Mạng xã hội video ngắn trở thành nơi tụ hội của nội dung, ảnh chế meme và cộng đồng fandom xem Thế vận hội Paris 2024.
Nhu cầu xem nội dung về Thế vận hội đã tăng cao từ trước lễ khai mạc. Suốt nhiều tuần liền, các tài khoản chính thức của Olympic và Paralympic đã chia sẻ trên nhiều nền tảng khác nhau để thu hút người dùng.
Nội dung về Olympic (và các sự kiện thể thao lớn khác nói chung) phát triển mạnh nhờ những câu chuyện marketing hấp dẫn. Ví dụ như các đội nào là đối thủ lâu năm, những vận động viên phải đối mặt với những nghịch cảnh gì và chia sẻ về những tranh cãi xoay quanh môn thể thao để gây tò mò.
Nhờ những câu chuyện này, TikTok đã trở thành thiên đường đưa tin phía sau hậu trường của Olympic.
Nở rộ clip hậu trường, meme chế trên TikTok
Đơn cử như câu chuyện bánh chocolate muffin ở Làng Olympic bắt nguồn từ kình ngư người Na Uy Henrik Christiansen và niềm yêu thích dành cho chiếc bánh.
Nam vận động viên đăng một video xếp hạng các món ăn khác nhau tại canteen và cho chiếc bánh muffin chocolate 10/10 điểm. Kể từ đó, anh đã quay ít nhất 11 video về bánh nướng xốp Olympic cùng hàng loạt tiểu phẩm “vô tri” tự biên tự diễn thu hút hàng triệu lượt xem.
Anh chàng thậm chí còn tự phong mình là “muffin man” (tạm dịch: người đàn ông muffin). Christiansen và chiếc bánh muffin được gọi vui là “nỗi ám ảnh mới trên Internet”, khi lướt đâu cũng thấy người ta đang chia sẻ về món bánh này.
Chiếc bánh chocolate muffin tại Làng Olympic được ví là “nỗi ám ảnh mới trên Internet” sau khi được kình ngư người Na Uy nhiệt tình reveiw. Ảnh: TikTok. |
Trong làng, mọi người cũng bắt đầu chạy khắp nơi để tìm kiếm những chiếc bánh muffin. Họ săn lùng những thương hiệu bánh muffin thứ thiệt và yêu cầu Costco nhập khẩu chúng vào Mỹ.
Lượng nội dung dồi dào về Thế vận hội không chỉ có ở TikTok hay Olympic Paris năm nay. Trong Thế vận hội Tokyo năm 2020, vận động viên bóng bầu dục nữ người Mỹ Ilona Maher đã thu hút được lượng lớn người theo dõi trên TikTok khi chia sẻ clip hậu trường của sự kiện. Khi đó, video của cô ấy thành công vì sự mới lạ.
Nhưng khác với năm 2021, thời Paris Olympic, trang chủ TikTok luôn tràn ngập nội dung về Thế vận hội, không chỉ từ những ngôi sao lớn nhất như Maher hay vận động viên thể dục dụng cụ Sunisa Lee. Người xem cũng yêu thích các video thử đồng phục tuyệt đẹp của đội Mông Cổ.
Có người còn cắt ghép video thành “fancam” quay những vận động viên đấu kiếm đẹp trai, xinh gái trên nền các bài hát K-pop. Hay tuyển thủ bắn súng Hàn Quốc Kim Yeji nhờ ngoại hình ngầu nên có cả TikTok lập ra dành riêng cho cô. Tạp chí GQ cũng viết bài về phong cách của cô.
Có thể thấy, Olympic năm nay đã khác xưa, The Verge nhận định.
TikTok trở thành kênh truyền hình TV, nơi đưa tin Olympic
Giám đốc phòng quan hệ đối tác thể thao của TikTok, Rollo Goldstaub, cho biết Thế vận hội Paris có “tất cả yếu tố phù hợp để trở thành nội dung lớn nhất trong lịch sử của TikTok”.
Theo Goldstaub, trong 5 ngày đầu tiên của Thế vận hội Tokyo, có 29.000 bài đăng đã sử dụng hashtag #olympics. Trong khi đó, chỉ với 5 ngày đầu tại Paris Olympic, 521.000 bài viết đã dùng #olympics trên TikTok, gấp 17 lần 4 năm trước. Đến hiện tại, hashtag #olympics đã được sử dụng trong gần 1 triệu video.
Theo The Verge, một trong những nguyên nhân đến từ cách tổ chức Thế vận hội Olympic năm nay khác Olympic Tokyo 2020. 4 năm trước, các vận động viên bị cô lập và các địa điểm hầu như không có người để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Đội KOL được thuê để quay những nội dung về vận động viên, môn thi đấu, hậu trường Olympic. Ảnh: New York Times. |
Theo báo cáo của NBC, xếp hạng TV kỳ Thế vận hội Paris tại Mỹ đã tăng 79% so với Tokyo Olympic 2020. Các nền tảng phát sóng nước này còn thuê đội KOL để đăng nội dung về Thế vận hội trên các mạng xã hội, bao gồm cả TikTok.
Thị trường KOL và người sáng tạo nội dung cũng đã thay đổi kể từ Olympic Tokyo. Nhiều vận động viên bắt đầu làm nội dung, chỉnh sửa video theo thị hiếu người dùng TikTok. Có thể kể đến những clip GRWM (get ready with me) của các vận động viên Olympic chuẩn bị cho lễ khai mạc, clip quay vận động viên mở hộp thiết bị thi đấu như đang khui hàng quần áo, đồ trang điểm. Chúng đều là những loại nội dung tràn ngập news feed TikTok mỗi ngày.
Ngược lại, TikTok cũng trở thành nền tảng được các vận động viên đầu tư. Sau khi giành huy chương vàng và vẫn đang say sưa trong niềm vui, các vận động viên thể dục dụng cụ người Mỹ Lee và Simone Biles đã thảo luận về những bản âm thanh viral trên TikTok họ nên sử dụng trong video. Hãy tưởng tượng bạn bỏ lỡ một huy chương Olympic và sau đó rút điện thoại ra để tạo một video về nó ở dạng meme.
Song, TikTok cũng chính là công ty đang bị chính phủ Mỹ thúc ép thoái vốn hoặc có nguy cơ bị đuổi khỏi đất nước. Tổng thống Joe Biden đã ký dự luật cấm TikTok vào tháng 4. Ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris cũng từng nói rằng Mỹ cần phải “đối phó” với chủ sở hữu ByteDance của TikTok.
Nhưng gần đây, chính những chính trị gia ủng hộ dự luật buộc thoái vốn như Harris Biden đã tham gia nền tảng này giữa chiến dịch tranh cử tổng thống rầm rộ. Sự thiếu nhất quán này dấy lên sự phẫn nộ của người dùng, cho rằng hành vi đó là đạo đức giả.
The Verge kết luận TikTok giờ đây không chỉ là mạng xã hội, mà còn là kênh truyền hình, marketing, trung tâm mua sắm, ứng dụng âm nhạc, nền tảng đọc tin tức và hiện là nguồn đăng tin trực tiếp về Olympic xuyên suốt 24/7. Do đó, các nhà lập pháp Mỹ sẽ phải đối mặt với bộ máy thông tin khổng lồ được xây dựng trên TikTok, nếu muốn thực thi lệnh cấm trót lọt.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.