Giá USD lao dốc, Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ này để tăng dự trữ ngoại hối, góp phần giúp tỉ giá hạ nhiệt và thêm dư địa ổn định lãi suất cho vay.
Ngày 12-9, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.187 đồng/USD, giảm mạnh 25 đồng so với hôm trước. Giá USD ở các NH thương mại cũng lao dốc mạnh về 24.365 đồng mua vào, 24.705 đồng bán ra, giảm gần 100 đồng/USD so với đầu tháng 9. So với mức đỉnh hồi tháng 4, tỉ giá chỉ còn tăng khoảng 0,8% so với đầu năm nay.
Giá USD giảm mạnh
Chị Bích Thanh (ngụ quận 5, TP HCM) cho biết chị vừa có chuyến đi du lịch nước ngoài và rất bất ngờ khi mua USD tại NH thương mại với giá khoảng 24.720 đồng. Trong khi đó, hồi tháng 4, chị đi nước ngoài công tác phải mua USD với giá tới 25.480 đồng. “Tính ra, giá USD ở các NH thương mại đã hạ nhiệt rất nhiều” – chị nhận xét.
Tỉ giá giảm sâu tác động tích cực tới nhiều ngành và lĩnh vực của nền kinh tế .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo ghi nhận, giá USD ở các NH thương mại liên tục giảm trong những ngày qua sau khi rớt khỏi mốc 25.000 đồng. Theo các NH, giá USD lao dốc trong bối cảnh chỉ số đồng USD (USD Index) hạ nhiệt nhanh chóng, hiện chỉ còn 101,7 điểm – mức thấp nhất kể từ đầu năm nay – sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu về việc cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong cuộc họp chính sách vào tháng 9 này.
Trong bối cảnh thị trường ngoại tệ dồi dào, Kho bạc Nhà nước đã thông báo có nhu cầu mua vào 100 triệu USD ngoại tệ từ các NH thương mại. PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP HCM, đánh giá động thái của Kho bạc Nhà nước cho thấy cơ quan quản lý sẵn sàng mua USD để tăng nguồn dự trữ ngoại hối, sau thời gian phải bán ra để can thiệp thị trường.
Tăng dự trữ ngoại hối đồng nghĩa với việc bơm VNĐ ra thị trường, giúp tỉ giá USD/VNĐ không giảm quá nhanh, tránh ảnh hưởng xuất khẩu. “NHNN có khả năng sẽ tiếp tục mua ngoại tệ, tạo nhiều dư địa hơn cho việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và giúp lãi suất huy động không tăng quá cao” – PGS-TS Huân nhận định.
Ông Hoàng Huy, chuyên gia phân tích chiến lược Công ty Chứng khoán Maybank, cho rằng sau khi rớt khỏi mốc 25.000 đồng/USD, tỉ giá liên tục duy trì ở dưới mức này. Đáng chú ý, NHNN đã phản ứng sớm khi chủ động điều hành linh hoạt việc phát hành tín phiếu, giảm lãi suất thị trường mở (OMO)… Những yếu tố này nhằm “đi tắt đón đầu” các tín hiệu cắt lãi suất của FED (dự kiến từ 0,25 đến 0,5 điểm % vào kỳ họp tháng 9), mở ra cơ hội giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường liên NH thời gian tới. Qua đó, tạo dư địa để hạ nhiệt lãi suất huy động trong cư dân.
“NHNN đã ban hành thông tư liên quan việc cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức và mua bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách Nhà nước. Trong đó, Kho bạc Nhà nước có thể mua ngoại tệ trực tiếp từ nguồn dự trữ ngoại hối của NHNN thay vì phải mua trực tiếp từ thị trường, qua đó giảm tải áp lực đối với tỉ giá trong nước” – ông Huy nhìn nhận.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích – Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định diễn biến mới của tỉ giá mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế trong nước, nhất là giảm áp lực lạm phát, tăng cường sức mua nội địa và củng cố niềm tin tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tỉ giá hạ nhiệt có lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm cả đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII). Bởi lẽ, khi tỉ giá ổn định, nhà đầu tư nước ngoài mới yên tâm rót vốn.
Đối với các DN, những đơn vị nhập khẩu sẽ hưởng lợi nhiều khi tỉ giá giảm, giúp giảm chi phí đầu vào. Với DN xuất khẩu, về lý thuyết sẽ chịu tác động tiêu cực khi giá USD giảm do hàng hóa thanh toán bằng đồng USD. Song, việc Mỹ kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát sẽ giúp một số ngành hàng xuất khẩu vào thị trường này hưởng lợi gián tiếp do sức cầu tiêu dùng kỳ vọng cải thiện.
Đáng chú ý, theo các chuyên gia, tỉ giá giảm sẽ giúp lãi suất “dễ thở” hơn, đặc biệt trong bối cảnh các NH đang nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, lãi suất cho vay sẽ không biến động quá mạnh so với hiện tại. Lãi suất có thể nhích lên vào cuối năm khi nhu cầu vay cao, nhất là các tỉnh miền Bắc cần nguồn vốn để tái thiết, phục hồi sau thiên tai. Nhu cầu này nhiều khả năng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn.
NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào nhóm các ngành sản xuất – kinh doanh; công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; tiêu dùng thiết yếu. Eximbank cũng đẩy mạnh cho vay cá nhân mua nhà để ở, nhận quyền sử dụng đất xây nhà ở, không đầu tư vào các dự án đầu cơ bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp dưới chuẩn.
“Eximbank tập trung cấp tín dụng cho DN sản xuất – kinh doanh, xuất nhập khẩu, DN nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân – cho vay phục vụ nhu cầu thiết yếu. Khách hàng vay đầu tư sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng thiết yếu sẽ được ưu tiên tinh giản hồ sơ, thời gian xử lý nhanh chóng và mức lãi suất ưu đãi nhất trong các mảng mục đích sử dụng vốn” – đại diện Eximbank cho biết.
Chứng khoán hưởng lợi?
Theo các chuyên gia, nếu FED giảm lãi suất sẽ không tác động ngay tới chính sách tiền tệ của Việt Nam mà cần độ trễ nhất định. Đổi lại, lãi suất giảm tác động tích cực tới tâm lý thị trường, giúp dòng vốn đảo chiều từ Mỹ sang các thị trường mới nổi.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân phân tích thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á đang chứng kiến đà mua ròng trở lại của khối ngoại. Chẳng hạn ở Indonesia, khối ngoại mua ròng 3 tỉ USD; ở Thái Lan và Philippines bức tranh cũng tích cực. Riêng với thị trường chứng khoán Việt Nam, do VN-Index định giá không còn hấp dẫn nên chưa thể đảo chiều đà bán ròng của khối ngoại.