Dưới đây là giải đáp của chuyên gia về tin đồn vắt chanh vào nước rau có thể phát hiện tồn dư chất hoá học, kim loại nặng.
Như chúng ta biết, bình thườngbát canh rau muống sau khi luộc xong sẽ có màu xanh. Nhưng khi vắt nước cốt chanh vào sẽ chuyển sang đỏ hoặc vàng. Nhiều người chia sẻ với nhau mẹo vắt nước cốt chanh vào nước rau sẽ biết được rau có thuốc sâu hay kim loại nặng hay không. Nếu nước rau chuyển màu vàng hoặc hồng là rau không có thuốc. Còn nếu sau khi vắt nước cốt chanh vào, nước rau không chuyển màu mà vẫn có màu xanh chứng tỏ rau có tồn dư chất bảo vệ thực vật.
Chị N.T.Đ (sống tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết, sống tại thành phố nên chị không thể tự trồng rau được. Chị thường mua rau ngoài chợ. Tuy nhiên, sau khi mua rau về, chị Đ nhặt bỏ gốc, lá vàng, rửa sạch ngâm muối và vắt thêm một chút chanh vào. Sau đó chị sẽ rửa sạch và luộc chín. Rau vớt ra chị Đ dùng một chút nước cốt chanh vắt vào nước rau. Nếu nước chuyển từ màu xanh sang màu vàng, chị Đ mới cảm thấy yên tâm để ăn rau đó.
Theo chị Đ, cách xử lý rau bằng chanh giúp chị tự tin loại bỏ được tồn dư hoá chất, kim loại nặng trong rau.
Vậy việc ngâm rau trong nước muối, chanh và hiện tượng đổi màu của nước rau liệu có khẳng định được rau an toàn hay không?
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia Công nghệ thực phẩm, dùng muối và chanh để ngâm rửa thực phẩm là một giải pháp rửa sạch trên bề mặt. Từ trước đến nay, ông cha ta vẫn dùng muối và chanh để khử mùi tanh cho các thực phẩm như thịt, cá. Cả muối và chanh chỉ là dung môi để rửa sạch bề mặt.
“Việc ngâm nước muối và chanh không có tác dụng tẩy sạch được chất tồn dư bảo vệ thực vật, kim loại nặng trong rau. Vì chanh không tạo ra phản ứng hoá học với các chất tồn dư có trong thịt, cá hay rau.
Chanh là môi trường axit, chỉ có tác dụng chuyển hoá một chút nếu thực phẩm có kiềm. Bản chất của chanh chỉ là một chất mang tính tẩy rửa”, PGS Thịnh nói.
Việc ngâm muối, chanh chỉ là một giải pháp mang tính chất tâm lý cho các bà nội trợ. Khi rau đã có tồn dư chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng khó có thể loại bỏ.
Nước rau muống đổi màu vàng, đỏ khi vắt chanh
Liên quan tới việc nước rau muống luộc sẽ đổi màu khi vắt nước cốt chanh vào, PGS Thịnh cho biết, trong nước rau muống có chứa một số chất như chỉ thị màu. Ở môi trường kiềm nó có màu xanh, còn môi trường axit sẽ chuyển màu vàng hoặc đỏ.
Do vậy, việc vắt nước cốt chanh vào bát canh rau muống luộc chuyển màu là điều rất bình thường, không có liên quan tới việc có chất hoá chất, thuốc trừ sâu, kim loại nặng.
PGS Thịnh giải thích khi vắt chanh vào nước rau muống, nước sẽ có màu vàng hoặc hồng, đỏ. Đó là quá trình chuyển hoá phản ứng hoá học. Trong nước rau muống có chứa một lượng kiềm Ca(OH)2, chất diệp lục phản ứng như chất chỉ thị màu. Nước chanh chứa lượng axit hữu cơ yếu (axit citric) nên khi vắt chanh sẽ làm thay đổi độ axit của nước rau.
Khi vắt chanh vào nước rau muống sẽ khiến cho màu của nước rau muống chuyển từ xanh sang vàng hoặc đỏ, tùy theo lượng nước cốt chanh được vắt vào (phụ thuộc vào nồng độ axit).
Hiện tượng chuyển màu của nước rau muống luộc cũng tương tự xảy ra khi cho sấu hay me vào luộc cùng rau. Do các loại quả này cũng có tính axit làm nước chuyển màu.
Chuyên gia khuyến cáo không thể dùng nước chanh để nhận biết rau có tồn dư chất hoá học hay không. Thay vào đó hãy chọn nguồn rau an toàn để đảm bảo cho sức khoẻ gia đình bạn.