Theo nghiên cứu gần đây, ăn quá nhanh có thể dẫn tới việc tăng cân và là tác nhân gây ra các bệnh như đau dạ dày, tim mạch. Vậy nên, bạn nên cân nhắc dành nhiều thời gian hơn cho bữa ăn sau.
Ăn nhanh ảnh hưởng thế nào đến dạ dày?
Với nhiều người, ăn nhanh đã trở thành thói quen khó bỏ và coi việc ăn chậm là tác phong lề mề, thiếu công nghiệp. Tuy nhiên, chính thói quen này lại gây áp lực rất lớn lên cơ thể, đầu tiên là dạ dày. Khi thức ăn đưa vào miệng, tuyến nước bọt tại khoang miệng và dịch vị tại dạ dày được tiết ra, chuẩn bị cho quá trình tiêu hoá. Nếu ăn vội vàng để thức ăn quá to khi đưa vào dạ dày sẽ phải làm việc quá sức và rất vất vả mới tiêu hóa hết số lượng thức ăn đó. Việc này xảy ra thường xuyên sẽ làm tổn thương dạ dày, nguy cơ khiến bạn đau dạ dày là rất cao.
Bạn có thể bị đau dạ dày do ăn quá nhanh
Cùng với việc ăn cay nóng, chua, bỏ bữa hay ăn không theo giờ cố định, đây là những thói quen gây đau dạ dày phổ biến. Ngoài ra, những nguyên nhân gây đau dạ dày còn do việc sử dụng rượu bia, thuốc lá, nhiễm vi khuẩn HP hay căng thẳng, tức giận. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc căng thẳng và tức giận sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình điều trị bệnh đau dạ dày của bạn.
Thừa cân, tiểu đường và những vấn đề về tim mạch
Nghiên cứu chỉ ra những người ăn chậm thường ít bị thừa cân béo phì và ít có nguy cơ mắc phải hội chứng chuyển hoá – một tổng hợp những rối loạn trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và đột quỵ. Những rối loạn đó gồm huyết áp cao, đường huyết khi đói cao hay nồng độ Cholesterol tốt (HDL) thấp. Những rối loạn này đã nguy hiểm khi đứng độc lập, và khi kết hợp với nhau, nguy cơ bộc phát những vấn đề tim mạch, nhất là đột quỵ cao hơn rõ rệt.
Bạn sẽ ăn nhiều hơn khi ăn nhanh, có thể dẫn đến thừa cân và tiểu đường
Ăn nhanh còn liên quan đến việc tăng cân, đường huyết cao và một cái bụng mỡ lớn. Tuy chưa có nghiên cứu độc lập nào chứng minh điều này, nhưng các nghiên cứu liên quan được trình bày bởi Hiệp hội Khoa học tim mạch Hoa Kỳ vào năm 2017 đã đưa ra những giải thích khá thuyết phục. Việc ăn nhanh khiến dạ dày không kịp truyền thông tin lên não bộ rằng bạn đã no và bạn có thể dừng ăn, dẫn đến việc bạn ăn nhiều hơn so với cần thiết, dư thừa năng lượng dẫn đến thừa cân, béo phì. Chưa kể nếu các món bạn ăn là các món ngọt, bạn cũng tăng nguy cơ bị tiểu đường lên rất cao.
Một bữa ăn nên kéo dài bao lâu?
Ăn quá nhanh thực sự là một thói quen không tốt đối với sức khỏe. Các chuyên gia sức khỏe cho biết cơ thể phải mất khoảng 15 đến 20 phút để thiết lập chế độ tiêu hóa thích hợp và kiểm soát khẩu phần. Vì vậy, chúng ta nên dành cho mỗi bữa ăn khoảng 20 đến 30 phút. Khoảng 15 phút kể từ khi bắt đầu ăn, dịch tiêu hóa tiết ra nhiều nhất. Khi đó, thức ăn sẽ được tiêu hóa tốt nhất, có lợi cho quá trình phân giải và hấp thụ các nguyên tố dinh dưỡng. Nhai đều 15-32 nhịp cho mỗi miếng thức ăn trong miệng sẽ là tối ưu, hãy đảm bảo rằng bạn không cần phải dùng sức quá nhiều khi nuốt, bạn cũng sẽ đảm bảo dạ dày sẽ không quá sức. Hãy dành thời gian để thưởng thức bữa ăn của bạn
Chúc bạn luôn có sức khoẻ tốt!