Nhâm nhi một tách cà phê buổi sáng là thói quen của nhiều người. Điều này có thể giúp bạn bắt đầu ngày mới hứng khởi hơn nhưng nếu uống không đúng cách, nó sẽ tàn phá sức khỏe của bạn một cách ghê gớm.
Rất nhiều người thường chọn uống cà phê vào buổi sớm, thay cho bữa sáng mà không biết rằng uống cà phê lúc đói dễ gây ra các triệu chứng mất nước. Đồng thời, nó có thể ảnh hưởng đến tim mạch, gây tình trạng nhịp tim bất thường, gây áp lực lên tim và ảnh hưởng xấu đến huyết áp.
Uống cà phê lúc dạ dày còn rỗng làm tăng mức axit hydrochloric trong dạ dày. Cà phê có độ pH là 5 (cũng nằm trong khoảng axit). Vì vậy, khi bạn uống cà phê, dù là vào buổi sáng hay buổi tối, chúng đều có thể khiến mức axit dạ dày tăng lên.
Khi bạn nạp thức ăn nhiều dầu mỡ, chất đạm, các protein không được cơ thể hấp thụ hết sẽ bị axit phân hủy, gây ra các vấn đề như viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, đầy hơi, thậm chí dẫn đến ung thư ruột già. Uống cà phê khi chưa ăn sáng, bạn có thể cảm thấy đầy bụng, ợ hơi và khó chịu kéo dài.
Không chỉ thế, uống cà phê khi dạ dày rỗng sẽ làm cho mức cortisol trong cơ thể tăng cao tới 50% và cần thời gian đáng kể để trở lại mức cân bằng. Cortisol là hormone gây căng thẳng, khi tăng cao nó sẽ ảnh hưởng đến mức độ tập trung và hiệu quả làm việc của bạn. Tất cả các chuyên gia y tế cho rằng, đây là lý do chính họ khuyên bạn không uống cà phê vào buổi sáng, khi dạ dày rỗng.
Bạn cũng không nên uống cà phê trong bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn, bởi các hoạt chất trong cà phê có thể cản trở sự hấp thu sắt trong cơ thể.
Ngoài ra, đừng bao giờ uống cà phê vào buổi tối bởi caffeine sẽ khiến bạn bồn chồn, mất ngủ và kiệt sức vào sáng hôm sau.