Các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu sản xuất hàng cuối năm và lễ, Tết đang gặp khó khăn khi giá nhập nguyên liệu tăng do ảnh hưởng tỉ giá, đơn hàng giảm vì đối tác gặp khó…
Giảm sản lượng, lùi đơn hàng
Là DN có tên tuổi trong lĩnh vực xuất khẩu thực phẩm đông lạnh như há cảo, hoành thánh, chả giò… sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, nhưng ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Agrex Sài Gòn cho biết, suốt 10 năm qua, chưa bao giờ thời điểm cuối năm DN phải giảm công suất như lúc này. Hiện công ty chỉ hoạt động khoảng 60-65% công suất. Nguyên nhân là đồng USD tăng giá.
Mặc dù Công ty Agrex Sài Gòn đa số sử dụng nguyên liệu nội địa để làm món ăn, nhưng vẫn phải nhập khẩu bột mì trong quá trình sản xuất. Thời gian qua, giá bột mì nhập khẩu đã tăng thêm 40-50%, từ mức 500-600 USD/tấn lên mức 1.000 USD/tấn. Như vậy DN nhập khẩu phải bỏ gấp đôi số tiền để nhập nguyên liệu. Nay giá USD tăng cao thêm khoảng 2.000 đồng/USD so với năm 2021, tiếp tục gây áp lực tài chính lên DN, nếu nhập 100 tấn bột mì thì DN lỗ 200 triệu đồng do tỷ giá tăng.
“Khó chồng khó khi tất cả chi phí đầu vào đều tăng nhưng đơn hàng xuất khẩu lại giảm do người tiêu dùng tại các nước đang thắt chặt chi tiêu. Theo kế hoạch, các đơn hàng đã ký sẽ xuất khẩu vào tháng 10 này nhưng đều nhận được yêu cầu dời sang tháng 12 hoặc năm sau” – ông Long chia sẻ.
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc chuỗi siêu thị Hải sản Hoàng Gia cho hay, mỗi tháng công ty nhập khẩu hải sản từ gần 10 nước như Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Úc… Các hợp đồng nhập khẩu chủ yếu được thanh toán bằng USD. Khi tỉ giá thay đổi, tác động ngay đến kết quả kinh doanh của công ty. Tỉ giá tăng như vừa qua, ước tính mỗi tháng công ty ông phải mất thêm vài tỷ đồng do chênh lệch tỉ giá. Trong khi đó, công ty chưa dám điều chỉnh tăng giá bán hàng hóa vì sức mua tương đối thấp và phải gồng gánh phần chi phí tăng thêm.
Ông Trần Văn Quang, đại diện Công ty may Minh Quang (quận Tân Bình) cho biết, giá USD tăng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty vì ảnh hưởng trực tiếp đến giá hàng hóa đầu vào sản xuất khi đơn vị phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu. “Với mức tăng tỉ giá vừa qua, chúng tôi phải nhập nguyên liệu đầu vào tăng tương ứng nhưng lại không thể tăng giá nguyên liệu, thành phẩm bán ra vì đối tác không chấp nhận. Chúng tôi chỉ còn cách chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ mối quan hệ làm ăn lâu dài với khách, nhưng không biết sẽ cầm cự giữ giá được bao lâu nếu giá USD cứ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới” – ông Quang lo ngại.
Kiến nghị nhiều giải pháp giúp DN
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, giá hàng hóa đầu vào sản xuất đồng loạt tăng, đẩy chi phí sản xuất tăng 20-30%. Điều này tác động lớn đến khả năng cạnh tranh của DN ngành lương thực, thực phẩm và ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị hàng Tết.
“Hiệp hội đã kiến nghị UBND TPHCM tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh và hạ tầng hậu cần, kho vận… nhằm giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí, dễ dàng tiếp cận vốn vay với mức lãi suất phù hợp, giữ vững hoạt động sản xuất trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao”, bà Chi nói.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nhìn nhận, biến động tỉ giá ảnh hưởng rất lớn khi hơn 70% DN có hợp đồng mua bán với đối tác nước ngoài, 100% cước vận chuyển thanh toán bằng USD. Đồng USD tăng giá, DN xuất khẩu được hưởng lợi khi không phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Nhưng vấn đề là hầu hết các DN sản xuất đều phải nhập khẩu nguyên phụ liệu và chi trả bằng USD.
“Nếu DN có tiềm lực về tài chính, không phải vay USD thì phần hưởng lợi từ chênh lệch cũng không là bao sau khi trừ các khoản chi phí đang tăng giá khác như phí vận chuyển, phí nguyên vật liệu. Ngược lại, nếu phải vay USD từ ngân hàng để nhập khẩu nguyên liệu rồi xuất khẩu, có thể lỗ nếu đơn hàng giảm”, ông Hưng nói.