TTO – Tối 24-3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải đối thoại trực tiếp cùng đoàn viên, thanh niên của Bộ Tư pháp và Trường ĐH Luật Hà Nội.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải chia sẻ với sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội tối 24-3 – Ảnh: HÀ THANH |
Chương trình với chủ đề “Tinh thần khởi nghiệp và khát vọng cống hiến” do Bộ Tư pháp, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Luật Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 – 26-3-2017).
Chương trình luật nặng kiến thức hàn lâm
Đối thoại trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sinh viên đặt câu hỏi: Môi trường chuẩn bị nào tốt nhất cho sinh viên Luật?
Bộ trưởng Lê Thành Long chia sẻ thị trường với sinh viên ngành Luật có nhiều cơ hội như làm luật sư, cán bộ tư vấn cho các doanh nghiệp, có thể mở công ty Luật riêng hay Bộ Tư pháp có các tổ chức pháp chế…
Chia sẻ kinh nghiệm khi là đoàn viên, công chức trẻ để phấn đấu trong công việc, Bộ trưởng khẳng định sinh viên cần có những yếu tố: Phải đam mê, chắt chiu thời gian để đọc sách, đọc báo; Cần cù, chịu khó học ngoại ngữ…
Tại buổi đối thoại, sinh viên băn khoăn đối với sinh viên ngành Luật ra trường thường có xu hướng thất nghiệp, đã xác định được nguyên nhân “căn bệnh” là do chương trình dạy nặng kiến thức hàn lâm, Bộ có giải pháp gì nâng cao chất lượng cử nhân ngành Luật?
Trả lời câu hỏi này Bộ trưởng Lê Thành Long nói: Vừa qua Trường ĐH có khảo sát 63% sinh viên Luật ra trường có việc làm, tôi không có số liệu chung, chính xác nhưng nhận thấy con số đó chưa đáng báo động lắm.
Tuy nhiên Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận hiện nay các trường ĐH cũng nói nhiều đến cách thức đổi mới giáo dục cho phù hợp.
Theo Bộ trưởng, cần tập trung đổi mới phương thức, chương trình và kỹ năng giảng dạy tập trung vào kỹ năng thực tế, xử lý tình huống; kỹ năng xây dựng luật, hiểu và áp dụng luật trên thực tế…
Một sinh viên đặt câu hỏi với Bộ trưởng Lê Thành Long – Ảnh: HÀ THANH |
Hiến kế thực hiện tốt chương trình khởi nghiệp
Tại chương trình đối thoại, Bộ trưởng đặt câu hỏi cho sinh viên hiến kế để thực hiện tốt tinh thần khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay/
Hà Anh (sinh viên k40 Trường ĐH Luật Hà Nội), chia sẻ nhắc đến khởi nghiệp, quan trọng nhất là gọi vốn nhưng với sinh viên Luật, vốn không chỉ là tiền bạc mà còn là vốn sống, chuyên môn, trau dồi kỹ năng, chuyên môn.
Với Trường ĐH Luật Hà Nội quan trọng nhất là nâng cao chất lượng của sinh viên ra trường.
Hà Anh hiến kế, thứ nhất về chuyên môn cần có bài giảng thực tế hơn và cập nhật nhanh Hiến pháp. Thứ hai, Nhà trường, cơ quan cấp cao tạo điều kiện cho sinh viên tham dự thực tế về tư vấn luật; thứ ba nâng cao tinh thần sinh viên luật: tinh thần công lý, chính nghĩa; sâu sát với thực tiễn đời sống.
Lời khuyên của Bộ trưởng cho sinh viên Hà Anh là nếu các bạn có thêm ngoại ngữ nữa là thực hiện tốt, cố gắng học ở mọi nơi, mọi lúc.
Bộ trưởng đặt câu hỏi: Làm thế nào để ngành, Bộ Tư pháp mạnh lên? Bạn Hoàng Ly Cầm hiến kế: Yếu tố quan trọng nhất là con người, là vấn đề tự thân nhận thức, trau dồi, tự nâng cao của của mỗi cán bộ, công chức; hai là đẩy mạnh công cụ của ngành tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời đối thoại trực tiếp với sinh viên – Ảnh: HÀ THANH |
Tại buổi đối thoại, các sinh viên cũng được đối thoại với Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải và luật sư Trần Anh Đức – Chủ nhiệm CLB Luật sư thương mại quốc tế VN về phong trào khởi nghiệp, kỹ năng cần thiết khởi nghiệp của sinh viên ngành Luật.
Một sinh viên đặt câu hỏi: Trở ngại của sinh viên ngành Luật bước ra khởi nghiệp là gì và cần phải chuẩn bị kỹ năng gì?
Trả lời thắc mắc của bạn trẻ, anh Trần Anh Đức chia sẻ hiện nghề Luật sư tại Việt Nam có nhu cầu lớn, hầu như các bạn trẻ khởi nghiệp với công ty Luật đều thành công nên không cần lo lắng quá.
“Nhưng điều đặt ra là hiện có 700 văn phòng luật sư nhỏ và vừa, các bạn phải làm cái gì lớn hơn, khác đi. Đến 10 năm nữa ngành Luật ở VN cũng không hết việc, vấn đề là các bạn phải yêu”, LS Trần Anh Đức chia sẻ.
Theo luật sư Trần Anh Đức, kỹ năng quan trọng nhất của sinh viên là biết áp dụng lý thuyết vào thực tế, hiểu được khái niệm kinh doanh, hợp đồng, nhìn nhận ra rủi ro của khách hàng ở đâu và hướng dẫn, giải quyết cho khách hàng với tư cách “thầy Luật”.