Thủ tục làm nhà ở xã hội có thể kéo dài 4-5 năm, qua thẩm định của hơn 10 đơn vị khiến thời gian triển khai kéo dài, lợi nhuận không còn hấp dẫn, theo chuyên gia.
Giai đoạn 2021-2025, TP HCM đặt mục tiêu phát triển từ 26.000-35.000 căn nhà ở xã hội, thông tin được Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường nêu tại tọa đàm “Nhà ở xã hội, đột phá từ chính sách mới” do báo Người lao động tổ chức ngày 21/11.
Tuy nhiên, theo ông Cường, từ năm 2021 đến tháng 9 năm nay, thành phố mới hoàn thành 6 dự án (5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân) quy mô 2.745 căn hộ, đang thi công 4 dự án với gần 3.000 căn hộ, tức mới hoàn thành được 20% chỉ tiêu.
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM, cho rằng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của thành phố gặp khó vì vướng mắc quy trình. Nhà đầu tư phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp từ các cơ quan, đơn vị khác nhau. Riêng quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư đã mất từ 1-2 năm do phải lấy ý kiến từ 10 đơn vị liên quan. Sự chồng chéo giữa các bước dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thành dự án.
Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai Huỳnh Tấn Lộc cho biết một trong những trở ngại lớn là thời gian để chọn nhà đầu tư kéo dài gần bằng thời gian lập hồ sơ và triển khai xây dựng. Sau khi Nghị định 115 có hiệu lực, toàn bộ hồ sơ phải được lập lại theo quy định mới, gây thêm sự trì hoãn.
Ngoài ra, ông nói việc xác định vị trí xây dựng nhà ở xã hội theo chương trình phát triển nhà ở gặp nhiều bất cập. Các vị trí ưu tiên được đưa ra nhưng thực tế không phải lúc nào cũng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp hay người lao động. Còn khi nhà đầu tư đề xuất vị trí nằm ngoài danh mục quy hoạch, việc xử lý trở nên phức tạp và tốn thời gian.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP HCM, chỉ ra các dự án đã được chấp thuận chủ trương nhưng quy trình thẩm định và phê duyệt thủ tục thường kéo dài, có dự án mất từ 4-5 năm vẫn chưa hoàn thành. Điều này làm tăng chi phí và giảm sức hút của các dự án nhà ở xã hội. Ngoài ra sau khi được phê duyệt, giá mua nhà ở xã hội thường không đồng nhất với phương án ban đầu, gây khó khăn cho chủ đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp không có vốn đối ứng đủ mạnh.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, chia sẻ lợi nhuận giới hạn ở mức 10% là quá thấp khi thủ tục kéo dài đến 5 năm, giai đoạn đầu tư mất thêm 2 năm. Tính bình quân trong 7 năm thì mỗi năm chỉ đạt khoảng 1,3-1,5% lợi nhuận, không đủ tài chính để tái đầu tư. Không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án xong là không muốn tiếp tục.
“Chính sách mới có sự động viên tinh thần và sự quan tâm rất tốt, nhưng các giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề vẫn chưa rõ ràng”, ông Nghĩa cho hay.
Bàn về giải pháp khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa mong muốn có những quy định rõ ràng hơn, tránh phát sinh bất cập giữa luật cũ và mới trong khâu hậu kiểm. Trong bối cảnh quỹ đất của TP HCM hạn chế, cần có cơ chế đặc thù cho các chủ đầu tư đã sở hữu quỹ đất sạch. Nếu giá đất đã được tính thuế, cần đưa phần chi phí này vào giá thành căn hộ để đảm bảo giá hợp lý cho người lao động. Điều này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của TP HCM và có thể triển khai ngay.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, cũng cho rằng Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, đơn giản hóa quy trình phê duyệt và rút ngắn thời gian triển khai dự án. Việc quy hoạch đất sạch ở các khu vực có nhu cầu lớn, như khu công nghiệp hoặc khu chế xuất rất cần để đảm bảo tiện lợi cho người lao động.
Trước những ý kiến của doanh nghiệp, Phó chủ tịch TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết thành phố đang gấp rút hoàn thiện tờ trình để Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, dự kiến hoàn tất trong tháng 11. Thành phố sẽ cụ thể hóa quy hoạch phân khu, xác định rõ các vị trí dành cho nhà ở xã hội.
Về giải quyết quá trình phê duyệt phức tạp, TP HCM đã lập tổ công tác đặc biệt do đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng, phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch – Kiến trúc, Xây dựng, cùng đại diện các quận, huyện và TP Thủ Đức. Tổ công tác này sẽ tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và lấy ý kiến liên ngành. Ngoài ra, UBND TP HCM đang phối hợp với Liên đoàn Lao động để đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là các mô hình nhà cho thuê và thuê mua, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của công nhân, người lao động.
Sở Xây dựng cũng đã tổng hợp ý kiến từ các đơn vị, đề xuất tích hợp các bước thủ tục đầu tư hiện tại lại với nhau, nhằm rút ngắn thời gian xử lý. Theo đó, việc rà soát pháp lý sẽ được thực hiện trước, tạo cơ sở để tích hợp ba bước thủ tục hiện tại thành một bước duy nhất. Sau khi hoàn thành, Sở Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng.
Phương Uyên