Sau thời gian trầm lắng kéo dài do giãn cách, tình hình kiểm soát dịch bệnh đang có bước tiến tích cực khiến việc giao dịch BĐS khởi sắc hơn so với Quý 3. Nhiều dự án ở một số tỉnh, TP lớn bung hàng trong 2 tuần gần đây diễn ra khá sôi động, thậm chí một số dự án xuất hiện giao dịch với mức giá “chênh” cao hơn so với giá niêm yết từ chủ đầu tư.
Thị trường BĐS đang trỗi dậy
Thị trường bất động sản (BĐS) vừa có một khoảng thời gian thử thách dài gần như bất động bởi đại dịch. Sau đợt giãn cách, khi nền kinh tế được mở cửa trở lại, đây là một tia hy vọng của thị trường ở thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện nay.
Trong quý 3, nhiều tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội để chống dịch, đã khiến cho thị trường BĐS gần như “bất động”. Theo báo cáo mới công bố của Bộ Xây dựng, từ cuối tháng 4, dịch bệnh kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn những lần trước khiến các sàn giao dịch BĐS chưa kịp phục hồi hoàn toàn, do đó chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Tính đến nay, hầu như chỉ còn các sàn giao dịch BĐS thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án là tiếp tục duy trì hoạt động theo phương thức bán hàng trực tuyến. Còn lại khoảng 80% các sàn giao dịch BĐS chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.
Số liệu trong quý II của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công, bằng khoảng 20% so với quý trước, còn con số này tại TP.HCM là 3.002 giao dịch thành công, bằng khoảng 87% so với quý trước.
Đối với các chủ đầu tư, họ đang chật vật tìm đầu ra. Một số người trong trạng thái kẹt tiền, cần phải tìm được người có thành ý mua, nhằm mục đích giải quyết khó khăn tài chính nhưng giai đoạn này không dễ. Bởi lẽ, ở nhiều nơi làm hoạt động kinh doanh sản xuất đình trệ. Điều này dẫn đến các dự án BĐS có thể chậm tiến độ do thiếu nhân lực.
Cùng với đó là thiếu nguồn cung nguyên vật liệu do chậm trễ trong quá trình vận chuyển, cung ứng và do nguồn sản xuất bị trì hoãn. Quan trọng hơn, quá trình thực hiện các thủ tục hành chính kéo dài do các cơ quan nhà nước hoạt động dưới 50% công suất và đang trong giai đoạn chuyển đổi số, không nhận hồ sơ trực tiếp…
Đối với các NĐT vẫn muốn sở hữu BĐS đẹp nhưng họ cảm thấy khó giao dịch do giãn cách, khiến nhiều thị trường vắng bóng người mua. Không những thế, hàng loạt các nhân viên môi giới BĐS cũng sẽ gặp cảnh thất nghiệp. Nhiều người phải chọn ngả rẽ chẳng liên quan đến nghề BĐS để có chi phí lo cho cuộc sống và thích ứng trong dịch bệnh.
Nhiều điểm nóng sôi động, bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều triển vọng phục hồi
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang có chuyển biến tích cực. Cùng với đó nhờ vào vaccine, mọi người đã ít sợ hãi hơn. Đây sẽ là nền tảng thúc đẩy trở lại nhu cầu đầu tư và mua BĐS.
Thực tế cho thấy, vào thời điểm cuối tháng 9 đầu tháng 10, tình hình thị trường khởi sắc hơn rất nhiều. Nhiều nhà đầu tư BĐS phía Bắc đã tìm đến những điểm nóng thị trường trước đây như Thanh Hoá, Hạ Long, Bắc Giang, Hà Nội để tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt sau thời điểm giãn cách.
Anh Minh, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, hai tuần gần đây anh đã tìm đến những khu vực có tiềm năng đầu tư BĐS như Mê Linh, Đông Anh (Hà Nội), tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, anh nhận thấy, hiện tại nhiều NĐT đã bắt đầu xuống tiền gom BĐS có tiềm năng, nhưng chưa hẳn sôi động, nhiều người vẫn còn tâm lý chờ đợi.
Một nhà đầu tư khác là V. Anh thì cho rằng, hiện NĐT chuyên nghiệp đang săn lùng các BĐS mới của các chủ đầu tư uy tín, nhất là loại hình nhà ở thấp tầng. Đơn cử như một số dự án có giao dịch rất sôi động như Vinhomes Star City ở Thanh Hoá, Horizon Bay ở Hạ Long,…thậm chí cả thị trường nhà thấp tầng ở Vinhomes Ocean Park cũng có giao dịch rất tốt mặc dù mặt bằng giá ở đây đã lên cao, gấp 2 lần so với giá khởi đầu, đạt ngưỡng trên 140 triệu đồng/m2 cho một căn nhà thấp tầng có vị trí đẹp…
Trả lời báo chí gần đây, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐS Việt Nam, nhận định, khi các chỉ tiêu vĩ mô được đảm bảo, dịch bệnh được kiểm soát, thị trường BĐS sẽ phát triển, có sự bùng nổ ở một vài phân khúc và thị trường khu vực nhất định.
Thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục có những siêu dự án với quy mô lớn và rất lớn được đầu tư dưới dạng các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí với hạ tầng tốt, được khai thác, vận hành một cách đồng bộ, xây dựng theo hướng xanh – thông minh. Đó sẽ là những dự án tạo ra sức nóng và sự dẫn dắt trên thị trường.
Bên cạnh đó, nếu Chính phủ triển khai gói hỗ trợ lãi suất hoặc có các chương trình hỗ trợ dành cho chủ đầu tư BĐS, bao gồm nới lỏng các điều kiện cho vay, hỗ trợ lãi suất, tăng hạn mức tín dụng… sẽ giúp các chủ đầu tư tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn.
Dịch bệnh tuy khiến thị trường có phần chậm lại nhưng cũng là thời điểm vàng để khách hàng sàng lọc các dự án, nhận diện được các chủ đầu tư có tiềm lực, dễ dàng lựa chọn được các sản phẩm có giá hợp lý, tận dụng được nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng cũng như các chương trình khuyến mãi, chiết khấu.
Chính vì vậy, trong giai đoạn khó khăn 2021 – 2023, xu hướng đầu tư an toàn sẽ lên ngôi trong tâm lý người mua BĐS. Lựa chọn này cần các sản phẩm có thể thanh khoản nhanh chóng, dễ dàng.