Đối với những người quen với gửi tiết kiệm lĩnh lãi, theo TS Trần Hoàng Ngân, vẫn tiếp tục duy trì chứ không nên đầu tư vào vàng, USD đều rất rủi ro.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng về việc tỷ giá vẫn chưa thể giảm nhanh như mong muốn, TS. Trần Hoàng Ngân – Thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia đưa nhận định, do yếu tố tâm lý và thị trường cần có thời gian để thích nghi với chính sách mới của NHNN.
Theo phân tích của TS. Trần Hoàng Ngân, lý do chính thị trường chờ đợi thêm một đợt điều chỉnh nữa chủ yếu do kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, nên khả năng tiếp tục phá giá là hiện hữu…
Vậy ông đánh giá thế nào về khả năng điều chỉnh tiếp của tỷ giá khi thị trường thế giới tiếp tục bất ổn?
Thống đốc NHNN đã khẳng định việc tỷ giá bị đẩy lên sát trần những ngày qua chủ yếu do tâm lý găm giữ ngoại tệ của một số DN và NH. NHNN đã yêu cầu các NH chấm dứt găm giữ ngoại tệ để giải tỏa tâm lý cho thị trường, đồng thời đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng gom USD của DN.
Tôi cho rằng, vừa qua, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá khá lớn. Có thể nói, quyết định này đi trước một bước lường đón những khó khăn áp lực xảy ra trong thời gian tới. Với mức điều chỉnh tỷ giá 3%, theo tôi đã đủ độ linh hoạt để NHNN giữ ổn định tỷ giá và không có lý do phải điều chỉnh tỷ giá thêm nữa.
Thực tế, mỗi lần điều chỉnh tỷ giá nhà điều hành phải rất cẩn trọng vì đồng tiền mất giá là ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào đồng bản tệ, uy tín quốc gia… Vì thế, các nước trên thế giới chỉ sử dụng công cụ này khi có những tác nhân mạnh từ bên ngoài buộc họ phải tự vệ.
Ông có nghĩ rằng, thị trường phản ứng một cách thái quá?
Thị trường lúc nào cũng nóng và phản ứng mạnh trước thông tin chính sách. Nhất là giới đầu cơ ngoại tệ rất nhanh nhạy nên theo tôi, các cơ quan quản lý cần phải tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh mua bán ngoại tệ tại các NH cũng như ở ngoài thị trường tự do xem có chấp hành đúng pháp lệnh ngoại hối hay không.
Trong thời gian vừa qua, do thị trường không có nhiều biến động nên có thể cơ quan quản lý thị trường ít quan tâm. Với diễn biến như hiện nay chắc chắn phải lưu tâm hơn.
Vấn đề nữa, bên cạnh thông tin tuyên truyền thì thị trường cũng cần hành động cụ thể từ nhà điều hành. Ví như, NHNN cũng sẽ sẵn sàng bán ngoại tệ cho NHTM nếu hụt trạng thái ngoại hối và NHTM sẵn sàng bán ra ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu của DN. Những thông điệp phải thật rõ ràng để thị trường tin rằng không có lý do gì để NHNN điều chỉnh nữa.
Trong bối cảnh tỷ giá, giá vàng, chứng khoán đều có biến động, theo ông, thời điểm này, người dân nên đầu tư vào kênh nào là an toàn nhất?
Đối với những người quen với gửi tiết kiệm lĩnh lãi theo tôi vẫn tiếp tục duy trì chứ không nên đầu tư vào vàng, USD đều rất rủi ro. Bởi giá trong nước luôn cao hơn thế giới và giá vàng trong nước cũng chịu tác động tâm lý nên đôi khi đi ngược với thế giới. Còn nếu mua bán USD trên thị trường tự do lại vi phạm pháp luật, không may bị tịch thu sẽ bị tiền mất tật mang. Vì vậy, người dân cần phải tỉnh táo không nên nhẹ dạ cả tin chạy theo tin đồn. Do đó, việc gửi tiền NH vẫn đang là kênh sinh lời an toàn nhất.
Hơn nữa, tuy đồng VND có giảm giá so với USD nhưng lạm phát của Việt Nam ổn định ở mức thấp nên lãi suất tiền gửi cao hơn rất nhiều so với lạm phát. Như vậy, người gửi tiết kiệm vẫn được hưởng lãi suất thực dương. Thị trường chứng khoán, bất động sản dù sụt giảm nhưng vẫn còn sự hấp dẫn nhất định. Tuy nhiên, kênh đầu tư này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có kiến thức, sự hiểu biết, và có vốn lớn nhất là đầu tư bất động sản. Với những đòi hỏi như vậy, theo tôi đối với người hưu trí thì gửi tiết kiệm vẫn là phù hợp và an toàn nhất.
Xin cảm ơn ông!