Kể từ khi ông Trump tái đắc cử, cánh tay quyền lực của Elon Musk đã vươn dài đến giới chính trị. Khi đó, các đối thủ cạnh tranh với ông sẽ lọt vào tầm ngắm, đặc biệt là Sam Altman.
CEO Sam Altman của OpenAI từng nghĩ mối quan hệ giữa mình và đồng sáng lập Elon Musk đã hòa hoãn. Đầu năm nay, Musk khởi kiện Altman với cáo buộc phản bội sứ mệnh phi lợi nhuận của OpenAI, nhưng đã rút đơn kiện sau cuộc trò chuyện đầy thiện chí tại một hội nghị công nghệ ở Montana hồi tháng 3. Theo những người tham dự, cuộc trò chuyện kết thúc bằng một cái ôm.
Tuy nhiên, sau khi ông Donald Trump tái đắc cử, mọi thứ thay đổi chóng mặt. Musk bắt đầu công khai chỉ trích Altman, gọi OpenAI là “quái vật làm tê liệt thị trường” trong đơn kiện mở rộng, đồng thời gán cho Altman biệt danh “Swindly Sam” (Sam bịp bợm) trên X. Những hành động này khiến Altman cảm thấy ngỡ ngàng và bị phản bội, theo một nguồn tin thân cận với ông.
Elon Musk – “vị tổng thống bóng tối”
Theo Wall Street Journal, Musk đã đóng góp 200 triệu USD vào chiến dịch tranh cử của Trump và tự gọi mình là “người bạn đầu tiên” (First Buddy) của tổng thống đắc cử trên X.
Sau bầu cử, ông chủ SpaceX gần như không rời Mar-a-Lago, nơi được xem là trụ sở không chính thức của Trump. Tại đây, Musk đã tham gia các cuộc gọi với nhiều nhân vật quan trọng như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và CEO Alphabet Sundar Pichai. Nhiều người gọi Elon Musk là “vị tổng thống bóng tối”.
Việc Musk đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) mới cùng Vivek Ramaswamy càng cho thấy ảnh hưởng của ông đã vượt xa phạm vi kinh doanh. Điều này gây lo ngại cho các đối thủ của Musk vì chính quyền mới có thể ưu ái Musk khi ban hành các quy định liên quan đến AI, không gian vũ trụ và ngành xe điện.
Trong đó, CEO Sam Altman OpenAI là mục tiêu công kích hàng đầu của Musk. OpenAI được thành lập vào năm 2015 với sứ mệnh phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) phục vụ lợi ích nhân loại.
Tuy nhiên, đến năm 2017, mối quan hệ giữa 2 nhà sáng lập rạn nứt khi Altman và các đồng sáng lập khác từ chối đề nghị kiểm soát công ty của Musk. CEO rời khỏi hội đồng quản trị vào năm 2018 và liên tục chỉ trích việc OpenAI chuyển sang mô hình kinh doanh vì lợi nhuận và nhận đầu tư lớn từ Microsoft.
Trong số những đối thủ của Musk, mâu thuẫn với Altman đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Ảnh: WARP. |
Trong vụ kiện mới đây, Musk cáo buộc Altman đã lừa gạt mình tài trợ cho một tổ chức phi lợi nhuận, trong khi thực tế lại có ý định biến OpenAI thành công ty vì lợi nhuận. Altman đã bác bỏ những cáo buộc này, gọi vụ kiện là “vô căn cứ”.
“Tôi không tin tưởng OpenAI. Tôi không tin Sam Altman. Và tôi không nghĩ chúng ta nên để AI mạnh nhất thế giới được điều khiển bởi một người không đáng tin cậy”, Musk nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10.
Việc Musk thành lập công ty AI đối thủ xAI càng khiến mối quan hệ thêm căng thẳng. Theo Wall Street Journal, vị trí của Musk trên bàn cân chính trị có thể sẽ ưu ái xAI hơn OpenAI của Altman. Hiện tại, Donald Trump đang cân nhắc thành lập vị trí “AI Czar” (ông trùm AI) nhằm điều phối các vấn đề về an toàn, hạ tầng và cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc.
Trên thực tế, quá trình Sam Altman xây dựng mối liên hệ với chính quyền Trump cũng không mấy suôn sẻ. Ông đã cố gắng tiếp cận những người thân cận với Trump như con rể Jared Kushner, nhưng những nỗ lực này không mấy thành công.
Gần đây, Altman gặp Howard Lutnick, đồng chủ tịch nhóm chuyển giao quyền lực của Trump, để nói về kế hoạch đầu tư vào các trung tâm dữ liệu lớn và tạo việc làm cho người Mỹ. Tuy nhiên, Lutnick, hiện là ứng viên dẫn đầu cho vị trí Bộ trưởng Thương mại, lại được cho là có mối quan hệ gần gũi với Musk.
Một số CEO đang cạnh tranh với các công ty của Musk đều ngần ngại lên tiếng công khai chống lại ông vì sợ bị xa lánh giữa lúc quyền lực của ông đạt đến đỉnh cao chưa từng có. Những người từng làm việc với Musk đều nói rằng ông là kiểu người ngày càng mạnh hơn nhờ có kẻ thù xung quanh.
Danh sách kẻ thù dài dằng dặc của Elon Musk
Theo Wall Street Journal, người đàn ông giàu nhất hành tinh không ngần ngại công khai các mối hiềm khích của mình. Ông từng ám chỉ rằng mình có một “nghĩa địa đầy kẻ thù” và sẵn sàng bổ sung thêm nếu cần thiết. Từ Bill Gates, Jeff Bezos đến Mark Zuckerberg, danh sách “kẻ thù” mà ông đã truy đuổi trải dài qua các vụ kiện và những bài viết trên tài khoản 200 triệu người theo dõi trên X.
Ông từng chỉ trích Gates khi vị tỷ phú này đặt cược rằng giá cổ phiếu của Tesla sẽ giảm. Musk tức giận đến mức đăng một bức ảnh không mấy hay ho của Gates trên X bên cạnh emoji người đàn ông đang mang thai, kèm theo dòng chữ: “Còn anh thì cần phải giảm cân nhanh đấy”.
“Khi biết tin tôi bán khống cổ phiếu, anh ta đã cực kỳ ác ý với tôi. Nhưng anh ta cực kỳ ác ý với rất nhiều người, nên bạn không thể coi đó là chuyện cá nhân được”, Gates nói với người viết tiểu sử của Musk, Walter Isaacson.
Musk từ lâu đã nổi tiếng với những cuộc xung đột cá nhân, nhắm vào các nhân vật nổi tiếng như Bill Gates, Jeff Bezos hay Mark Zuckerberg. Ảnh: New York Times. |
Tương tự, mối bất hòa với Zuckerberg bùng nổ sau khi Meta ra mắt Threads, nền tảng cạnh tranh với X. Musk đã thách thức Zuckerberg tham gia đấu võ MMA. Khi cuộc đấu có dấu hiệu hạ nhiệt, Musk lại khơi mào lần nữa. “Tôi đã đề nghị đấu với anh ta ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, bất kỳ quy tắc nào, nhưng tất cả những gì tôi nghe được chỉ là tiếng dế”, CEO Tesla viết trên X.
Do đó, nhiều người lo lắng việc Musk gần gũi với Trump sẽ “kích hoạt” quyền lực để triệt hạ đối thủ nhằm làm lợi cho ông trùm công nghệ. Nghị sĩ Adam Smith, thành viên cấp cao của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang, bày tỏ lo ngại rằng mối quan hệ giữa Trump và Musk có thể ngăn cản sự cạnh tranh.
“Nói chung, điều đó khiến tôi lo lắng, cách tôi chứng kiến Trump đưa ra quyết định và chắc chắn cả Musk nữa. Hiện tại rõ ràng Musk đã có ảnh hưởng”, Adam Smith nói với Wall Street Journal.
Khi quá trình chuyển giao quyền lực của ông Trump đang dần tiến triển, các đối thủ cạnh tranh của Musk cũng gấp rút thuê các công ty vận động hành lang có quan hệ với tổng thống đắc cử.
Họ hy vọng tìm được cách liên lạc với vòng tròn của Trump và hàn gắn mối quan hệ với ông và ông trùm công nghệ. Họ đã thông qua những người và công ty có quan hệ với chánh văn phòng Susie Wiles của Trump, những người thân cận với Donald Trump Jr., một số giám đốc điều hành chính sách công cho biết.
Trong khi đó, một vài người khác lại chọn cách hòa bình hơn. Từng ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris và thường xuyên tranh cãi với Musk trong suốt chiến dịch tranh cử, nhưng tỷ phú Mark Cuban đã chúc mừng cả Trump và Musk về X sau chiến thắng của Trump. “Ông đã thắng một cách công bằng”, Cuban viết.
Elon Musk khi thiết kế Cybertruck: ‘Đừng trái ý tôi!’
Trong cuốn Tiểu sử Elon Musk, tác giả Walter Isaacson đưa người đọc đến những câu chuyện đằng sau vị tỷ phú phức tạp, như cách ông cùng lúc điều hành loạt doanh nghiệp Tesla, SpaceX và Twitter. Nguồn cảm hứng để thiết kế ra chiếc xe Cybertruck cũng được nhắc đến. Việc Elon Musk kiên định với thiết kế lạ lùng của mẫu xe bán tải, thậm chí đến mức cực đoan, cho thấy tính cách của vị tỷ phú.