Khi cụ Huỳnh gặp Bác, thì Cụ đã 69 tuổi và lúc đó Bác cũng đã ở tuổi 55. Trong gần hai năm cộng tác, Bác và Cụ đã rất gắn bó, quý trọng nhau.
Cái chất mộc mạc, dí dỏm, tế nhị được thể hiện trong bức điện – thơ sau đây mà Bác gửi từ Paris về cho cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trước khi chép lại bức điện – thơ đó, chúng tôi xin được nói điều này: Cụ Huỳnh là một bậc đại khoa, từng đậu Tiến sĩ, nhưng nhất quyết không ra làm quan, mấy chục năm tham gia phong trào yêu nước, đấu tranh chống chế độ áp bức của thực dân Pháp.
Cụ đã bị chúng tù đày nhiều năm ở nhà tù Côn Đảo. Ra tù Cụ lại tiếp tục đấu tranh, làm báo vạch mặt bọn thực dân cướp nước. Cụ là một chí sĩ khẳng khái, uy tín và đạo đức rất cao. Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời, Bác Hồ đã hai lần gửi điện mời Cụ ra Hà Nội tham gia công tác Chính phủ.
Ảnh tư liệu. |
Ra tới Hà Nội, cụ Huỳnh nói với Bác Hồ: “Tôi ra đây là cốt gặp Cụ, chớ lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất mà tôi không biết cầm cày, cầm cuốc; lại cần phải kháng chiến mà tôi lại không mang súng nổi. Cụ nên kiến nghị người trẻ thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn”.
Sau nhiều lần trao đổi, Bác Hồ đã thuyết phục được Cụ tham gia Chính phủ, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ngoài ra cụ Huỳnh còn đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội liên hiệp Quốc dân Việt Nam.
Khi cụ Huỳnh gặp Bác, thì Cụ đã 69 tuổi và lúc đó Bác cũng đã ở tuổi 55. Trong gần hai năm cộng tác, Bác và Cụ đã rất gắn bó, quý trọng nhau, thân thiết nhau. Trong bài thơ “Thất thập tự thọ”, cụ Huỳnh viết:
“Bẩy tuần đầu bạc như bông,
Gặp người tri kỷ thôi xong đã già”.
Cụ Huỳnh đã có nhiều bài viết, nhiều câu nói ca ngợi Bác Hồ, như: “Người thân yêu, kính mến nhất của đồng bào quốc dân ta là Hồ Chí Minh tiên sinh. Là bậc yêu nước đại chí sĩ, là nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia, chân đi khắp năm châu, mắt trông xa vạn dặm”. (thư “Kính cáo đồng bào, phụ lão kháng chiến viết đầu năm 1947” – do Nguyễn Văn Hạp dịch từ chữ Hán).
Thời gian Bác đi thăm chính thức nước Pháp năm 1946, Cụ có bài thơ:
“Tung hoành bể Sở với non Ngô,
Đàm lược ai hơn Chủ tịch Hồ.
Mưa gió dãi dầu bao tuế nguyệt,
Nước non gây dựng nổi cơ đồ.
Sen kia chẳng ngại hôi bùn lấm,
Tùng nọ bao phen ngọn gió xô.
Khắp cả ba kỳ đều tín nhiệm,
Rộn ràng muôn miệng tiếng hoan hô”.
Nếu chỉ được biết những đoạn văn, những bài thơ, những câu nói như đã kể trên, thì chúng ta có thể hình dung quan hệ giữa cụ Huỳnh và Bác Hồ là quan hệ chuẩn mực giữa hai người đã lớn tuổi, rất nghiêm túc, rất đạo mạo; sự bỡn cợt khó có thể có mặt ở đây. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy! Chúng ta có thể hiểu được điều này qua câu chuyện nhỏ sau đây: Một lần, vào năm 1946, cụ Huỳnh tới thăm Bác Hồ và Cụ đã ứng tác hai câu thơ sau:
“Năm mươi sáu tuổi vẫn chưa già,
Cụ ông thấy, cụ bà không?”
Lúc ấy Bác Hồ chỉ cười, nhưng rồi trong thời gian sang Pháp, bên cạnh những bức điện văn gửi về hỏi tình hình và thăm cụ Huỳnh, Bác còn gửi Cụ một bức điện – thơ với nội dung như sau:
“Nghĩ chẳng ra thơ để trả lời,
Nhớ ơn Cụ lắm cụ Huỳnh ơi!
Non sông một mối chung nhau gánh,
Độc lập xong rồi cưới vợ thôi!1
Chỉ qua mấy dòng điện – thơ này ta bỗng hiểu thêm quan hệ rất thân mật, rất trẻ trung, rất con người giữa Bác và Cụ Huỳnh.