Vỏ chuối được cho là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn cả thịt quả chuối nếu biết ăn đúng cách. Tuy nhiên điều này có thực sự đúng hay không?
Thực hư thông tin “vỏ chuối tốt hơn thịt quả chuối
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm cho biết, đa phần các loại vỏ trái cây không ăn được và không tốt cho sức khỏe. Ví như, chẳng ai ăn được vỏ quả dừa, quả mít hay sầu riêng… Hầu hết vỏ của các loại trái cây đều chứa ít dinh dưỡng nên sẽ bị vứt bỏ.
“Mọi người không nên ăn vỏ của một số loại trái cây chẳng hạn như vỏ ổi, vỏ hồng xiêm do chúng có vị chát, chứa nhiều chất tannin. Chất này có thể khiến cơ thể khó hấp thu một số chất dinh dưỡng, gây ra tình trạng khó tiêu”, PGS Thịnh nói.
Tuy nhiên vẫn có một số loại trái cây chúng ta có thể ăn cả vỏ và rất tốt cho sức khỏe ví dụ như táo, nho, các loại quả mọng… Phần vỏ của những loại trái cây này thường có màu sắc đặc trưng khi chín. Màu sắc đặc trưng này thường được tạo ra bởi nhiều hoạt chất sinh học, vitamin, chất chống oxy hóa, chất chống viêm tốt cho sức khỏe.
Trước thông tin, vỏ chuối tốt hơn thịt quả chuối, PGS Thịnh cho rằng: “Đấy chỉ là thông tin nói vống lên giá trị thực sự của vỏ chuối. Nếu vỏ chuối tốt thì ông cha ta đã không vứt bỏ khi ăn”.
Theo PGS Thịnh giá trị dinh dưỡng của vỏ chuối sẽ phụ thuộc vào mức độ quả chín. Ví dụ như vỏ chuối xanh thường dày và rất chát nên được dùng để kho cá, giúp khử mùi tanh. Khi nấu chín vỏ chuối xanh cũng mềm và dễ ăn hơn.
Còn đối với vỏ chuối chín, một nghiên cứu trong ống nghiệm chỉ ra rằng vỏ chuối chứa chất chống oxy hóa. Vỏ chuối cũng có nhiều vitamin B6 và B12, các khoáng chất như magie, kali đặc biệt hàm lượng kali trong vỏ chuối khá cao, không thua kém gì so với thịt quả chuối. Vỏ chuối cũng chứa nhiều hoạt chất sinh học dạng polyphenols, carotenoids,… có khả năng chống oxy hoá, chống ung thư, bảo vệ tế bào,…
PGS Thịnh cho biết: “Vỏ chuối chín có nhiều chất xơ hơn thịt quả chuối. Vỏ chuối cũng có chứa các vitamin, khoáng chất nhưng hàm lượng rất thấp. Tuy nhiên, vỏ chuối dù chín vẫn có vị chát nên rất khó ăn và thường bị mọi người vứt bỏ”.
Chuối là loại quả có chứa nhiều chất dinh dưỡng, trong 100g chuối tiêu chín có 74g nước, 1,5g protid, 0,4g axit hữu cơ, 22,4g glucid, 0,8g cellulose, cung cấp 100 calo, vượt xa các loại quả ngọt khác. Chuối còn chứa nhiều kali, vitamin có tác dụng chống oxy hóa rất mạnh, giúp tăng cường khả năng miễn dịch trong cơ thể và chống táo bón hiệu quả.
Vị chuyên gia công nghệ thực phẩm cho rằng, thịt chuối chứa nhiều dinh dưỡng còn vỏ chuối chỉ chứa một phần nhỏ dưỡng chất nhưng khi ăn sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh.
Nguyên nhân là do hiện nay khi trồng chuối, người trồng có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Điều này khiến vỏ chuối dễ bị phơi nhiễm với thuốc trừ sâu, có thể gây tác động xấu đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.
Ngoài ra, trong quá trình dấm chuối để chuối đẹp, người trồng cũng có thể dùng hóa chất để chuối chín đều. Quả chuối có thể bị ngâm tẩm và dấm bằng amoniac hay sulfur dioxide để vỏ chín vàng đẹp. Sulfur dioxide khi vào cơ thể có thể gây hại cho hệ thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng gan và thận. Quả chuối chín ép bằng hóa chất có thân chín vàng đều, đẹp nhưng cuống vẫn có màu xanh và đầu ngọn vẫn dính nhựa. Khi bóc vỏ ra ăn, thịt chuối vẫn bị sượng.
Do vậy, vị chuyên gia công nghệ thực phẩm cũng khuyên người dân không nên ăn vỏ chuối để đảm bảo an toàn với sức khỏe.