So với các khoản vay thông thường, thời gian lưu trữ thông tin lịch sử nợ xấu thẻ tín dụng trên báo cáo của CIC ngắn hơn.
Ngày nay, thẻ tín dụng ngày càng trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Nhiều người chọn sử dụng thẻ tín dụng như một công cụ hỗ trợ tài chính ngắn hạn, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp hoặc để tận dụng ưu đãi mua sắm.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại là không phải ai cũng có khả năng quản lý tài chính cá nhân hiệu quả khi sử dụng thẻ tín dụng. Nhiều người dễ dàng chi tiêu vượt quá khả năng thanh toán của mình, hoặc không nắm rõ các quy định về lãi suất và phí phạt, dẫn đến việc không thanh toán đúng hạn. Điều này không chỉ khiến họ phải đối mặt với khoản nợ lãi cao mà còn làm tăng nguy cơ rơi vào tình trạng nợ xấu.
Nợ xấu là khoản nợ mà người vay không thể hoặc không có khả năng trả theo thỏa thuận ban đầu. Đây là một trong các thông tin tiêu cực về khách hàng vay bên cạnh thông tin về việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hành vi vi phạm pháp luật, bị khởi kiện, khởi tố…, có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính cá nhân và khả năng vay mượn trong tương lai của khách hàng vay. Hiện nay, nhiều ngân hàng sẽ từ chối xét duyệt hồ sơ cho vay đối với khách hàng có các khoản nợ xấu được lưu trữ trên hệ thống tính điểm tín dụng CIC.
Căn cứ Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ được phân loại thành 05 nhóm gồm:
Nợ Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn),
Nợ Nhóm 2 (Nợ cần chú ý),
Nợ Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn),
Nợ Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ),
Nợ Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) .
Đồng thời, khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định: Nợ xấu (NPL) là nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5. Thông tin về nợ xấu sẽ được cập nhật, lưu giữ và bảo mật để khai thác, sử dụng trên Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc Gia (CIC).
Báo cáo thông tin tín dụng khách hàng vay cá nhân sẽ bao gồm thông tin quan hệ tín dụng (các khoản vay tại TCTD hiện thời), thông tin lịch sử nợ xấu, thông tin về bảo đảm tiền vay, thông tin điểm tín dụng,…
Về thời gian lưu trữ thông tin lịch sử nợ xấu. Theo mẫu cáo cáo cập nhật gần đây của CIC, thông tin lịch sử nợ cần chú ý sẽ xuất hiện trong vòng 12 tháng. Lịch sử nợ xấu về dư nợ cho vay trong vòng 5 năm gần nhất. Với riêng nợ xấu thẻ tín dụng, sẽ hiện trong 3 năm gần nhất.
Đối với người dùng thẻ tín dụng, nguyên nhân dẫn đến nợ xấu có thể xuất phát từ nhiều lý do. Một số người dùng thẻ tín dụng để giải quyết các chi phí phát sinh mà không có kế hoạch tài chính dài hạn. Một số khác lại bị cuốn vào việc tiêu xài quá mức mà không kiểm soát được. Thậm chí, việc quên thanh toán đúng hạn hoặc không hiểu rõ các điều khoản trong hợp đồng thẻ tín dụng cũng góp phần đẩy nhiều người vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính.
Người dùng cũng chú ý, không có cơ chế nào về việc xóa nợ tại CIC, cũng như không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có thể thực hiện được việc xoá nợ trước thời hạn đã quy định. Do đó, để duy trì một hồ sơ tín dụng tích cực, khách hàng cần chú ý thanh toán đúng hạn khoản nợ bao gồm cả gốc lẫn lãi để tránh phát sinh lãi suất quá hạn. Sau khi đã thanh toán khoản nợ, khách hàng cần chủ động thông báo với cán bộ tín dụng để tất toán khoản nợ và thực hiện các bước xác minh nếu cần thiết.