Việc thông tin lịch sử nợ xấu hiện diện trên sản phẩm thông tin tín dụng ảnh hưởng lớn tới khả năng vay vốn của khách hàng cá nhân. Ngay cả khi đã tất toán xong khoản nợ, thông tin lịch sử nợ xấu cũng sẽ không biến mất lập tức trên báo cáo tín dụng thể nhân CIC.
Nợ xấu là khoản nợ mà người vay không thể hoặc không có khả năng trả theo thỏa thuận ban đầu. Đây là một trong các thông tin tiêu cực về khách hàng vay bên cạnh thông tin về việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hành vi vi phạm pháp luật, bị khởi kiện, khởi tố…, có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính cá nhân và khả năng vay mượn trong tương lai của khách hàng vay.
Hiện nay, nhiều ngân hàng sẽ từ chối xét duyệt hồ sơ cho vay đối với khách hàng có các khoản nợ xấu được lưu trữ trên hệ thống tính điểm tín dụng CIC.
Căn cứ Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ được phân loại thành 05 nhóm gồm:
Nợ Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn),
Nợ Nhóm 2 (Nợ cần chú ý),
Nợ Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn),
Nợ Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ),
Nợ Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) .
Đồng thời, khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định: Nợ xấu (NPL) là nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5. Thông tin về nợ xấu sẽ được cập nhật, lưu giữ và bảo mật để khai thác, sử dụng trên CIC.
Báo cáo thông tin tín dụng khách hàng vay cá nhân sẽ bao gồm thông tin quan hệ tín dụng (các khoản vay tại TCTD hiện thời), thông tin lịch sử nợ xấu, thông tin về bảo đảm tiền vay, thông tin điểm tín dụng,…
Về thời gian lưu giữ và cung cấp lịch sử nợ xấu trên CIC, thông tin tiêu cực về khách hàng vay chỉ được sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng trong thời gian tối đa 05 năm, kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Điều này có nghĩa, sau 5 năm kể từ khi khách hàng tất toán khoản nợ, lịch sử nợ xấu mới được xóa khỏi sản phẩm thông tin tín dụng. Nếu khách hàng không tất toán, lịch sử nợ xấu vẫn hiện diện trên báo cáo.
Đáng chú ý, trước đây, nếu khách hàng có nợ xấu với dư nợ dưới 10 triệu đồng thì CIC sẽ ngừng cung cấp thông tin ngay sau khi khách hàng tất toán và thông tin tất toán được ngân hàng báo cáo. Tuy nhiên, từ 1/1/2024, bất kể số dư nợ xấu bao nhiêu và khách hàng đã tất toán thì thông tin nợ xấu này chỉ được xóa sau 5 năm.
Người dùng cũng chú ý, không có cơ chế nào về việc xóa nợ tại CIC, cũng như không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có thể thực hiện được việc xoá nợ trước thời hạn đã quy định. Do đó, để duy trì một hồ sơ tín dụng tích cực, khách hàng cần chú ý thanh toán đúng hạn khoản nợ bao gồm cả gốc lẫn lãi để tránh phát sinh lãi suất quá hạn. Sau khi đã thanh toán khoản nợ, khách hàng cần chủ động thông báo với cán bộ tín dụng để tất toán khoản nợ và thực hiện các bước xác minh nếu cần thiết.