“Đồng hồ” của Richard Paul Evans là tác phẩm tuy ngắn nhưng lại ẩn chứa bài học lớn và đầy ý nghĩa về thời gian, sự tha thứ cũng như thông điệp về trân trọng những giá trị tốt đep.
Nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Chiếc hộp Giáng sinh ra mắt vào năm 1995, tuy vậy Richard Paul Evans chưa từng có ý định trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Ban đầu ông chỉ vô tình viết ra cuốn sách nói trên để tặng cho hai con gái, thế nhưng nó đã bất ngờ trở thành sách bán chạy, và bản chuyển thể truyền hình đã nhận được giải Emmy danh giá.
Từ thành công ấy, ông đã viết trên 40 đầu sách và phần lớn trong số đó được giới chuyên môn cũng như độc giả đánh giá rất cao. Ra mắt một năm sau đó, Đồng hồ vẫn là tác phẩm mang đậm dấu ấn như tác phẩm trước, với sự nhẹ nhàng, ngôn ngữ tinh tế, phong cách hài hước cũng như mang đến rất nhiều bài học có giá trị lớn.
Tiểu thuyết Đồng Hồ. Ảnh: Huyền Trang. |
Thông điệp về sự tha thứ
Lấy bối cảnh nước Mỹ vào đầu thế kỷ 20, cuốn sách xoay quanh câu chuyện của vị triệu phú David Parkin và cô thư ký Mary Anne tình cờ gặp nhau. Ngay từ giây phút đầu tiên, David đã biết đây chính là người phụ nữ dành riêng cho mình. Bị gã hôn phu từ bỏ và đã mang thai đứa con của y, Mary Anne cay đắng tìm kế sinh nhai, rồi bất ngờ trước lời tỏ tình từ sếp của mình.
Gia đình của họ và em bé nhỏ sinh sống hạnh phúc tháng ngày sau đó. Nhưng rồi David vướng vào rắc rối khi cố bảo vệ người bạn da màu thân thiết – Lawrence – khỏi việc xét xử mang nhiều định kiến ở giai đoạn này của người da trắng. Liệu số phận anh sẽ trôi về đâu, và tình cảm ấy có được bền chặt qua những thử thách?
Trong tác phẩm này, hình tượng đồng hồ giữ vai trò chính cũng như tượng trưng cho rất nhiều điều. Nó vừa là sự gắn kết giữa các nhân vật, nhưng cũng đồng thời là sự bất tử riêng trong tình yêu. Richard Paul Evans sử dụng hình ảnh ấy một cách khéo léo, để gắn nó với những gì con người vẫn luôn trân trọng hay là bỏ qua.
Đó là mong ước về một chuyện tình sẽ luôn vĩnh hằng như là thời gian giữa David và Mary Anne, như chiếc đồng hồ có dạng tủ đứng cao hơn hai mét ông dành cho bà. Vẻ đẹp, sự trang nghiêm cũng như giá trị của vật chất đó khó có thể sánh về mặt tình cảm họ dành cho nhau, nhưng không thể nào phủ định đó là minh chứng cho tình cảm mãnh liệt giữa hai người.
Bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đã lên sóng cùng năm. Ảnh: Rotten Tomatoes. |
Thế nhưng ở khía cạnh khác, đồng hồ cũng là ước mơ được dừng lại một khoảnh khắc để hạnh phúc có thể vẹn nguyên. Đây không chỉ là mơ ước của con người hiện đại, mà từ xa xưa, vị vua La Mã Vitellius từng có lần chi ra nhiều tiên để muốn mùa xuân dài thêm một phút. Sau đó ông khoe khoang rằng mình mua được thứ mà những kẻ khác không thể. Đó là thời gian.
Thoạt tưởng vị vua thật là hoang đàng, nhưng ngẫm nghĩ lại, nhất là đối với những người trải qua biến động cũng như mất mát trong chính cuộc sống, thì một phút đó có thể chính là cuộc đời của bản thân họ. Như David nói, anh muốn giàu thêm để mà làm gì khi không thể ở cùng con gái trong thời thơ ấu?
Từ đó tác giả hướng người đọc đến một câu hỏi lớn, liệu khi đối mặt với sự hận thù cũng như mất mát, ta nên làm gì? Báo thù đổi lấy báo thù không hơn loài thú, hay tha thứ để rồi nhận ra thời gian, định mệnh và những bất ngờ của cuộc sống này sẽ chữa lành nó? Qua bi kịch của một gia đình, Richard Paul Evans đã chạm đến được vấn đề cốt tủy, buộc chính chúng ta sẽ phải suy ngẫm.
Lối viết độc đáo trong một tác phẩm nhẹ nhàng
Thoạt nhìn nội dung cuốn sách tương đối đơn giản với chuyện tình yêu và những bài học truyền cảm hứng sống. Thế nhưng Richard Paul Evans biết cách tạo ra những điểm nhấn riêng, khi nghệ thuật viết của nhà văn sinh năm 1962 có phần cuốn hút. Bằng kết cấu truyện lồng trong truyện, phân mảnh thời gian cũng như kết hợp văn xuôi và các đoạn nhật ký, Đồng hồ trở nên đa thanh và đầy sống động.
Theo đó ông rất biết cách neo giữ người đọc bằng sự hài hước ẩn hiện trong cuốn sách. Có thể nói đó là sự kết hợp có phần kỳ lạ giữa tính chính xác và sự nhạy cảm thuộc về văn phong. Chẳng hạn khi so sánh việc Mary Anne tao nhã sánh vai cùng một David thường hay đùa bỡn, Evans đã cho một nhân vật phụ gọi nó là “lợn tìm nấm cục”, nhưng đó lại là thứ nấm quý giá mà không phải ai cũng có thể ăn. So sánh của ông đầy sự hài hước nhưng cũng mang những ngầm ý rất riêng.
Nhật ký mang tính cá nhân của riêng một người cũng là một hình thức tốt để vị tác giả có thể truyền tải thông điệp mà không sống sượng hay lên gân. Trong chính những ghi chép đó, độc giả như được tìm về câu chuyện của người từng trải, từ đó dễ dàng tiếp nhận cũng như suy ngẫm về những đúc kết của một đời người.
Vượt trên cả những điều đó, tác giả đã khai thác được tối đa bối cảnh mà bản thân chọn. Xoay quanh nước Mỹ đầu thế kỷ 20, ông đã phơi bày cuộc sống của những đứa trẻ không nhận được đủ tình thương của cha mẹ mình. Đó là con cái của những ông bố làm dưới hầm mỏ để khai thác than hoặc là tham vọng đào được mỏ vàng, để khi hiện thực không như là mơ, chúng dần trở thành nạn nhân của việc bạo hành.
Một vấn nạn khác cũng được đề cập có phần nhức nhối đó là vấn đề phân biệt chủng tộc và thói trưởng giả của xã hội ấy. Trong khi những người như ông Lawrence dù đã đứng lên phục vụ cuộc chiến, thì sau những gì ông đã hy sinh, chỉ còn lại đó là sự thờ ơ cũng như ghê sợ của chính những người ông đã bảo vệ, chỉ bởi thân hình to hơn, màu da sạm hơn khi ông là người da màu.
Có một dung lượng tương đối khiêm tốn, thế nhưng tác giả Richard Paul Evans đã kể câu chuyện có phần xúc động về tình bạn, tình yêu và tình mẫu tử vô cùng thiêng liêng qua cuốn Đồng hồ. Qua đó, độc giả có thêm bài học về sự tha thứ, để biết thời gian rồi sẽ chữa lành tất cả mọi thứ, và thứ quan trọng duy còn sót lại là tình yêu thương.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.