Từng chứng kiến nhiều lần dọa cấm khác, nên nhân viên TikTok đã sớm quen với điều này. Dự luật chẳng ảnh hưởng đến công việc của họ.
Nhân viên TikTok chỉ quan tâm nếu có nguy cơ mất việc. Ảnh: AP. |
TikTok đang phải đối mặt trước 2 lựa chọn: bị cấm hoặc bán mình. Nguyên nhân bắt nguồn từ dự luật vừa được Hạ viện Mỹ thông qua. Trong đó, Mỹ yêu cầu công ty mẹ ByteDance, có trụ sở tại Trung Quốc, bán TikTok phiên bản Mỹ hoặc bị xóa sổ hoàn toàn khỏi các cửa hàng ứng dụng.
Tháng 8/2020 là lần đầu tiên chính quyền ông Donald Trump muốn loại bỏ TikTok bằng luật pháp, do mối quan hệ nhập nhằng giữa nền tảng video với Trung Quốc. Khi đó, TikTok đã phải đối mặt với sự tấn công dữ dội từ các chính trị gia Mỹ. Song, dự luật cấm này đã bị bác bỏ trước tòa.
Đối với các nhân viên TikTok và ByteDance tại Mỹ, các đòn tấn công liên tục giáng vào công ty cứ như truyện ngụ ngôn Cậu bé chăn cừu ta đọc thuở bé. Cụm từ “cấm TikTok” trở thành mồi nhử chính trị hữu hiệu cho các phát biểu và tranh luận, nhưng dự luật để thực sự xóa ứng dụng này khỏi Mỹ vẫn chẳng có tí đe dọa nào.
“Tôi đã làm việc ở đây vài năm và đã chứng kiến hết những màn đe dọa TikTok. Chúng đến rồi lại đi”, một nhân viên nói với Business Insider. Người này cho biết sự dọa dẫm chẳng ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của anh, ngoài việc khiến anh hơi phân tâm và cảm giác bất an bủa vây.
Nhân viên nền tảng video ngắn nói họ “vô cảm” trước các mối đe dọa đang diễn ra với TikTok. Không khí chung trong công ty chẳng thay đổi gì nhiều trong những tuần gần đây, ngay cả khi TikTok bắt đầu khuyến khích người dùng chống lại lệnh cấm của Mỹ.
Nhân viên TikTok tin rằng đạo luật sẽ không có tác dụng. Ảnh: Bloomberg. |
“Không khí làm việc ở TikTok vẫn bình thường như chẳng có chuyện gì. Vẫn có một vài người lo lắng, nhưng hầu hết chúng tôi đã quen với nó”, nhân viên giấu tên chia sẻ với Business Insider.
Ngay cả khi “Đạo luật bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát” của Hạ viện được ký thành luật, nhân viên TikTok vẫn có lý do chính đáng để tin rằng nó sẽ không thành công.
Các lần thử cấm khác, như luật tiểu bang Montana năm 2023, từng bị bác bỏ dựa trên Tu chính án 1 Hiến pháp Mỹ. Chỉ trong một năm mà 2 ứng viên tổng thống hàng đầu liên tục thay đổi quan điểm về TikTok, số phận năm 2025 của nền tảng ngày càng mơ hồ hơn, Business Insider nhận định.
Đối với các nhân viên hiện tại của TikTok và ByteDance, họ ngày càng khó phân biệt đâu là nguy cơ thật, đâu là lời đe dọa giả mang tính chính trị.
Nhiều nhân viên thậm chí vì quá bận rộn với công việc hàng ngày của mình, nên chẳng hay biết gì về những tranh cãi và dự luật cấm gần đây. Họ chủ yếu chỉ quan tâm đến tương lai của TikTok nếu nó liên quan đến công việc của chính họ.
“Đối với nhóm của tôi, chúng tôi quá bận nên chẳng nghĩ gì nhiều. Đối với cấp dưới, vấn đề thực sự chúng tôi là quan tâm là có ảnh hưởng đến công việc hay không. Lãnh đạo muốn các nhóm nội bộ của chúng tôi chống lại đạo luật này để đảm bảo công việc vẫn an toàn”, một nhân viên nói với Business Insider khi được hỏi về dự luật Hạ viện.
Một nhân viên khác cho biết công việc của mình có an toàn hay không là mối quan tâm hàng đầu của anh, vì đây không phải là thời điểm thuận lợi để tìm việc mới trong lĩnh vực công nghệ.
Ngoài những chiến thắng gần đây tại tòa án, mức độ phổ biến của TikTok ở Mỹ – với hơn 170 triệu người dùng hàng tháng – cũng có thể là tấm khiên vững chắc, giúp bảo vệ ứng dụng khỏi sự can thiệp của chính phủ. “Nếu họ cấm TikTok, tôi có thể hình dung ra cảnh tỷ lệ tán thành Quốc hội sẽ giảm mạnh”, một nhân viên giấu tên nói.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.