Nghề làm tương đã được truyền qua bao đời trong các gia đình ở xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) nhưng vẫn là làm ăn nhỏ lẻ trong phạm vi mỗi nhà.
Nếu chỉ làm theo cách cũ sẽ mãi không có biến chuyển gì. Trong khi tương quê mình làm rất ngon, đã có tiếng nhưng chưa nhiều nơi biết đến. Anh chàng 9X ấy quyết định rời phố thị, quay về quê hương quyết đi tìm danh phận cho đặc sản truyền thống quê nhà.
Tạo khác biệt cho nghề truyền thống
Dương Văn Duy (29 tuổi) tốt nghiệp ngành luật và nhiều năm làm việc xa quê. Nhiều lần đi về, tự hỏi tại sao làng nghề quê mình lâu đời thế mà sản phẩm quê nhà ít đi xa. Vậy rồi Duy quyết định khởi nghiệp với chính món ăn bao đời của cha ông ấy.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ (xã Úc Kỳ) với 22 thành viên ra đời năm 2020, chọn chính món tương nếp quê hương làm sản phẩm chủ lực.
Dù trái ngành đó nhưng chàng trai 9X rất tự tin với vốn kiến thức nông nghiệp của gia đình cũng như học hỏi kinh nghiệm từ người dân địa phương.
Nếu một lần có duyên đặt chân đến xã Úc Kỳ, du khách không nên bỏ lỡ việc nếm thử vị ngon ngọt, đậm đà của món tương nếp truyền thống ở vùng đất này.
Vừa thoăn thoắt mở từng nắp chum đựng tương giới thiệu cho du khách, Duy vừa kể về nghề truyền thống đã gắn bó với gia đình mình bao đời nay.
Ở mảnh đất này, chẳng biết nghề làm tương nếp có từ bao giờ, chỉ biết đấy là nghề cha truyền con nối. Như nhiều nhà khác, gia đình Duy cũng đều có nhiều chum sành đựng tương làm để sử dụng trong nhà và cả dành biếu họ hàng. Dần dà, nhà này chỉ nhà kia làm, bà con sản xuất ra nhiều, vậy là đem ra chợ truyền thống bán.
Nối nghiệp gia đình, Duy cũng mày mò tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ chính gia đình mình rồi tìm thêm những người lớn nhiều kinh nghiệm đi trước để hỏi.
Nhờ vậy mà Duy nắm vững bí quyết sản xuất thủ công theo phương thức truyền thống. Đây cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm tương hợp tác xã của anh so với các loại tương trên thị trường hiện có.
“Tuy nhiên bà con còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa thành sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao. Mình quyết tâm thành lập hợp tác xã, liên kết các hộ cùng làm tương lại với kỳ vọng nâng cao giá trị, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm, nhất là phải tìm cho tương nếp quê mình một danh phận xứng đáng” – Duy chia sẻ.
Lên kệ quà biếu
Sau hơn ba năm gầy dựng thương hiệu, hợp tác xã của Dương Văn Duy hiện cho ra đời hai sản phẩm đặc trưng gồm tương nếp Hồng Kỳ và gạo nếp Thầu Dầu. Duy bật mí điều quan trọng nhất là phải nắm vững bí quyết “tốt mốc ngon tương” của cha ông để lại, tỉ mỉ trong khâu lựa chọn nguyên liệu đỗ tương và gạo nếp Thầu Dầu.
Khi lựa chọn được nguyên liệu, đỗ tương được làm sạch, rang chín rồi nghiền thành bột. Công đoạn tiếp theo sẽ cho vào chum sành ngâm với nước sạch ủ trong khoảng thời gian 12 – 15 ngày.
Trong thời gian ủ đó, người làm tương sẽ đồ xôi (loại gạo nếp Thầu Dầu) rồi ủ mốc cho phù hợp, phải tính toán làm thế nào cho mốc và nước tương sẽ cùng một thời điểm.
Hoàn thành hai công đoạn trên, khi mốc và nước tương đều đạt chuẩn mới đổ mốc vào nước tương và tiếp tục ủ tương từ 20 – 30 ngày là sẽ được tương thành phẩm.
Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất này cộng với sáng tạo trong quảng bá thương hiệu, sản phẩm tương nếp Hồng Kỳ bắt đầu có mặt tại nhiều gian hàng giới thiệu, trưng bày và trong các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Năm 2022, sản phẩm tương nếp Hồng Kỳ của hợp tác xã đã tham gia dự thi chương trình OCOP của tỉnh Thái Nguyên và đạt chứng nhận ba sao.
Vừa coi trọng chất lượng, lại rất chú ý mẫu mã sản phẩm có tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc, số điện thoại, các sản phẩm của hợp tác xã đã dần thu hút khách hàng, lên kệ quà biếu ý nghĩa, nhất là vào mỗi dịp Tết đến.
Để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ đã xây dựng vùng nguyên liệu lúa nếp Thầu Dầu hơn 40ha sản xuất theo hướng hữu cơ cùng 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Duy tiết lộ sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị để phát triển sản phẩm mới sắp tới.
Cùng với mở rộng xưởng sản xuất, Duy cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu mô hình du lịch trải nghiệm. Đó như một nỗ lực góp phần quảng bá sâu rộng sản phẩm đặc trưng của địa phương đến du khách đến với Thái Nguyên.
Dùng mạng xã hội quảng bá sản phẩm
Sẵn lợi thế tuổi trẻ năng động, sáng tạo, cậu bạn 9X quê Thái Nguyên dùng máy móc, tận dụng công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất lao động. Tận dụng mạng xã hội phát triển, Duy cùng các cộng sự còn livestream bán hàng để quảng bá nhanh, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.
Dù vậy, thời gian đầu khởi nghiệp cũng gặp không ít khó khăn khi thu hút nhân lực vào hợp tác xã. Hầu hết thanh niên địa phương đều đi làm tại các khu công nghiệp, lực lượng lao động còn lại đa phần đều là người lớn tuổi.
Chưa kể bà con cũng chưa hiểu hết lợi ích của mô hình kinh tế tập thể nhưng ông chủ trẻ quyết không nản chí.
“Mình tham gia nhiều mô hình, học tập kinh nghiệm từ các hợp tác xã nông nghiệp trong và ngoài địa phương, chia sẻ lại nên bà con dần tin tưởng và ủng hộ, cùng làm với mình” – Duy khoe.