Đô la Mỹ giảm trong phiên cuối cùng của năm 2021, nhưng tính chung cả năm tăng gần 7%; đô la Canada là đồng tiền lớn duy nhất không giảm giá so với USD, trong khi lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm khoảng 44%.
Đô la Mỹ giảm trong phiên 31/12 giữa không khí giao dịch thưa thớt. Tuy nhiên, so với đầu năm, chỉ số này đã tăng gần 7% do các nhà đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất sớm hơn hầu hết các nền kinh tế lớn khác trong bối cảnh lạm phát gia tăng bởi lượng tiền khủng tung ra từ các chương trình kích thích kinh tế chống COVID-19.
Theo đó, chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 31/12 theo giờ Việt Nam giảm 0,289% xuống 95,729.
Trong phiên này, euro tăng 0,33% so với USD, lên 1,1362 USD; bảng Anh tăng 0,21% lên 1,3527 USD; yen Nhật giảm 0,03% xuống 115,075 JPY/USD, trong khi lira Thổ Nhĩ Kỳ tăng 0,98% lên 13,1835 lira/USD. Nhân dân tệ của Trung Quốc phiên này kết thúc ở mức 6,375 CNY.
Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, Dollar index tăng gần 7%. USD đã tăng so với hầu hết các loại tiền tệ trên thế giới.
Mức độ biến động của USD so với các loại tiền tệ trên thế giới.
Sở dĩ USD đạt được mức tăng mạnh mẽ nhất kể từ năm 2015 là do đồng tiền này được hỗ trợ bởi nền kinh tế Mỹ đang cải thiện từng ngày và lạm phát dai dẳng buộc Ngân hàng trung ương nước này – Fed – phải thay đổi chính sách tiền tệ, từ ôn hòa sang ‘diều hâu’ theo đó dự kiến sẽ bắt đầu tăng lãi suất sớm nhất là vào tháng Ba.
Trong năm qua, đồng tiền hoạt động tốt nhất so với USD trong nhóm các đồng tiền lớn là đô la Canada. Đồng tiền này gần như đi ngang trong năm qua (chỉ giảm 0,1% trong cả năm 2021), được hỗ trợ bởi kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Canada sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ ngay sau tháng 1/2022.
Đồng tiền lớn diễn biến tệ nhất so với đô la Mỹ là yen Nhật, giảm 10,3%. Đồng euro – chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số Dollar index – đã giảm 7,3% so với USD trong năm 2021 do việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) “bám sát kế hoạch chính sách tiền tệ cực kỳ ôn hòa trong khi Fed tăng tốc độ thắt chặt tiền tệ và lên kế hoạch tiếp tục thắt chặt trong tương lai xa, “các nhà phân tích của Scotiabank cho biết.
Theo các nhà phân tích này: “Chúng tôi nhận thấy đồng tiền chung có khả năng sẽ tiếp tục suy yếu trong năm 2022, xuống mốc 1,10 và có thể còn giảm nữa bởi những ‘cơn gió ngược’ vẫn tồn tại vững chãi, ngoại trừ khả năng (rất khó xảy ra) là ECB sẽ tăng lãi suất vào cuối năm 2022 / đầu năm 2023. Chỉ điều đó mới có thể hỗ trợ chút ít cho euro”.
Đồng euro đã giảm khoảng 6% trong năm 2021 so với đồng bảng Anh do nhà đầu tư bớt lo ngại về tác động của đại dịch đối với kinh tế Anh, đồng thời các nhà phân tích dự kiến Ngân hàng Anh sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất vào năm 2022.
Trong khi đồng bảng Anh ở mức cao nhất so với đồng euro kể từ tháng 2 năm 2020, thì bảng Anh lại giảm hơn 1% so với euro trong năm 2021.
Đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong năm 2021 so với USD, mặc dù không phải là đồng tiền đối tác chủ chốt, là lira của Thổ Nhĩ Kỳ, đã giảm khoảng 44% so với USD, mức giảm tồi tệ nhất trong vòng hai thập kỷ, bị tác động bởi lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ không nhất quán của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Hầu hết các tiền tệ Châu Á kết thúc năm thứ 2 của đại dịch bằng kết quả tiêu cực, với đồng baht Thái giảm nhiều nhất trong vòng 2 thập kỷ khi nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch tiếp tục chịu áp lực bởi virus Covid-19.
Mức độ biến động của tiền tệ Châu Á năm 2021.
Đồng won của Hàn Quốc cũng giảm 9,4% trong năm 2021, mức giảm nhiều nhất kể từ 2008, trong khi peso của Philippines, ringgit của Malaysia và rupee Ấn Độ đều giảm từ 2% đến 6%.
Tuy nhiên, đồng đô la Đài Loan (Trung Quốc) và nhân dân tệ của Trung Quốc đại lục đều tăng hơn 2% so với USD trong năm qua, trong đó nhân dân tệ tăng năm thứ 2 liên tiếp và trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất trong khu vực khi tăng 2,4% so với USD nhờ thặng dư thương mại và dòng vốn đầu tư mạnh mẽ trong năm này mặc dù sức mạnh tổng thể của USD vẫn vượt trội.
Các nhà phân tích của Australia and New Zealand Banking Group (ANZ) kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ duy trì khả năng phục hồi so với đồng đô la bất chấp chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang trong những tháng tới, và CNY sẽ tăng lên 6,3 CNY/USD vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng Hà Lan, ING, cho biết họ dự đoán đồng nhân dân tệ sẽ có nhiều biến động. Theo đó, dòng vốn chảy vào danh mục đầu tư của Trung Quốc có thể chậm lại trong năm 2022 nếu Trung Quốc không nhanh chóng nới lỏng các biện pháp hạn chế chống COVID-19, dẫn đến sự biến động “khi đối mặt với một Fed ngày càng có thái độ ‘diều hâu’” hơn.
Nhân dân tệ và đô la Đài Loan là hai đồng tiền hiếm hoi trong khu vực Châu Á tăng giá so với USD.
Ở Đông Nam Á, đồng Bạt Thái Lan đã trải qua năm 2021 giảm 10,3% so với USD, năm giảm tồi tệ nhất kể từ 2000, do nền kinh tế vẫn chịu áp lực từ sự phục hồi chậm trễ của ngành du lịch, một nguồn thu chính của đất nước.
Các nhà phân tích của ANZ cho rằng đồng baht sẽ tăng giá lên mức 32,10 vào cuối năm 2022, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài với giả định rằng các hạn chế đi lại được nới lỏng và du lịch phục hồi.
Đáng chú ý, tiền đồng của Việt Nam cũng tăng giá so với USD trong năm 2021. Theo đó, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng cuối năm 2021 được giao dịch ở mức 22.788 VND/USD, giảm gần 1,3% so với cuối năm trước. Trong khi giá mua USD tại các ngân hàng cũng giảm 330 – 400 đồng/USD, tương ứng giảm 1,5 – 2% và giá bán giảm 250 – 330 đồng/USD, tương đương 0,8 – 1,4%. Ở phía ngược lại, tỷ giá USD trung tâm chỉ tăng nhẹ 14 đồng so với cuối năm 2020 trong khi giá USD tự do tăng 80 -100 đồng/USD. Đây đều là mức biến động thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Với diễn biến trên thị trường ngân hàng, VND là một trong số ít các loại tiền tệ trong khu vực đã tăng giá so với USD trong năm 2021.
Tham khảo: Refinitiv