Trong cuốn “Sài Gòn một thuở: ‘Dân Ông Tạ đó!'” tập 3, tác giả Cù Mai Công đã kể về thói ăn, nếp ở của cư dân vùng Ông Tạ và những kỷ niệm ở nơi đây.
Chợ Tết Ông Tạ trước đây họp cả trên đường. Ảnh: Harold Boehlert. |
Tiếp nối hai tập sách Sài Gòn một thuở: “Dân Ông Tạ đó!”, nhà Ông Tạ học Cù Mai Công tiếp tục cho ra mắt tập ba của bộ sách này. Tuy nhiên, lần này tác giả đã giới thiệu vùng Ông Tạ theo một cách khác.
Nếu Sài Gòn một thuở – “Dân Ông Tạ đó!” tập 1, Cù Mai Công phác họa toàn cảnh về vùng đất và một số nhân vật đã, đang và từng sống nơi đây, tập 2, ông nói về những con đường, ngõ hẻm, hàng quán, cùng vô số chân dung cụ thể với các chuyện kể, giai thoại… để khắc họa bản sắc vùng Ông Tạ, cốt cách người Ông Tạ, thì tập 3, tác giả đưa chúng ta bước vào một thế giới khác.
Đó là thế giới của mùi vị, của những mâm cơm đạm bạc trong những ngày khó, hay của những đồng quà tấm bánh vỉa hè của những ngày thơ ấu. Đó là những nếp nhà ông Tạ thuở khó nghèo vẫn nghiêm cẩn nuôi dạy con cái nên người. Đó là những ký ức, những kỷ niệm hồn nhiên tươi đẹp bên thầy cô, cùng bạn bè học trò ở vùng đất Ông Tạ, Bắc – Trung – Nam có đủ.
Tất cả kỷ niệm này đã trên dưới nửa thế kỷ, được tác giả gói gọn thành mấy chữ mà ông tạm gọi là “thói ăn, nếp ở, trường cũ bạn xưa” ở ông Tạ, và tương ứng với những chữ đó là 3 phần của cuốn sách.
Những món ngon nhất vùng ông Tạ
Ở phần một của cuốn sách, Cù Mai Công đã đưa chúng ta tới cả một trời ăn ba miền ở vùng ông Tạ, từ những món Bắc của bà con di cư năm 54, đến bà con người Nam, người Huế cố cựu ở đây trước năm 1954…
Theo tác giả, ẩm thực vùng Ông Tạ có hai điểm chung là giá cả bình dân và hương vị thơm lành của Bắc 54 hòa lẫn nét bình dị của món Sài Gòn – Gia Định, lại có chất dân dã của món miền Tây, rồi hòa thêm chất Huế, chất Quảng… Những món ăn này không “lừa” miệng lưỡi khách ăn bằng hương liệu, gia vị mà đẹp theo cách rất xưa, rất nền nã của một vùng Ông Tạ.
Trong cuốn sách, Cù Mai Công đã “xẻ dọc” vùng đất khu trung tâm của Ông Tạ và tỉ mỉ chọn ra những món ngon nhất để “thiết đãi” bạn đọc, từ những món ăn rất quen thuộc đối với người Sài Gòn ngày nay, đặc biệt trong những bữa ăn sáng là phở, xôi, bánh cuốn, bún chả, cháo sườn cho đến những món đặc trưng hơn, không phải để ăn hàng ngày mà dành cho những dịp đặc biệt. Có thể kể đến như mâm quả bánh cưới, kẹo lạc của đám cưới xưa, hay giò chả trong những dịp Tết.
Tác giả cũng cho biết có những món đơn sơ, giản dị nhưng tự lúc nào đã trở thành “biểu tượng” của một vùng đất như “Ông Tạ đệ nhất xôi” bà Lai, bánh rán cô Đó ngõ Con Mắt… Có món đã vươn ra biển lớn, được xếp hạng cao trong danh sách ẩm thực thế giới như Phở 79… Hay như Bánh cuốn – bún mọc Ông Tạ ở San Jose, Bắc California đã vào top ẩm thực Mỹ…
Qua ngòi bút của Cù Mai Công, thế giới ẩm thực của vùng Ông Tạ hiện lên với những màu sắc phong phú mà mỗi một món, mỗi một người bán đều sở hữu “bí kíp” riêng để níu chân thực khách. Do vậy, dù vươn ra biển lớn hay cố cựu ở một góc vỉa hè, dù là thất truyền hay đang biến đổi theo thời cuộc thì những món ngon của Ông Tạ vẫn để lại dấu ấn khó phai trong lòng thực khách gần xa.
Sách Sài Gòn một thuở – “Dân Ông Tạ đó” tập 3. Ảnh: H.Q. |
Nếp ở và cái đẹp của tình người
Ở các phần tiếp theo của cuốn sách, Cù Mai Công kể về con người, nếp ở của vùng ông Tạ.
Với Cù Mai Công “Người Ông Tạ” đa dạng. Có người là đại gia của thời đó như ông chủ tiệm ảnh Á Đông với ngôi nhà cao nhất Ông Tạ một thời – biểu trưng và động lực làm ăn cho cả một vùng đất khi ấy còn nhiều đầm lầy, kênh rạch, rừng cao su và cả mồ mả. Có người chỉ buôn gánh bán bưng như bà Rật xóm Mắm đã tất tả ngày đêm bán xôi chè, bánh dày, bánh cam… để nuôi con và nuôi lớn nhiều đứa trẻ Ông Tạ.
Có người cả đời gắn bó với con chữ như ông giáo Dũng, có người thuộc giới võ thuật đã kinh qua nhiều trận đấu lớn nhỏ như võ sĩ Lý Tiểu Quảng…
Nhưng vượt lên trên những câu chuyện cá nhân có chút riêng tư là nếp ở của cư dân vùng Ông Tạ, nói rộng hơn là nếp sống của người miền Nam khi xưa. Đó là sự giáo dục nghiêm cẩn của cha mẹ đối với con cái, là cái tình của người thầy đối với trò, là cái nghĩa xóm giềng, và là tình yêu với quê hương qua hương vị của món phở, món bánh cuốn… mà nay đã vươn ra biển lớn…
Đọc Sài Gòn một thuở – “Dân Ông Tạ đó!” tập 3, bạn sẽ thấy cái đẹp của tình người hiển hiện, dạt dào và chảy tràn trên từng trang sách. Chính cái tình đó đã gắn kết bao con người Ông Tạ với nhau. Và chính cái tình đó đã tạo nên hồn cốt của vùng Ông Tạ, điểm cho bức tranh Ông Tạ những màu sắc rất riêng, rất đời, không trộn lẫn ở bất kỳ đâu.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng!