đó là điều khiến nhiều người kinh ngạc và cũng là điều khiến nó thực sự khó khăn.
Với các phiên tập 20 phút, tôi phải ngồi yên khoanh chân, hai tay gác lên đầu gối (tư thế thiền cổ điển) và nhắm mắt trong 20 phút. Tôi sẽ sử dụng một dụng cụ nào đó đo thời gian. Không có ai giúp đỡ, cũng không được phép sử dụng nhạc thiền hoặc thứ gì tương tự. Chỉ có chính bản thân tôi, và sự im lặng.
Thử thách đã có tác dụng từ thứ 2 đến thứ 6, trong tuần làm việc bình thường.
Một vài lưu ý
Ngồi thiền mỗi ngày không hề đơn giản. Tôi đã từng thử điều này một lần, cách vài tuần trước lần thử thứ hai. Tôi đã làm mọi việc ổn thỏa từ thứ Hai đến thứ Tư, nhưng đến thứ Năm tôi quên việc phải làm, và vào thứ Sáu tôi đã quá mệt mỏi. Thật bực mình khi phải nghĩ rằng mình đã thất bại ở một việc quá đơn giản: chỉ ngồi yên và không làm gì trong 20 phút.
Tôi từng thường ngồi thiền mỗi sáng. Tôi đã kiên trì với nó trong nhiều năm, nhưng rồi nhận ra rằng thiền buổi sáng rất buồn ngủ. Vì vậy, đối với thử thách này, tất cả các buổi thiền của tôi đều được thực hiện vào cuối buổi chiều, sau một ngày dài làm việc. Đó là điều dường như mang lại nhiều hiệu quả nhất.
Bài học thu được
Tôi đã viết ra những kiến thức thu được từ thử nghiệm này vào cuối tuần, sau khi xem lại nhật ký thiền hàng ngày:
1. Ngồi thiền trong thời đại này rất khó
Không ai còn ngồi yên với những suy nghĩ của mình nữa. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà ngay cả khi bạn đang nằm trên ghế “không làm gì cả”, bạn vẫn có thể đang xem TV hoặc điện thoại. Ngay cả những người mới tập thiền cũng có xu hướng làm điều đó.
2. Càng tập nhiều, càng dễ dàng
Có những ngày tôi cảm thấy rất khó để ngồi yên tĩnh và không nghĩ ngợi gì, bởi tôi bị căng thẳng, có rất nhiều việc phải làm. Nhưng cũng như mọi thứ trong cuộc sống, cái ta cần là sự cố gắng.
Không có quy tắc nào nói rằng bạn cần tập thiền toàn diện ngay lập tức. Nếu bạn tò mò, hãy bắt đầu nhẹ nhàng. Nó luôn trở nên dễ dàng hơn theo thời gian và trước khi biết điều đó, bạn có thể thiền 10, 20, 30 phút mỗi lần.
3. Dù thế nào thiền vẫn đem lại những hiệu quả nhất định
Tôi thực sự tin rằng thiền có hiệu quả với tất cả mọi người, ở mọi cấp độ. Bạn không cần phải có bất kỳ loại kinh nghiệm hay nguyên tắc căn bản nào từ trước. Bạn chỉ cần ngồi yên, hít thở và cố gắng dõi theo những suy nghĩ của mình, không cần tham gia vào.
4. Hãy dõi theo suy nghĩ của bạn, đừng can thiệp
Đây là khái niệm cốt lõi của thiền và nó cũng rất phức tạp. Để tập không nghĩ gì, bạn cần giám sát những suy nghĩ của mình thay vì can thiệp vào chúng.
Một trong những điều giúp tôi nhiều nhất khi theo dõi suy nghĩ của mình là nhận ra rằng bản thân tôi và suy nghĩ của mình là khác biệt. Tôi cũng biết điều này trước khi bắt đầu thử thách và đó là một trong những khái niệm cốt lõi của thiền. Suy nghĩ của bạn độc lập với bạn. Quyết định ở đây là không để chúng ảnh hưởng đến con người bạn. Càng luyện tập nhiều, ta càng làm chủ tâm trí tốt hơn.
Theo chia sẻ của Joseph Marvericks – Cây bút chuyên về phát triển bản thân, phong cách sống tài Medium