Theo ước tính, ở các thị trường mới nổi, bảo hiểm và các khoản tiết kiệm mới chỉ đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu bảo vệ của người dân.
Việc thiếu hụt khoản bảo vệ cần thiết đã và đang đặt ra những thách thức lớn cho toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển khi người dân nơi đây dễ bị ảnh hưởng trước những rủi ro không lường trước, chẳng hạn như tử vong, thương tật, bệnh hiểm nghèo hoặc mất khả năng lao động.
Tại Việt Nam, khoản thiếu hụt bảo vệ này cũng ở mức đáng chú ý. Báo cáo của Tổ chức Swiss Re cho thấy, khoản thiếu hụt bảo vệ nhân thọ tại Việt Nam được ước tính lên tới 1,8 nghìn tỷ USD, đồng thời khoản thiếu hụt bảo vệ sức khỏe ở mức khoảng 36 tỷ USD năm 2017. Khoản thiếu hụt bảo vệ hưu trí cũng được ước tính ở mức từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ USD. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc thiết kế các giải pháp bảo vệ phù hợp nhằm thu hẹp các khoản thiếu hụt trên, nhằm ổn định cuộc sống và đảm bảo tương lai cho người Việt.
Theo nghiên cứu của tổ chức tái bảo hiểm Peak Re, có ba yếu tố chính tác động đến quyết định tham gia bảo hiểm là khả năng tiếp cận, khả năng chi trả, và khả năng nhận thức. Tại các thị trường mới nổi, người dân cho biết họ còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các giải pháp bảo hiểm, đồng thời chi phí tham gia bảo hiểm cũng được cho là nằm ngoài tầm với của số đông. Ngoài ra, nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích của các giải pháp bảo vệ rủi ro và an toàn tài chính trong những thời điểm khó khăn cũng là một nguyên nhân khiến tỉ lệ thiếu hụt bảo vệ ở khu vực này duy trì ở mức cao.
Một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu các khoản thiếu hụt bảo vệ là ứng dụng chuyển đổi số để cải thiện trải nghiệm khách hàng, giúp bảo hiểm trở nên dễ dàng tiếp cận và thuận tiện hơn. Một khảo sát cho thấy, 62% người trẻ thuộc thế hệ Millenials và Gen Z chia sẻ họ sẽ mua bảo hiểm từ một công ty có giải pháp bảo hiểm số thân thiện với khách hàng. Khảo sát Manulife Asia Care Survey được công bố năm 2022 cũng cho thấy 84% người được khảo sát muốn tìm kiếm những sản phẩm bảo hiểm đơn giản mà họ có thể tự mua theo hình thức trực tuyến. Bằng cách tối đa hóa điểm tiếp xúc và áp dụng chiến lược phân phối bảo hiểm thông qua các nền tảng trực tuyến, các công ty bảo hiểm có thể giúp khách hàng tiềm năng dễ dàng tiếp cận các giải pháp bảo hiểm bao gồm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện, bảo vệ trước rủi ro tai nạn, bệnh hiểm nghèo và tử vong. Với việc ứng dụng số hóa cho việc phân phối sản phẩm thông qua trang thương mại điện tử Manulife Shop hoặc nền tảng ví điện tử MoMo cùng nhiều giải pháp số hóa như eClaims, ePOS đến ePolicy và ePayment, Manulife Việt Nam là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ tiên phong trong việc tối ưu hóa trải nghiệm liền mạch và xuyên suốt cho khách hàng.
Việc thiết kế các gói sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân cũng là một yếu tố quan trọng khác để thu hẹp khoản thiếu hụt bảo vệ. Khi phạm vi bảo vệ được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của từng phân khúc khách hàng, bảo hiểm sẽ dễ dàng tiếp cận được nhiều đối tượng hơn, khuyến khích mỗi người lựa chọn giải pháp bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của họ.
Ngoài ra, các hoạt động nâng cao nhận thức về an toàn tài chính của người dân cũng là một phần không thể thiếu trong mọi nỗ lực thu hẹp các khoản thiếu hụt bảo vệ ở các quốc gia đang phát triển. Bằng việc tăng cường hiểu biết về tầm quan trọng cũng như cách thiết lập một kế hoạch tài chính cá nhân toàn diện, các công ty bảo hiểm có thể hỗ trợ khách hàng và gia đình họ quyết định dễ dàng hơn. Khi tính toán được khoản thiếu hụt bảo vệ theo nhu cầu vào mức sống của mình, người dân sẽ có ý thức trách nhiệm về việc cần làm nhằm thu hẹp khoản thiếu hụt này. Đây chính là lúc các công ty bảo hiểm thể hiện vai trò ‘cầu nối bảo vệ’ của mình.
Khi tình hình thế giới biến động khó lường với những căng thẳng kinh tế – chính trị cùng hậu quả kéo dài của đại dịch COVID-19, vai trò của ngành bảo hiểm nhân thọ trong việc cung cấp sự bảo vệ và ổn định càng trở nên quan trọng. Dù vậy, để thực sự đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân và gia đình, các công ty bảo hiểm cần nỗ lực để thu hẹp các khoản thiếu hụt bảo vệ và đảm bảo rằng mọi người đều có quyền tiếp cận các giải pháp bảo hiểm toàn diện, phù hợp nhu cầu và khả năng chi trả của mình. Bằng cách áp dụng số hóa, mở rộng cá nhân hóa bảo hiểm và nâng cao nhận thức an toàn tài chính, các công ty bảo hiểm có thể đồng hành cùng người dân và Chính phủ Việt Nam trong mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 15% dân số được bảo vệ đúng mức.