Đinh Hoàn (Hòa Bình) phải ngừng vận hành xưởng đào Bitcoin vì tình trạng cắt điện bất ngờ khiến máy móc có thể hỏng hóc.
Đinh Hoàn, 34 tuổi, có một xưởng đào Bitcoin được cải tạo từ nhà kho cũ. Bốn năm trước, anh đầu tư dàn máy đào, đồng thời mở dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy nhờ đăng ký được nguồn điện kinh doanh giá rẻ.
“Dù giá tiền số biến động, xưởng của tôi luôn kín chỗ, khách gửi ổn định do giá điện rẻ”, anh cho biết. Tuy nhiên từ đầu tháng 6, nhiều khách báo ngừng dịch vụ sau một số lần cắt điện không được báo trước và xưởng không có nguồn điện dự phòng.
Theo anh, việc mất điện đột ngột ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của máy đào, nhẹ thì lỗi nguồn, main, còn nặng thì cháy thiết bị. Nếu khách không chủ động báo tắt nguồn, anh cũng sẽ thương lượng để tạm đóng xưởng, chờ nguồn điện ổn định lại do lo không đủ tiền đền máy nếu sự cố xảy ra.
Đinh Hoàn không tiết lộ quy mô của xưởng đào nhưng cho biết việc cắt điện từ đầu tháng 6 đã khiến một số máy của khách hàng gặp trục trặc. Anh phải bỏ tiền để sửa, đền bù. “Mất điện là sự cố khách quan, nhưng một số thợ đào yêu cầu xưởng phải đảm bảo hoạt động, dùng máy nổ hoặc điện mặt trời để duy trì dàn máy”, anh nói.
Chủ một xưởng đào giấu tên ở ngoại thành Hà Nội cho biết cuối 2022, khi độ khó của thuật toán giảm, anh thuyết phục hai người bạn mở xưởng, chấp nhận bỏ vốn lớn ra duy trì chờ giá Bitcoin phục hồi. Tuy nhiên, xưởng vừa đóng cửa do tình trạng thiếu điện diễn ra nghiêm trọng.
Trong khi đó, Hoàng Anh, chủ một trang trại Bitcoin bằng điện mặt trời ở An Giang, đang lên kế hoạch mở rộng quy mô sau khi thợ đào liên tục gọi điện hỏi thuê chỗ đặt “trâu cày”. “Phần lớn khách liên lạc ở miền Bắc. Họ không rõ khi nào nguồn điện ổn định trở lại, trong khi máy đào không thể ngừng hoạt động quá lâu”, anh nói.
Minh Nghĩa, quản trị viên một hội đào tiền mã hóa hơn 60.000 thành viên, cho biết các từ khóa như mất điện, tìm xưởng đào bằng điện mặt trời, điện gió đang trở thành chủ đề được thảo luận nhiều trong nhóm những ngày qua. Ngay cả thợ đào có vốn lớn, từng chấp nhận “gồng lỗ” trong mùa giảm giá cũng không dám mạo hiểm. Họ đối mặt rủi ro nếu tiếp tục vận hành, việc tắt máy bất ngờ khiến “trâu cày” hỏng vặt, giảm tuổi thọ. Nhưng nếu dừng hoạt động, họ sẽ mất lợi thế cạnh tranh khi các dàn máy ở những nơi khác vẫn hoạt động bình thường. Trong khi đó, đầu tư một hệ thống điện mặt trời hoặc điện gió mới để thay thế lại quá tốn kém, có thể lãng phí khi mọi thứ ổn định trở lại.
Theo Nguyễn Bình, một thợ đào tại Đồng Nai, đào tiền số giống một cuộc đua. Trong cùng một khoảng thời gian, người tham gia mạng lưới dựa vào sức mạnh máy móc để giải câu đố, ai giải nhanh nhất sẽ nhận phần thưởng là token. Việc cắt điện đột ngột cũng giống như xe đua đang chạy trên đường bị hết nhiên liệu, sắp về đích nhưng vẫn bị đối thủ vượt mặt, phải làm lại nhiệm vụ từ đầu.
“Với thợ đào Bitcoin nói riêng và tiền số nói chung, nguồn điện ổn định là ưu tiên hàng đầu. Mất điện không báo trước không chỉ khiến máy móc nhanh hỏng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của thợ đào”, anh Bình nói.
Khương Nha